Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2024): Đổi mới để phát triển và hội nhập

Bài 2: Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử

Thứ Sáu, 26/01/2024 09:45

|

(CATP) Nhìn lại chặng đường lịch sử 38 năm đổi mới, có thể khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước. Sự lãnh đạo ấy được thể hiện qua cương lĩnh, đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, đưa đất nước ta từ một nước nghèo, bị cô lập, trở thành quốc gia hội nhập sâu với thế giới, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, với quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD năm 2023.

Đường lối đổi mới lịch sử

Đại hội VI của Đảng (12/1986) đã đưa ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở nước ta.

Đại hội VII của Đảng (6/1991) khẳng định tiếp tục đổi mới đồng bộ, triệt để trên các lĩnh vực với những bước đi, cách làm phù hợp và giữ vững định hướng XHCN. Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, xác định những quan điểm và phương hướng phát triển đất nước, khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng.

Qua hơn 33 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 và 38 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, vượt qua khủng hoảng kinh tế đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Đại hội XIII của Đảng (02/2021) đã nhận định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, khẳng định nước ta phát triển kinh tế phải được đặt ngang hàng chính trị, văn hóa, xã hội

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh

Trong 38 năm thực hiện đường lối đổi mới, kinh tế nước ta đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986 - 1990), mức tăng trưởng GDP bình quân hằng năm chỉ đạt 4,4% thì giai đoạn 1991 - 1995, GDP bình quân đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm; các giai đoạn sau đó đều có mức tăng trưởng khá cao; giai đoạn 2016 - 2019 đạt mức bình quân 6,8%. Những năm đại dịch Covid-19 hoành hành và hậu Covid-19, dù kinh tế toàn thế giới rất khó khăn nhưng năm 2022, GDP nước ta vẫn tăng trưởng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022. Năm 2023, dù vẫn chịu tác động của hậu đại dịch Covid-19, những xung đột địa chính trị làm ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, GDP nước ta vẫn tăng 5,05%; GDP bình quân đầu người ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD. Theo số liệu của các tổ chức quốc tế như World Bank, IMF..., tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ cao thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á.

Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên rất nhanh. Năm 1986, Việt Nam bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, GDP Việt Nam chỉ khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN. Đến năm 2022, GDP Việt Nam đạt khoảng 406,45 tỷ USD, tăng khoảng 50 lần, năm 2023 đạt hơn 430 tỷ USD. Đặc biệt, giai đoạn 1986 - 2022, Việt Nam lọt top 5 nước có quy mô kinh tế tăng nhanh nhất thế giới.

Những nỗ lực đổi mới trong 38 năm qua đã giúp cho môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành đạt 2.046,8 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 38,02 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trước đó. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn là một điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư với tổng vốn FDI đạt 28,5 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua.

Việt Nam đã hình thành các vùng kinh tế trọng điểm để làm động lực cho phát triển kinh tế vùng, miền và cả nước; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển, đồng thời hình thành các vùng chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi gắn với chế biến công nghiệp...

Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế ở mức cao, chủ động tham gia và đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có 4 đối tác chiến lược toàn diện, 17 đối tác chiến lược, 13 đối tác toàn diện); có quan hệ thương mại với 224 đối tác và quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư; đàm phán, ký kết và thực thi 19 FTA song phương và đa phương, với hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới; trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu; đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế song phương và đa phương.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc thực thi có hiệu quả các FTA thời gian qua đã giúp mở rộng, đa dạng thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh và cán cân thương mại được cải thiện rõ rệt theo hướng chuyển từ thâm hụt sang thặng dư (năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp ta xuất siêu với mức thặng dư gần 12 tỷ USD. Năm 2023 tiếp tục ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục 28 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế).

Đây là cũng là minh chứng cho đường lối, chủ trương chính sách hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Qua 38 năm đổi mới, từ chỗ thiếu ăn, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, đặc biệt là gạo, năm 2023 xuất khẩu đạt mức kỷ lục, vượt 8 triệu tấn, doanh thu đạt 4,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản, như cà phê, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Với kim ngạch xuất nhập khẩu ấn tượng, đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa - xã hội

38 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm; từ chỗ không chấp nhận có sự phân hóa giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp, việc gì không vi phạm pháp luật người dân có quyền làm.

Công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,45% năm 2010, 7% năm 2015 và còn dưới 3% năm 2020, năm 2023 là 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều). Báo cáo "Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam" được công bố bởi Ngân hàng Thế giới năm 2022, tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua.

Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển, cơ sở vật chất được nâng cao, chất lượng đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực. Nhiều chỉ số về giáo dục phổ thông của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực. Vị thế các trường đại học của Việt Nam đã được nâng lên trong bảng xếp hạng Châu Á và thế giới. Tạp chí Times Higher Education (THE) của Anh công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới năm 2024, trong đó Việt Nam có 6 đại diện được xếp hạng, đó là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

Năng lực của hệ thống các cơ sở y tế được củng cố và phát triển, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế hơn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng được chú trọng đầu tư, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân... Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hệ thống y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản; làm chủ được nhiều kỹ thuật công nghệ cao mang tầm thế giới như trong ghép tạng; kiểm soát được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, trong đó có Covid-19; chủ động sản xuất được nhiều loại vắc-xin phòng bệnh cho người và gia súc, mới đây là vắc-xin dịch tả lợn Châu Phi...

Những thành tựu của 38 năm đổi mới đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại...

Việt Nam có thể lọt top 25 nền kinh tế thế giới vào năm 2038

Theo báo cáo triển vọng kinh tế thế giới thường niên lần thứ 14 của Trung tâm tư vấn CEBR (Anh), Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 34 năm 2023 với quy mô GDP 430 tỷ USD và sẽ đứng vị trí thứ 21 toàn cầu vào năm 2038.

Năm 2024 Việt Nam dự kiến ở vị trí 33 trên bảng WELT. Thứ hạng Việt Nam có thể tăng nhanh, đạt vị trí 24 vào năm 2033 trước khi trở thành nền kinh tế lớn thứ 21 thế giới vào năm 2038.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm dây chuyền sản xuất của Công ty sản xuất chíp bán dẫn tại Bắc Giang

Với ưu thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua gần hết các nước trong ASEAN về kinh tế như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Tốc độ tăng GDP hàng năm của Việt Nam được CEBR dự báo trung bình đạt 6,7% trong giai đoạn 2024 - 2028 và sẽ là 6,4% trong 9 năm tiếp theo.

Bài 1: Quyết định lịch sử: Đường lối đổi mới ra đời
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang