Do kỹ thuật khá sơ sài, “Việt cộng” đã làm giả, cấp cho các cán bộ cách mạng, chiến sĩ biệt động tự do đi lại, đưa vũ khí, đạn dược từ căn cứ vào vùng chúng kiểm soát. Để ngăn chặn, chúng liền thay đổi thẻ căn cước cấp cho nhân dân miền Nam.
Thẻ căn cước mới có hình “rồng xanh” trên bề mặt thay cho hình “khóm tre”, có chất phát quang sẽ hiện lên khi đưa vào máy kiểm tra, ngoài được ép nhựa dẻo bảo vệ. Toàn bộ vật tư, công nghệ làm thẻ căn cước là của Mỹ đưa sang và thực hiện công đoạn cuối ở Sài Gòn.
Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an - Ảnh: Báo CATP
Chúng tin tưởng rằng, với giải pháp kỹ thuật này, “Việt cộng” không thể làm giả. Việc chính quyền Sài Gòn thay đổi thẻ căn cước cấp cho nhân dân miền Nam đã gây cho ta những khó khăn rất lớn, cán bộ ta hoạt động bất hợp pháp trong lòng địch, nhưng không có những giấy tờ cần thiết để “hợp pháp hóa”, vì vậy nhiều cán bộ, chiến sĩ biệt động đã bị lộ, bị địch bắt giam hoặc thủ tiêu.
Làm thế nào để có các loại giấy tờ tùy thân giả nhưng có tính năng, kỹ thuật tương tự như các loại giấy tờ, trong đó có thẻ căn cước hình “rồng xanh” để cấp cho cán bộ cách mạng, các chiến sĩ biệt động hoạt động trong vùng địch kiểm soát? Nhiệm vụ này được Bộ Chính trị Trung ương Đảng giao cho Bộ Công an thực hiện.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã đưa mẫu sang đề nghị một số nước giúp, sản xuất khoảng 5 vạn thẻ. Tuy nhiên, các nước đều trả lời: Thẻ căn cước “rồng xanh” chính quyền Sài Gòn cấp cho nhân dân miền Nam được làm bằng vật tư và công nghệ của Mỹ, với công nghệ hiện đại như vậy họ chưa làm được, nếu có làm, mỗi năm cũng chỉ làm vài chục chiếc, không thể làm đồng loạt 5 vạn chiếc như đề nghị của Bộ Công an Việt Nam.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã có cuộc họp với cán bộ, kỹ sư của Cục Kỹ thuật nghiệp vụ. Nhấn mạnh đây là vấn đề xương máu của cán bộ và chiến sĩ đang hoạt động trong vùng địch kiểm soát ở miền Nam; là sự tồn vong của cách mạng miền Nam, đồng chí Bộ trưởng yêu cầu cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ phải hết sức cố gắng, “sản xuất” bằng được các giấy tờ tùy thân, trong đó có thẻ căn cước có hình thức, kỹ thuật y hệt như các loại giấy tờ mà chính quyền Sài Gòn đã cấp cho nhân dân miền Nam, để cấp cho cán bộ vào hoạt động trong vùng địch kiểm soát.
Hàng tuần, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn trực tiếp vào kiểm tra và động viên cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ, hãy vì đồng bào miền Nam ruột thịt mà cố gắng, phấn đấu hết sức mình.
Với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt, lãnh đạo Cục Kỹ thuật nghiệp vụ đã thành lập tổ công tác do đồng chí Trần Khắc Thiệu - Trưởng phòng phụ trách chung; đồng chí Lê Văn Cương (sau này là thiếu tướng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an) phụ trách về kỹ thuật chất phát quang; đồng chí Nguyễn Văn Đích phụ trách về mực in; đồng chí Lê Chí Thăng phụ trách về nhựa, keo, màng mỏng và đồng chí Nguyễn Lê Vinh phụ trách vẽ kỹ thuật các vân trang trí và “rồng xanh” trên thẻ căn cước.
Khi nhận nhiệm vụ, thiếu tướng Lê Văn Cương mới tròn 26 tuổi. Ông kể: “Sau khi nghiên cứu, tôi thấy rằng, chất phát quang trên thẻ căn cước “rồng xanh” là chất phát quang hữu cơ công nghệ của Mỹ ta không thể có được khi làm thẻ căn cước giả. Không lẽ mình không thể tìm được loại chất phát quang tương tự? Câu hỏi ấy cứ đau đáu theo tôi trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ”.
Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975
Suốt 5 tháng trời trong thư viện để đọc sách, nghiên cứu, mày mò thử nghiệm nhưng kết quả chưa được như ý. Ngày ngày, người cán bộ trẻ về số 10 Nguyễn Quyền ăn cơm bếp, tối ghép 2 chiếc ghế trong hội trường 15 Trần Bình Trọng làm giường và mắc màn để ngủ, thường là những bữa ăn không thấy ngon, không phải vì thiếu thốn thức ăn, những giấc ngủ chưa trọn bởi trăn trở công việc chưa hoàn thành.
Cùng với sự trợ giúp của chị Ngợi - vợ đồng chí Đích có chuyên ngành về hóa học, ông đã tiến hành hàng trăm lần thử nghiệm để chế tạo ra loại chất phát quang tương tự như chất phát quang trên thẻ căn cước “rồng xanh”.
Kết quả qua thử nghiệm cho thấy, loại này chỉ có máy kiểm tra loại tinh xảo mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn đặt tại một số cơ quan đặc biệt như Tòa đại sứ, Phủ tổng thống, Tổng nha Cảnh sát... mới có thể phát hiện được.
Cùng với thành công đó, để có được chất keo, màng mỏng làm thẻ căn cước “rồng xanh”, thông qua bạn bè quốc tế, ta đã mua được ở thị trường các nước tư bản bằng ngoại tệ. Còn loại mực in trên thẻ căn cước “rồng xanh”, đồng chí Nguyễn Văn Đích đã thử nghiệm hàng trăm lần khác nhau, sao cho khi trộn lẫn với chất phát quang, đưa vào ép dán thẻ căn cước, mực không bị nhòe, không bị biến dạng chữ.
Và để có được hình vẽ tương tự trang trí trên thẻ căn cước “rồng xanh”, đồng chí Nguyễn Lê Vinh đã phóng to các hình vẽ trên thẻ căn cước thật của địch, sau đó vẽ đi, vẽ lại đến khi đối chiếu thấy như thật mới được đưa vào “sản xuất”.
Kết quả sau nhiều tháng khổ công nghiên cứu, thử nghiệm, cán bộ, chiến sĩ Cục Kỹ thuật nghiệp vụ đã sản xuất được hàng vạn thẻ căn cước “rồng xanh”, đáp ứng yêu cầu của cách mạng miền Nam, cấp cho cán bộ, chiến sĩ hoạt động an toàn, “hợp pháp” trong vùng địch kiểm soát, góp phần làm giảm tổn thất về nguồn nhân lực của cách mạng.
Nhìn những tấm thẻ căn cước “rồng xanh” giả, nhiều cán bộ kỹ thuật giỏi của các nước rất thán phục, không ngờ trong điều kiện chiến tranh đầy khó khăn, các kỹ sư Công an Việt Nam vẫn làm nên những kỳ tích.