KIÊN GAN BỀN CHÍ
Tháng 3-1962, Bộ Công an thành lập 5 trung tâm tình báo ở miền Nam, trung tâm tại Sài Gòn là tổ A1. Tháng 7-1962, Bộ Công an chi viện đợt đầu gồm 160 cán bộ cho an ninh miền Nam, trong đó có 5 đồng chí được phân công về Ban bảo vệ an ninh Khu SG-GĐ (gọi chung là Ban An ninh T4 - ANT4) là đồng chí Nguyễn Minh Đạm (Hai Trang, Sáu Đức), Trương Công Quỳnh (Năm Mai), Tám Phong, Bảy Thông, Lê Nguyên Cam (Ba Long).
Nhờ đó, ANT4 thành lập Văn phòng (B1), Tiểu ban bảo vệ chính trị (B2), Tiểu ban điệp báo (B3), Chấp pháp, trại giam (B4), Trinh sát vũ trang (B5) và An ninh vũ trang (Tiểu đoàn Vinh Quang).
Lực lượng An ninh T4 vận chuyển vũ khí, lương thực trong chiến tranh - Ảnh: Báo CATP
Đầu năm 1965, Tổ điệp báo A1 nhập vào Ban ANT4. Từ tháng 5-1965 đến 30-4-1975, giữa điệp trùng họng súng Mỹ - ngụy, các chiến sĩ ANT4 đã kiên trì bám trụ, chủ động tấn công địch, phá vụ nội gián ở văn phòng Thành đoàn, tiêu diệt tên Bộ trưởng chiến tranh tâm lý ngụy - Nguyễn Xuân Chữ, bảo vệ an toàn cho Wiefred Burchett, một nhà báo người Úc lặn lội sang thăm vùng giải phóng miền Nam...
An ninh vũ trang ANT4 đã chiến đấu không mệt mỏi trong điều kiện hết sức khó khăn vì địch tung cảnh sát dã chiến, biệt kích lùng sục, bố ráp hầm bí mật, bắt bớ cán bộ, giao liên, căn cứ phải di chuyển liên miên.
Thế nhưng, dù chịu cảnh lao tù hay đang trực tiếp cầm súng chiến đấu, chiến sĩ ANT4 vẫn giữ tròn khí tiết người cộng sản, mưu trí, sáng tạo trong đánh trận. Chính những người con ưu tú ấy đã làm nên những chiến công hiển hách, tô đậm thêm trang sử vẻ vang của ANT4 nói riêng và lực lượng công an nhân dân nói chung.
Giữa tháng 5-1965, một trung đội Mỹ lần đầu tiên càn vào ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi). Chúng dùng xe thiết giáp M113, súng phun lửa bắn phá, uy hiếp bộ phận căn cứ Khu ủy SG-GĐ đóng tại địa phương này. Phân đội An ninh vũ trang, ANT4 bảo vệ Khu ủy đã cùng bộ đội Củ Chi chiến đấu anh dũng dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Văn Vân (được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1978).
Lực lượng An ninh T4 vượt sông Sài Gòn trong chiến tranh - Ảnh: Báo CATP
Mặc dù bị thương nhưng đồng chí Vân vẫn vượt sông Sài Gòn, tìm xuồng đưa cán bộ Khu ủy về căn cứ dự bị ở huyện Bến Cát (Bình Dương) an toàn. Đây là trận đánh đầu tiên, thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần chiến đấu kiên cường, quả cảm của chiến sĩ An ninh vũ trang T4. Cùng với bộ đội Củ Chi, trận này ta tiêu diệt 27 tên địch, phá hủy 4 xe lội nước M113.
Ngày 8-1-1966, địch huy động 12.000 quân, 300 máy bay, 600 pháo và cối, 600 xe cơ giới... tiến hành cuộc hành quân Crimp, đánh vào sáu xã ở vùng Bắc Củ Chi như An Phú, Phú Mỹ Hưng là vùng căn cứ của Khu ủy SG-GĐ. Dù lực lượng địch quá mạnh nhưng An ninh vũ trang T4 (cụ thể là Tiểu đoàn Vinh Quang) đã cùng cánh bộ đội, du kích địa phương kiên quyết đánh trả.
Phát hiện miệng hầm bí mật của ta, địch tập trung hỏa lực tấn công nhưng không có kết quả. Chúng dùng xe ủi đất lấp kín các miệng hầm. Cán bộ, chiến sĩ ta ở dưới lòng đất hết sức gian khổ. Đến ngày thứ năm, quân ta quyết định tìm lỗ thông hơi chưa bị lấp, mở đường máu xông lên thì gặp ngay một trực thăng HU-1A đang đáp, liền ném lựu đạn vào trực thăng và các toán quân trên mặt đất.
Bị tấn công bất ngờ, địch phải chuyển ra vị trí cách đó khoảng 1km. Chớp lấy thời cơ, lực lượng của ta rời địa đạo, hướng về phía sông Sài Gòn, đồng chí Lê Văn Lên đã bơi qua sông mượn đủ thuyền đưa lãnh đạo cùng 200 người sang Bến Cát an toàn. Sau đó, các đồng chí an ninh vũ trang trở lại trận địa tiếp tục chiến đấu.
Đến ngày 19-1, địch phải chấm dứt trận càn, cuộc hành quân Crimp bị bẻ gãy. Trong trận này, chỉ riêng bộ phận 12 người do đồng chí Lê Văn Lên chỉ huy đã diệt gần 100 tên địch, bắn rơi 11 máy bay, bắn cháy 1 xe M113. Tiểu đoàn Vinh Quang được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Đồng chí Lên đã diệt 15 tên địch bằng 15 viên đạn carbin, được công nhận “Dũng sĩ diệt Mỹ” cấp ưu tú (sau giải phóng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân).
VÌ NƯỚC QUÊN THÂN
Tháng 1-1968, một bộ phận của Bộ tư lệnh tiền phương 2 gồm các đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Nguyễn Hộ (Tám Yến), Võ Văn Trúc (Hai Trúc) và nhiều cán bộ chủ chốt khác vào thành phố theo mũi tiến công phía Tây Nam.
Phân đội An ninh vũ trang, ANT4 gồm 12 đồng chí nhận nhiệm vụ bảo vệ bộ phận của Bộ tư lệnh tiền phương 2. Ngày 31-1-1968 (mùng 2 Tết), đoàn hành quân từ Bắc Bình Chánh, luồn lách qua nhiều đồn bốt địch, bí mật áp sát trường đua Phú Thọ - Chợ Thiết (quận 11).
Địch phát hiện, chúng tập trung lực lượng mạnh hòng tiêu diệt đoàn. Qua điện đài, đồng chí Sáu Dân lệnh cả đoàn rút trở lại Cầu Tre. Đồng chí Hai Trúc phân công Phân đội An ninh vũ trang chốt tại Chợ Thiết, trường đua Phú Thọ chiến đấu kiềm chân địch để cán bộ ta chuyển ra ngoài an toàn.
Khi Bộ tư lệnh tiền phương 2 vừa rút thì một tiểu đoàn biệt động quân, cảnh sát dã chiến ngụy ồ ạt tấn công trường đua Phú Thọ. Phục kích tại ngã tư Trần Quốc Toản - Âu Cơ, 12 chiến sĩ Phân đội An ninh vũ trang đánh trả địch quyết liệt suốt 3 ngày. Kết quả, ta tiêu diệt tại chỗ 50 tên, bắn cháy 10 xe (trong đó có 5 xe tăng), thu nhiều súng đạn.
Thua đau, địch tung lính biệt động, tổ chức phản kích, bao vây cả một khu vực rộng. Dưới sự che chở, đùm bọc và tiếp tế của quần chúng, 12 chiến sĩ An ninh vũ trang T4 tiếp tục chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt thêm 70 tên địch và 7 xe cơ giới.
Đến mùng 5 Tết, 10 đồng chí đã anh dũng hy sinh. Còn lại đồng chí Phạm Minh Trung và Lê Văn Tăng lùi về phòng ngự ở nghĩa địa Phú Thọ Hòa (nay là chung cư Lạc Long Quân, quận 11). Địch tăng cường biệt động quân, cảnh sát dã chiến bao vây nghĩa địa, tấn công liên tục suốt một ngày. Hai đồng chí của ta bắn cháy 1 xe tăng, hư 1 xe khác và tiêu diệt nhiều tên địch.
Các chiến sĩ công an bảo vệ thành phố sau ngày giải phóng - Ảnh:
Địch điên cuồng huy động máy bay, pháo bắn xối xả vào trận địa. Hai đồng chí Trung, Tăng bị thương vẫn chiến đấu kiên cường, không buông súng. Sau đó, hai đồng chí bị bắt. Địch dùng những đòn tra tấn dã man không ăn thua bèn chuyển qua ngọt nhạt mua chuộc cũng chẳng có kết quả. Cuối cùng, chúng đã thủ tiêu hai đồng chí.
12 chiến sĩ - liệt sĩ, 12 người con ưu tú của miền Nam khi ấy người lớn nhất chỉ mới 29 tuổi, nhỏ nhất 18. Tất cả các anh đều là đảng viên. Sau này, Phân đội An ninh vũ trang được Chính phủ truy tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng”.
Nhân kỷ niệm 35 năm (năm 2010) giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho các đồng chí Phạm Minh Trung, Lê Văn Tăng, Nguyễn Minh Hoàng.
Ngoài cánh điệp báo, trinh sát vũ trang nội đô, sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến lực lượng giao liên, những cán bộ, những chiến sĩ từng bị địch bắt, tra tấn dã man mà vẫn giữ tròn khí tiết như đồng chí Tăng, Trung và đặc biệt là đồng chí Nguyễn Tài, Trưởng ban ANT4. Ngày 23-12-1970, trên đường đi công tác, đồng chí Nguyễn Tài (Tư Trọng) bị địch bắt trong một cuộc vây ráp bất ngờ trên sông Cửu Long.
Hơn bốn năm trong nhà tù, nếm trải đủ thứ cực hình, đồng chí vẫn là người trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng. Năm 1972, ngụy quyền giao CIA khai thác Nguyễn Tài. Chúng thậm chí đã dùng đến phương pháp polygraph (máy phát hiện nói dối) nhưng không có kết quả.
Đầu năm 1975, trước khi tháo chạy, CIA và Nguyễn Khắc Bình (Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia) đã ra lệnh bí mật thủ tiêu đồng chí Nguyễn Tài nhưng bọn thuộc hạ không dám thi hành. Đồng chí được giải thoát ngày 30-4-1975 khi bộ đội ta đánh chiếm Trung ương tình báo ngụy ở đường Bạch Đằng.