Quốc khánh 2-9 một thời khói lửa

Thứ Hai, 31/08/2015 14:17  | Thanh Nghị

|

(CAO) Đại tá Thái Doãn Mẫn quê xã Phú Thiện, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, là cán bộ Cách mạng tiền khởi nghĩa, nguyên là Ủy viên Ban An ninh miền Nam, nguyên Phó Giám đốc CATP Hồ Chí Minh.

Ở tuổi 92, ông vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ như in những kỷ niệm về Quốc khánh 2-9 trong kháng chiến dù những năm tháng gian khổ đã lùi vào dĩ vãng.

Tôi đến thăm ông vào một ngày cuối tháng 8-2015. Do đã trao đổi trước về nội dung gặp gỡ nên ông vào đề luôn: Trước khi nói về những kỷ niệm Quốc khánh 2-9 trong kháng chiến, tôi xin nói đôi điều về một thời khói lửa đã qua.

Ngày ấy tôi còn rất trẻ, chỉ mới đôi mươi. Giác ngộ cách mạng từ Sài Gòn, tổ chức đơn tuyến phân công xuống Sóc Trăng làm ở Sở Địa Chính vào tháng 9-1943. Nhiệm vụ hoạt động là giác ngộ nhân dân đấu tranh chống Pháp, chống địa chủ, phong kiến bóc lột, trực tiếp rải truyền đơn tuyên truyền chính sách Việt Minh, kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh đứng lên chống Pháp, chống Nhật.

Tháng 3-1945, tôi vào tổ chức Thanh niên Cách mạng, tham gia cướp chính quyền từ tay quân Nhật. Cách mạng Tháng 8 thành công ở nhiều nơi, ở lục tỉnh Nam Kỳ cướp chính quyền từ tay Nhật vào những ngày cuối tháng 8-1945.

Đại tá Thái Doãn Mẫn ( người đứng hàng đầu, thứ 5 từ trái sang) -  Ảnh tư liệu

Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, tuyên bố thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa nước ta thành một nước tự do, độc lập có chủ quyền được quốc tế công nhận.

Lúc bấy giờ lòng dân phấn khởi lắm, hăng hái thi đua yêu nước, ủng hộ Viêt Minh và bảo vệ chính quyền Cách mạng. Nhưng thực dân Pháp vẫn điên cuồng thực hiện âm mưu cai trị nước ta, chúng tái chiếm nhiều vùng, miền, trong đó có Nam Kỳ Lục tỉnh và cuộc kháng chiến chống Pháp tiếp tục kéo dài thêm 9 năm.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhân dân ta nói chung, người dân Nam Kỳ Lục tỉnh nói riêng vẫn một lòng theo Cụ Hồ, ủng hộ Chính phủ Việt Minh, tiếp tục đấu tranh chống Pháp.

Về kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9 trong kháng chiến, tôi nhớ không như bây giờ - đại tá Thái Doãn Mẫn tiếp lời. Vì chiến tranh nên việc tổ chức kỷ niệm Quốc khánh 2-9 không tổ chức rình rang, vì sợ địch oanh kích, đánh phá, gây thiệt hại cho Cách mạng và nhân dân. Ta chỉ tổ chức những cuộc mít-tinh nhỏ, lẻ ở từng địa phương nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Nhiệm vụ bảo đảm an toàn các cuộc mít tin được giao cho lực lượng Công an các cấp. Mỗi lần tổ chức mít-tinh là phải truyền đi một thông điệp kháng chiến, kêu gọi nhân dân tiếp tục hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, tinh thần tự do, độc lập được nhân dân hưởng ứng rất mạnh mẽ, trở thành những hành động thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước, ủng hộ kháng chiến.

Trong các tổ chức Cách mạng, mỗi lần kỷ niệm Quốc khánh 2-9 là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, đánh giá, kiểm điểm những việc đã làm được, đồng thời rút ra những thiếu sót tồn tại cần khắc phục để tổ chức đấu tranh kháng chiến có hiệu quả hơn.

Lần kỷ niệm Quốc khánh năm 1950, Đảng và Chính phủ có chủ trương kêu gọi giới chức trong chính quyền tay sai thực dân Pháp, các binh sĩ bỏ ngũ về phục vụ lợi ích đất nước và nhân dân, kêu gọi sinh viên xếp bút nghiêng lên đường tòng quân đánh giặc, kêu gọi nhân dân không hợp tác với chính quyền tay sai và thực dân Pháp… Chủ trương này đã được các tổ chức Cách mạng ở từng địa phương lục tỉnh tổ chức thực hiện có hiệu quả với một lực lượng đông đảo những người đã từng hợp tác với chính quyền tay sai và thực dân Pháp quay về với Chính phủ Việt Minh, thậm chí nhiều Việt kiều ở các nước cũng về tham gia kháng chiến…

Sau khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954, đất nước ta đã trở lại hòa bình nhưng chưa thống nhất bởi bị chia cắt thành 2 miền Nam - Bắc theo Hiệp định Giơ-ne-vơ. Sau đó, miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những năm sau Đồng Khởi 1960 ở Bến Tre, phong trào Đồng Khởi dâng lên mạnh mẽ ở lục tỉnh Nam Kỳ và lan rộng khắp miền Nam. Trong thời điểm này, những lần kỷ niệm Quốc khánh 2-9 là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong các tổ chức Cách mạng, đoàn thể, ôn lại truyền thống đấu tranh Cách mạng, tổ chức cho nhân dân đón mừng Quốc khánh ở vùng chiến khu an toàn.

Tại các vùng địch tạm chiếm, chúng ta đẩy mạnh công tác dân vận, binh vận, kêu gọi binh sĩ địch quay súng trở về với Cách mạng, kêu gọi nhân dân không hợp tác với địch, ủng hộ Cách mạng, tham gia kháng chiến.

Ta đã làm tốt công tác này nên lực lượng Cách mạng ngày càng được củng cố vững mạnh và lập nên nhiều thắng lợi trên các chiến trường, góp phần quan trọng vào chiến thắng Mậu Thân 1968.

Những năm sau này, tình hình chiến trường ngày càng ác liệt nên kỷ niệm Quốc khánh 2-9 không được tổ chức rộng rãi thường xuyên, mà chỉ họp mặt kỷ niệm đơn giản trong các tổ chức Cách mạng và đoàn thể, trong nhân dân thì tùy tâm tưởng mỗi người, bà con chỉ làm những bữa liên hoan gọn nhẹ, cầu chúc kháng chiến sớm thành công.

Với lòng yêu nước nồng nàn, ủng hộ và tích cực tham gia kháng chiến, nhân dân ta đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30-4-1975, đem đến hòa bình thống nhất nước nhà.

Giờ đây, mỗi lần kỷ niệm Quốc khánh 2-9 trong hòa bình, lòng tôi cảm thấy bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ của chiến tranh, nhớ những lần kỷ niệm Quốc khánh 2-9 một thời khói lửa.

(Theo lời kể của đại tá Thái Doãn Mẫn)

Bình luận (0)

Lên đầu trang