Có hay không mối liên hệ giữa thiên tai lũ lụt dồn dập với mức độ ngày càng hung hãn tiêu cực với phong trào làm thuỷ điện, nạn phá rừng và khai thác vô độ tài nguyên thiên nhiên cũng như năng lực dự báo thời tiết còn yếu, như là một thứ nhân tai?!
Chắc hẳn là có! Và thực tế đã cho thấy thiên tai và nhân tai đã gây ra hậu quả ngày càng khốc liệt.
Tất nhiên cũng không phải đợi đến lúc này, khi lũ lụt hoành hành ở các tỉnh phía Bắc và miền Trung nước ta, gây ra bao hậu quả nặng nề cho bà con của mình, thì mới phân tích nguyên nhân, lên án và đổ trách nhiệm lên ai hay cơ quan nào đó! Điều quan trọng và cần nhất bây giờ là bắt tay ngay lập tức và tập trung cho hậu hoạ, giúp đỡ đồng bào gặp nạn ở mức cao nhất có thề để khắc phục và giảm một phần hậu quả của nó gây ra.
Đồng thời, cũng nên quay lại một vấn đề đã được công luận đề cập từ lâu - hậu quả nghiêm trọng của việc quản lý khai thác bừa bãi, vô độ đối với tài nguyên thiên nhiên không được ngăn chặn, xử lý nghiêm, đến nơi, đến chốn. Phải chăng đã đến lúc phải hành động kiên quyết và dứt khoát cho nhiệm vụ bảo vệ môi trường tự nhiên vì sự sống còn của chính chúng ta. Đó là sự cần kíp và cấp bách - tập trung nghiên cứu cho các giải pháp để hạn chế và loại trừ dần nhân tố nhân tai và tìm các giải pháp đối phó với thiên tai hiệu quả hơn để có thể làm giảm tối đa hậu qua mỗi lần nó xảy ra?! Chúng ta lo xây dựng, phát triển kinh tế, mỗi một năm trôi qua đều phải dồn mọi tâm trí với nỗi lo canh cánh, sợ chỉ tiêu tăng trưởng không đạt kế hoạch. Nhưng khi khả năng đó gần như cận kề trong tầm tay, thì thiên tai và nhân tai cùng kết hợp xuất hiện và lấy đi gần như mọi thứ mà chúng ta chắc chiu tích luỹ được. Thiệt hại lớn lao đâu chỉ là sự mất mát phần của cải vật chất mà là tính mạng của con người - điều quý nhất không thể bù đắp được .
Phải chăng đã đến lúc cần đặt lại vấn đề - lo phòng chống thiên tai và nhân tai là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực quốc gia một cách căn cơ nhất, bền lâu nhất. Nói vậy không có nghĩa là bấy lâu nay chúng ta không quan tâm, không lo toan bội phần. Mà là chưa đặt ra và tập trung đúng mức với tầm vóc, tinh chất, yêu cầu quan trọng của vấn đề mà lẽ ra phải như vậy. Nghĩa là nó phải được tính toán toàn diện, kỹ lưỡng trong mỗi kế hoạch phát triển, cho cả lâu dài và trước mắt. Chứ không thể là sự nhắc nhở, cảnh báo qua công điện mỗi lần có nguy cơ thiên tai xảy ra.
Có lẽ nên nghĩ đến cách làm mới hơn trong phòng chống thiên tai, bão lũ và nhân tai , với mục tiêu và biện pháp cụ thể hơn, cứng rắn hơn để có được kết quả chắc chắn. Ví dụ, thử dự báo xem, có bao nhiêu khả năng xảy ra hậu quả do nhân tai từ hành vi thiếu suy nghĩ, lo chạy theo lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chỉ lo thu được thật nhiều lợi nhuận mà cố tình bóp mép, loại bỏ những luận cứ khoa học cảnh báo, cốt sao "dự án nghiên cứu" cơ bản, nghiên cứu khả thi đều được trình và thông qua với những thông số khoa học, môi trường một cách lý tưởng, để tính khả thi và hiệu quả "thật đẹp, thật tròn trĩnh" nhằm được thông qua, chẳng hạn như hàng loạt công trình thuỷ điện được triển khai giống kiểu làm như "phong trào". Và chắc rằng phong trào đó hình thành không hẳn chỉ vì thành tích nhiệm kỳ hay thuần tuý vì lợi ích quốc gia. Mà nó được thôi thúc vì lợi nhuận, vì kiếm lời khá dễ và nhiều nên nhiều người muốn tham gia. Không những vậy, sau khi dự án được thông qua dễ dàng, thì khâu thực hiện cũng không kém phần cẩu thả, bỏ mặc cho chủ đầu tư tự tung, tự tác, không ai kiểm tra hoặc kiểm tra cho có, kết cục rừng bị tàn phá ở phạm vi lớn hơn dụ án được duyệt và cũng không thực hiện tái tạo rừng như đã cam kết ban đầu?! Rõ ràng nhân tai, nếu được hạn chế và ngăn chặn gắt gao, thì khi thiên tai xảy đến, tin rằng hậu quả của nó gây ra cũng không đến mức khốc liệt bằng - khi cả hai thiên tai và nhân tai cùng hợp lực!
Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM