Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc tại Công ty Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất Linh Trung). (Ảnh: TTXVN)
Không có chuyện chính quyền “chậm chạp”, “độc quyền” nhập khẩu vaccine
Ngày 23/6, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh ba mục tiêu mới của công tác phòng, chống dịch, đó là: Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường; bảo đảm mục tiêu kép và tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố có tâm dịch; với phương châm “3 không”: Không nói không có cơ chế, chính sách; không nói không có kinh phí; không nói không có vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế...
Về thực hiện “Chiến lược vaccine”, Thủ tướng yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Bộ Y tế phải chủ động làm tốt vai trò đầu mối tiếp cận các nguồn vaccine, quản lý chất lượng vaccine bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết, không để cạnh tranh giữa Nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp trong việc đàm phán, mua vaccine; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong việc mua và cung cấp vaccine.
Theo trang thinhvuongvietnam.com: Trong các cuộc họp Chính phủ và họp với Bộ Y tế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Nhất thiết không để bất kỳ doanh nghiệp nào, tổ chức nào thực sự có nguồn mua được vaccine ngay mà lại không mua về được; cần tìm mọi giải pháp để có vaccine sớm nhất”. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, Bộ Y tế được giao là đầu mối nhập khẩu vaccine nhưng không có nghĩa là “độc quyền” nhập khẩu, các địa phương, các doanh nghiệp có điều kiện, khả năng tiếp cận các nguồn vaccine đều được khuyến khích nhập khẩu.
Liên quan vấn đề tiêm chủng, chiều 24/6, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: Việt Nam không phân biệt đối xử trong quá trình chăm sóc sức khỏe, cũng như tiêm chủng giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam. Công dân nước ngoài sẽ được tạo điều kiện tiêm chủng khi Việt Nam tiếp nhận thêm vaccine phòng Covid-19.
Những thông tin trên một lần nữa thể hiện quan điểm “chống dịch như chống giặc,” lấy người dân là chủ thể trung tâm, huy động cả hệ thống chính trị và toàn dân vào chống dịch; đồng thời bác bỏ luận điệu xuyên tạc nỗ lực phòng, chống dịch; chính quyền “chậm chạp”, “độc quyền” nhập khẩu vaccine, cũng như ý kiến cho rằng có sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài trong việc tiêm chủng.
Việc người đứng đầu Chính phủ trực tiếp đến vùng dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và chỉ đạo phòng, chống dịch đã thể hiện tác phong sâu sát của cá nhân Thủ tướng và tinh thần hành động quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ vì người dân, bác bỏ luận điệu xuyên tạc “quan chức Việt Nam chỉ ngồi trong phòng lạnh, chỉ đạo chống dịch từ xa, chứ không buồn xuống cơ sở, không dành thời gian về với dân”.
Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục ghi nhận những tín hiệu khả quan
Trang lexology.com ở Anh vừa đăng bài viết khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn so với nhiều nước khác trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và đang có vị thế tốt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng tốt. (Ảnh: Haiquanonline.com.vn)
Theo bài viết, trong những năm qua, Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài, kể từ khi tập trung mở cửa thị trường, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế. Sau khi gia nhập WTO năm 2007 và tham gia nhiều hiệp định thương mại truyền thống khu vực, Việt Nam đã trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do toàn cầu “kỷ nguyên mới”, hình thành các khối thương mại lớn nhất thế giới hiện nay.
Những nhận định trên một lần nữa bác bỏ luận điệu xuyên tạc, cố tình tạo cái nhìn tiêu cực về tình hình kinh tế đất nước của các phần tử xấu.
Tự do báo chí, tự do ngôn luận phải trong khuôn khổ của pháp luật
Bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở nước ta, các cơ quan báo chí có những bài viết chuyên sâu như: “Hiện thực bác bỏ luận điệu vu cáo tự do báo chí” (Báo Công an nhân dân), “Tự do ngôn luận-nhận thức thấu đáo, ứng xử chuẩn mực và trách nhiệm công dân” (Báo Quân đội nhân dân), "Phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam là cố tình xuyên tạc và kích động dư luận" (Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam)…
Trong đó nhấn mạnh: Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân và cũng như các quốc gia khác, để giữ gìn kỷ cương và bảo đảm sự ổn định để phát triển, Nhà nước Việt Nam không cho phép lợi dụng những quyền này để tuyên truyền, kích động lật đổ chính quyền, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của mọi công dân. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Phân tích sự khác nhau về bản chất của “tự do ngôn luận” và “ngôn luận tự do”, PGS, TS Nguyễn Văn Dững chỉ ra rằng: Tự do ngôn luận cần bảo đảm tuân thủ chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực văn hóa, giao tiếp, là quyền cơ bản của công dân tham gia trao đổi, chia sẻ, tranh luận và phản biện xã hội vì mục đích xây dựng, vì lợi ích công; chứ không phải lợi dụng quyền này để thỏa mãn và mưu lợi cá nhân, để xâm hại lợi ích công và chuẩn mực văn hóa cộng đồng. Còn ngôn luận tự do là tự do nói năng, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, tán phát thông tin một cách tùy tiện, vô lối…. Nếu ai cũng nói năng bừa bãi, phát ngôn tùy tiện, chia sẻ thông tin bất chấp đúng-sai, thật-giả lẫn lộn, không chỉ làm cho xã hội rơi vào tình trạng rối nhiễu thông tin mà còn có thể tạo ra những cuộc khủng hoảng thông tin xã hội một cách trầm trọng, từ đó gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
PGS, TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, các quy định của Luật Báo chí của chúng ta là phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Đăng phát những thông tin chống Nhà nước đều là những hành vi pháp luật Việt Nam nghiêm cấm.
Những minh chứng sinh động cho việc bảo đảm quyền tự do báo chí ở Việt Nam
Đấu tranh với thông tin sai trái trên mạng xã hội là công việc cấp thiết hiện nay
Trên đây là nhận định của PGS, TS Phạm Xuân Hảo trong một bài viết trên Tạp chí Tuyên giáo số ra ngày 22/6. Theo bài viết, nắm bắt, định hướng dư luận xã hội là một đòi hỏi khách quan trong hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội hiện nay, trong bối cảnh các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Đây là công việc cấp thiết để định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực, ngăn ngừa sự hình thành tư tưởng, hành vi chống đối.
(Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)
Cùng chủ đề này, bài “Mạng xã hội - nhận diện và nguy cơ” đăng trên Báo Hà Tĩnh nhận định, các phần tử cơ hội chính trị và các thế lực thù địch càng sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn, vừa công khai, trắng trợn, vừa ngấm ngầm hòng phá hoại, bôi nhọ, công kích Đảng, Nhà nước và chế độ ta; đồng thời, liên tục điều chỉnh hình thức và phương pháp chống phá ngày càng tinh vi, thậm chí biến ảo, với những chiêu trò mới rất xảo trá và nguy hiểm, không chỉ về tư tưởng mà còn chuẩn bị tổ chức, lôi kéo, tập hợp lực lượng, trước hết thông qua các cuộc “tập dượt” trên mạng xã hội.
Vạch trần chiêu trò can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam
Trước những thông tin thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam của Cơ quan Đối ngoại EU (EEAS) được nêu trong Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2020 (Báo cáo), trang nhanquyenvn.org cho rằng, báo cáo nhân quyền của EU vẫn dựa trên lập trường của một số tổ chức nhân quyền cực đoan, ác cảm, đánh giá thiếu khách quan về Việt Nam. Thật nực cười khi mặc định những trường hợp bị xử lý về tội tuyên truyền chống Nhà nước hay lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước là “thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
Bài viết dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh một số nội dung trong báo cáo chưa khách quan dựa trên những thông tin không phản ánh đúng thực tế tại Việt Nam. Tại Việt Nam, không ai bị bắt giữ, xét xử chỉ vì “bày tỏ chính kiến”, “bảo vệ nhân quyền”.
Việt Nam bảo đảm các quyền và tự do của người dân theo đúng các chuẩn mực quốc tế. (Ảnh: Vietnamnet.vn)
“Tại sao phải trả tự do cho Nguyễn Thúy Hạnh?” - là tiêu đề bài viết trên trang facebook Hương Sen Việt, phản bác việc Đài Á Châu Tự Do (RFA) và một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin “Ân xá Quốc tế mở chiến dịch viết thư kêu gọi nhà nước Việt Nam trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh”.
Theo tác giả, việc Ân xá quốc tế kêu gọi trả tự do cho Hạnh cũng chỉ là chiêu trò để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt giam vì tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước. Hạnh sẽ phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật và sẽ không có tổ chức hay cá nhân nào có quyền “trả tự do” cho y.
Bắt giữ đối tượng tham gia tổ chức phản động sau nhiều năm trốn truy nã
Ngày 22/6, Công an tỉnh Tây Ninh đã bàn giao đối tượng Châu Tuấn Hải (sinh năm 1955, trú tại ấp Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Phú Yên) cho Công an tỉnh Phú Yên để xử lý theo quy định.
Đối tượng Châu Tuấn Hải tại cơ quan công an. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 10/1980, Châu Tuấn Hải bị Công an tỉnh Phú Khánh truy nã vì đã có hành động vi phạm nghiêm trọng đường lối chính sách và pháp luật Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau khi gây tội ác, Hải một mình bỏ trốn vào tỉnh Tây Ninh đổi tên thành Nguyễn Hoàng Minh.
Tại cơ quan Công an, Châu Tuấn Hải khai nhận vào năm 1980 có tham gia tổ chức phản động Tam quốc phục quốc liên minh Đông Á và có gây tội ác với cách mạng và nhân dân.
Ngày 23/6, Công an tỉnh Đồng Nai đã bàn giao Trần Văn Phi (sinh năm 1961, thường trú tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) cho Trại giam Cây Cầy thuộc Cục C10, Bộ Công an, để tiếp tục thi hành bản án 15 năm tù về tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Đối tượng Trần Văn Phi tại cơ quan công an. (Ảnh: TTXVN)
Theo cơ quan điều tra, vào năm 1977, Phi tham gia một tổ chức chống lại cách mạng có tên gọi Mặt trận Thống nhất toàn lực quốc gia, được phong chức "ủy viên" và kết nạp được một hội viên cho tổ chức phản động. Năm 1980, khi đang chấp hành bản án tù 15 năm tại Trại giam Cây Cầy, Phi bỏ trốn và đổi tên thành Trần Văn Lắng. Lưới trời lồng lộng, những kẻ phạm tội sẽ không bao giờ thoát tội!