Bước ngoặt kỳ lạ của 'Hùm xám' Tây Nguyên

Thứ Bảy, 22/08/2015 08:11  | Ngọc Hà (thực hiện)

|

(CAO) Dù tuổi đã cao, song 'Hùm xám' Tây Nguyên vẫn rất phong độ và linh hoạt. Ở ông toát lên vẻ cương nghị của kẻ quyền uy, nhưng khi tiếp xúc mới thấy ông thân thiện và… thú vị đến khó tả.

Ông Nahria Ya Duk (SN 1940, dân tộc K’Ho) từng giữ các chức vụ: Trưởng ty tài chính kinh tế Vũng Tàu, Đệ nhất phó thủ tướng Fulro kiêm Đổng lý văn phòng (tương đương chủ nhiệm văn phòng) thủ tướng chính phủ, Đệ nhị Phó Chủ tịch “Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao Nguyên Việt Nam”, Tư lệnh vùng 4, Trưởng ty sắc tộc Tuyên Đức rồi Tư lệnh Sư đoàn Lang Bian (một trong những đơn vị chủ lực của lực lượng Fulro sau năm 1975).

Ông được cấp dưới phong tặng các danh hiệu: “Người hùng số 1 Cao nguyên”, “Hùm xám Tây Nguyên”, “Chúa sơn lâm”...

Dù tuổi đã cao, song trông ông vẫn rất phong độ và linh hoạt. Ở ông toát lên vẻ cương nghị của kẻ quyền uy, nhưng khi tiếp xúc mới thấy ông thân thiện và… thú vị đến khó tả.

Qua câu chuyện rất cởi mở của ông với PV Báo CATP. HCM chuyển đến bạn đọc, chúng ta có thể hình dung rõ nét hơn về tổ chức phản động Fulro và phần nào lý giải vì sao lại có những người nhập cuộc rồi bỏ cuộc với tổ chức này, hiểu hơn về chính sách khoan hồng của Đảng, nhà nước ta và hiểu hơn về cuộc đời những con người…

Ông Nahria Ya Duk và tác giả

PV: Ông từng giữ những chức vụ lớn, có thể nói là… “rất kêu” trong tổ chức Fulro. Nhưng có người bảo đó là các chức vụ dễ dãi trong một tổ chức… phản động?

Ông Ya Đuk: Việc bổ nhiệm chức vụ, phong cấp bậc, quân hàm trong tổ chức Fulro có cả một quy trình hẳn hoi. Người được đề cử phải do người trong tổ chức kiểm tra, xác minh lý lịch, bảo lãnh rồi đệ trình hồ sơ lên TW Fulro. Trong thời hạn 10-15 ngày, các thủ lĩnh Fulro và hội đồng bộ trưởng nhóm họp, quyền quyết định cuối cùng do thủ tướng. Chỉ một người không đồng ý là cũng không được.

Trước năm 1975, chức vụ, cấp bậc trong Fulro do những người đứng đầu chế độ Việt Nam cộng hòa (VNCH) chỉ định hoặc can dự. Chức vụ “Đệ nhị Phó Chủ tịch Phong trào đoàn kết các sắc tộc thiểu số Cao Nguyên Việt Nam” của tôi là do Nguyễn Văn Thiệu – khi đó là Tổng thống VNCH phê chuẩn. Chức vụ “Đệ nhất Phó Thủ tướng” cùng quân hàm đại tá (có trước đó – PV) và các chức danh “Tư lệnh vùng”, “Đổng lý”, “Trưởng ty sắc tộc” là do Văn phòng Chính phủ của ông Y Djao Niê – khi đó là Thủ tướng và các bộ trưởng bỏ phiếu, Y Djao Niê quyết định.

Tuy nhiên, có một số trường hợp tự phong hoặc có chức vụ khi tham gia vào lực lượng quân đội của nguỵ có thể được xem xét “tương đương” khi hoạt động tổ chức Fulro, như trường hợp Ksor Kơk chẳng hạn. Ksor Kớk từng tham gia trong quân đội nguỵ, sau được ông Y Bhăm Ênuôl chấp nhận tương đương với cấp bậc… trung tá của tổ chức Fulro. Nhiều người không đồng ý nên chưa “danh chính ngôn thuận”.

Y Bhăm Ênuôl là tướng tự phong, vì ông ấy là thủ lĩnh tối cao, người sáng lập tổ chức Fulro. Sau này Ksor Kơk cũng tự phong mình là “tổng thống” của tổ chức Fulro tại Mỹ. Tôi ký quyết định phong cấp bậc cao nhất là chuẩn tướng cho ông Nay Guh – Bộ trưởng ngoại giao (hiện sống tại Đăk Lăk).

Ông Y Djao Niê – “Thủ tướng” tự phong đầu tiên của Fulro đã rất yêu mến, tín nhiệm ông, cất nhắc ông làm “Đệ nhất phó thủ tướng”. Ông ta bị đảo chính giết chết (ngày 12-10-1978), nhưng không thấy ông thể hiện gì, như kiểu trả ơn người đã nâng đỡ mình. Ông cũng muốn ông ấy biến mất để ông trở thành “người hùng số 1 trên Cao Nguyên”?

Đó là một thời lầm lỗi của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm ơn Y Djao về việc đã cất nhắc và giao cho tôi những trọng trách đi ngược lại sự tiến bộ của dân tộc, gây bao tai ương, đổ máu cho đồng bào Tây Nguyên, gây hận thù dân tộc.

Với Y Djao, người tôi muốn bắn nhất trong cuộc đời chính là ông ấy. Nếu ông ta không bị Y Ghơk Niê Kđăm giết (sau đó Y Ghơk Niê lên làm thủ tướng), thì chính tôi lúc đó đang ở Campuchia cũng sẽ trở về cho ông ta một phát đạn vì ông ta đã giết nhiều chiến hữu của tôi. Một kiểu tiếm quyền, trừng phạt chiến hữu rất đê tiện. Cũng may bàn tay tôi đã không nhuốm máu.

Ông tham gia tổ chức Fulro từ khi nào?

Từ năm 1965, tôi tốt nghiệp đại học quốc gia tài chính, ra trường, với kết quả học tập xuất sắc, chế độ VNCH điều tôi về giữ luôn chức Trưởng ty tài chính kinh tế Vũng Tàu, rồi tôi tham gia phiên dịch trong các cuộc thương thuyết giữa tổ chức “Mặt trận dân tộc giải phóng Cao Nguyên” do Y Bhăm làm chủ tịch với chế độ Khánh, Thiệu.

Năm 1965, Hội nghị các nước Đông Dương diễn ra tại Phnôm Pênh – Campuchia tôi cũng có mặt với tư cách là trí thức trẻ. Khi đó tôi 25 tuổi.

Ngày 20-9-1965, tổ chức Fulro ra đời với tên gọi “Mặt trận thống nhất đấu tranh của các sắc tộc bị áp bức”. Nghe hấp dẫn quá!. Chính tổ chức với tên gọi hấp dẫn ấy khiến tôi nghĩ đó là lý tưởng và bước theo, đâu nghĩ tới đó là sự bịp bợm của các thế lực phản động. Tôi còn nhớ trong hội nghị đó, Tổng thống Pháp Charne de Gaun đã nói: “Tây Nguyên sẽ nhuộm máu”! Khi đó, tôi đã không nhận ra thực dân, đế quốc muốn gì ở vùng đất Tây Nguyên.

Chân dung ông Nahria Ya Duk

Hai thủ tướng Fulro tự phong xuất hiện đều nhờ hành động đảo chính, thủ tiêu chiến hữu để ngoi lên và đều bị giết chết chỉ trong một thời gian ngắn. Với danh xưng “Đệ nhất phó thủ tướng”, ông trở thành người toàn quyền lãnh đạo và nổi tiếng có uy tín trong tổ chức này. Sau năm 1975, lực lượng tham gia Fulro đông đảo nhất, bởi nghe danh ông Ya Đuk mà họ theo. Khi nhắc đến quá khứ lầm lỡ của mình, tâm trạng của ông thế nào?

Tôi thấy mình mắc tội quá lớn. Đúng là tôi có chút tự hào là mình có thể sử dụng thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và nhiều thứ tiếng của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh Tây Nguyên. Vì thế, nhiều người đã nghe, đã tin tôi khi tôi kêu gọi họ theo Fulro và cả khi tôi kêu gọi họ trở về với cách mạng.

Lần tôi bị bắt năm 1980 và đến khi thực sự giác ngộ, có một lần ông Tư Vũ (tên gọi khác là Vũ Linh, bí danh của đại tá Nguyễn Trọng Cảnh - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng), ông Nguyễn Văn Độ (sau này trở thành Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, nhiệm kỳ 2002-2006) đến chỗ tôi và kêu người dọn mâm cơm khá thịnh soạn cho tôi ăn, tôi đã nói “Thức ăn này một kẻ độc ác, tội lỗi như tôi không đáng được ăn. Tôi không đáng được cách mạng đối xử tốt như vậy”. Tôi bỏ ăn nhiều ngày chỉ ngồi hút thuốc. Tôi đã bật khóc và đắng miệng khi biết rằng, lúc đó công an còn nghèo lắm, suất ăn của tôi đáng giá 10 đồng, trong khi phần ăn của một trưởng phòng lãnh đạo công an như ông Nguyễn Văn Độ chỉ có 6 hào.

Năm 1983, khi tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch uỷ ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, tôi đã viết vào cuốn sổ công tác của tôi thế này: Năm 1983 đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời tôi cả về nhận thức và hành động. Tôi ý thức rõ rệt mình là một trí thức và phải trở thành một người có ích cho cộng đồng, xã hội. Đảng, nhà nước Việt Nam đã không loại trừ tôi; đã trao cho tôi một nhiệm vụ, một trọng trách, là cơ hội để tôi có tiếng nói với đồng bào, với buôn làng mình để chuộc lại lỗi lầm. Tôi thấm thía hơn về tư tưởng hoà hợp dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, về tính ưu việt của chế độ ta, đất nước ta.

Nhân dân các dân tộc thiểu số chân thành cảm ơn Đảng, nhà nước đã cho họ được là công dân của một nước độc lập, đồng thời tạo cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà họ chưa từng được hưởng, chưa từng dám mơ ước…

Trong đời ông, kỷ niệm nào làm ông nhớ nhất?

Vui, buồn có nhiều. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi là một cú sốc. Đó là vào năm 1978 khi tôi cùng anh em vượt cả tháng trời đường biên giới sang Campuchia rồi Thái Lan để tìm sự ủng hộ, giúp đỡ cho tổ chức Fulro, cho “lý tưởng” mà tôi theo đuổi.

Tất cả chỉ là những lời hứa suông, đầy kích động, hằn thù dân tộc. Tôi quỵ xuống khi nhận ra phía trước chỉ là ngõ cụt, tối tăm. Lý tưởng tan tành.

Lúc đó tôi đã nguyện rằng thà chết làm phân bón cho cây cối Tây Nguyên còn hơn ôm chân bọn phản động, làm công cụ, tay sai cho chúng. Nhưng tôi không thể tự buông súng đầu hàng, vì tôi là thủ lĩnh, tôi đã từng khơi gợi ngọn lửa đấu tranh trong họ, họ đi theo...

Vả lại, bàn tay ngón ngắn, ngón dài. Nếu tôi quay đầu lại khi rất nhiều người anh em của tôi chưa muốn, thậm chí không muốn, vợ con tôi khó mà toàn mạng. Tôi đành phó thác, buông xuôi từ thời điểm đó. Tôi phải cảm ơn chuyến đi đó vì đã giúp tôi mở mắt, nếu không vẫn u mê.

Chuyên án F.101 của Công an Lâm Đồng câu nhử chúng tôi, buộc chúng tôi phải đầu hàng (Báo CATP đã khởi đăng loạt bài 14 kỳ “Fulro – Bóng ma hãi hùng trên đất Tây Nguyên, từ ngày 7-9 đến ngày 7-10-2010 - PV), tôi chưa bao giờ có cảm giác bị lừa, bị thua cả. Tôi thấy mình chiến thắng, chiến thắng chính bản thân mình. Tôi phục công an. Các anh Tư Vũ, Nguyễn Văn Độ… đã cứu tôi. Họ chính là ân nhân của tôi, của gia đình tôi và cả dân tộc Tây Nguyên, bởi nếu không máu còn đổ…

Giờ nghĩ lại tôi còn thấy kinh hoàng, khi đó tôi cùng khoảng 100 anh em tháp tùng tôi vượt sông Mê Kông để qua Thái Lan bằng những chiếc ruột xe ôtô làm phao suốt nhiều ngày lênh đênh sóng nước. Với kiểu vượt biên đó, chúng tôi chỉ biết nằm yên, mặc “cái phao” trôi theo dòng nước.

Nghe nói, lúc TW Fulro của ông đóng quân trong dãy núi BiDoup – Núi Bà (huyện lạc Dương – Lâm Đồng), ông và các thuộc cấp của ông sống rất hoang dã. Có chuyện các chiến hữu cấp dưới của ông bắt nhiều cô gái đẹp đủ sắc tộc về dâng cho ông, rồi nhiều cô bị hiếp, giết rất dã man?

Không! Phải nói ngay chuyện đàn bà lúc đó tôi hoàn toàn không có. Tôi lấy vợ (à, được bắt chồng) năm tôi 27 tuổi. Từ năm 1975 là tôi đi biền biệt. Khi đó tôi có 4 đứa con. Những ngày ở trong hang Bon Krông tôi nhớ vợ con cồn cào. Ở ngay gần gia đình mình, buôn làng mình mà không thể trở về được. Biết con đường mình đi lầm lạc, mình có tội, mình chịu. Nhưng vợ con mình có tội gì đâu mà bị liên luỵ, bị làng xóm xa lánh.

Tôi khi đó là “Đệ nhất phó thủ tướng” mà có lo được gì cho vợ con đâu. Đằng đẵng suốt 7 năm bà ấy phải chịu khổ cực, tôi ân hận lắm và một lòng chung thuỷ với vợ con. Vả lại, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyện đại sự.

Sau này tôi cũng có nghe lúc ở rừng vài chiến hữu của tôi có làm bậy, nhưng mà thời điểm đó không kiểm soát được để mà trừng phạt. Đúng là Fulro đã gây bao nhiêu tội ác.

Đến bây giờ, nỗi sợ và ám ảnh nhất với tôi là những ngày ở rừng không có muối ăn, người nào người nấy da bủng beo, xanh nhớt. Chúng tôi đào củ mài, củ chuối trong rừng ăn thay cơm và săn bắt thú rừng, uống máu chúng để thay vị mặn của muối…

Đại tá Vũ Linh – người có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông Ya Duck

Ông có gặp phải khó khăn nào khi trở về hoà nhập cuộc sống?

Ngay khi trở về với cách mạng, tôi viết thư kêu gọi các anh em hãy nghe, hãy tin tôi trở về với gia đình, buôn làng, rồi tôi đi gặp gỡ, nói chuyện với bà con để họ ra rừng kêu gọi thân nhân trở về lo làm ăn, đó là con đường đúng đắn nhất.

Có người bảo tôi là con dao hai lưỡi, tay sai của Việt cộng, phản bội dân tộc. Tôi phải dập đầu tạ tội với họ mà trả lời rằng: “Không, tôi không phải kẻ hai lòng. Tôi là người yêu quê hương, đất nước, yêu dân tộc. Tôi đi theo Fulro là để tìm đường thoát áp bức, nghèo nàn như những kẻ cầm đầu Fulro đã lấy danh nghĩa đó để lừa bịp, kêu gọi. Nhưng bản chất của Fulro không phải như vậy. Chúng ta bị các thế lực phản động lợi dụng cho mưu đồ chính trị của họ. Tôi là người có học, có tri thức, tôi nhận ra sai lầm nên thức tỉnh quay đầu lại. Tôi muốn bà con cũng hiểu ra như tôi.

Tây Nguyên của chúng ta vẫn luôn tiềm ẩn những điều bất ổn. Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”… để chống phá ta. Chúng lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của bà con các dân tộc thiểu số để lôi kéo, nhằm đạt mục đích, ý đồ của họ.

Điều tôi mong muốn nhất lúc này là được một lần qua Mỹ, gặp Ksor Kớk (quê hương ở buôn Brói, xã Ia Brói, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) và những kẻ cực đoan, cơ hội, nói với họ rằng: “Đừng lừa bịp, đừng gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc trên đất nước chúng tôi nữa. Các ông lừa bà con chứ không đánh lừa được tôi đâu. Chẳng có gì là chính nghĩa ở đây cả. Bà con trên Tây Nguyên đã phải chịu quá nhiều mất mát, đau khổ vì các ông rồi. Các ông lôi kéo, dụ dỗ bà con bỏ ruộng vườn, nhà cửa, nương rẫy sống chui lủi, đói rét đó là vì họ sao?

Ksor Kớk khi xưa từng là lính của tôi. Tôi nghĩ rằng, Đảng, nhà nước ta cũng không nên ưu ái với đồng bào dân tộc thiểu số nhiều quá. Thế nào là bình đẳng các dân tộc? Nếu ưu ái quá, họ sẽ càng thêm ỷ lại, khó vươn lên trong cuộc sống. Như vậy, vô tình là làm hại họ. Hãy chỉ cho họ cách sử dụng cái cần câu, cái nơm, cái đó để bắt cá, chứ đừng đánh đồng tất cả mà cho họ cái cần câu hay con cá. Vì thực tế, đồng bào người Kinh, người Chăm… còn nhiều hoàn cảnh rất khổ, nhưng phải tự lập, không được miễn phí nhiều như đồng bào các dân tộc thiểu số khác.

Thương đứa con thiệt thòi cũng phải biết thương đúng cách. Tôi mừng vì thế hệ trẻ sau này của đồng bào các sắc tộc thiểu số ngày càng trưởng thành, được Đảng, nhà nước nuôi ăn học đến nơi đến chốn, trở thành cán bộ trong bộ máy Đảng, chính quyền các cấp. Nhưng cũng thấy lo cho đại bộ phận thanh thiếu niên nông thôn, tính ỷ lại cao quá cao…

Ông Ya Duk nguyên là Đại biểu Quốc hội khóa XIII, hiện vẫn đương chức Phó Chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Ông có 7 người con, 5 trai, 2 gái. Các con ông đều đã trưởng thành và đặc biệt rất có hiếu, lễ phép với cha mẹ. Bốn người con của ông đã tốt nghiệp đại học.

Vợ ông là bà Ka Bri - người phụ nữ lúc trẻ có tiếng là xinh đẹp, cùng quê ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) với ông.

Mỗi cuối tuần, sau những ngày làm việc, ông lại được người nhà đón từ cơ Nquan (TP Đà Lạt), vượt gần 30km về nhà riêng với gia đình ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương.

Ấn tượng của mọi người khi gặp gỡ, tiếp xúc với ông, đó là một người hoạt ngôn, trí tuệ và sâu sắc.

Bình luận (0)

Lên đầu trang