Vô tư cho người nước ngoài thuê xe gắn máy

Thứ Hai, 03/08/2015 11:06  | Hoàng Sơn - Minh Tiến

|

(CAO) Sự tiện lợi của việc di chuyển trên xe gắn máy là điều không thể phủ nhận. Từ đó, nhiều chủ xe đã, đang vô tư kinh doanh loại hình này với thủ tục tối giản, đôi khi nhanh gọn bất chấp các quy định của Luật giao thông đường bộ, điển hình là khách du lịch thuê xe không cần có GPLX hợp lệ.

Có tiền là giao xe

Theo anh Albert Jason (du khách từ Mỹ), đang sử dụng xe hai bánh thuê từ cửa hàng trên đường Đỗ Quang Đẩu cho biết: “Đây là lần thứ 2 tôi đến TPHCM. Lần trước tôi đi cùng 4 người bạn với phương tiện di chuyển chính bằng taxi, mỗi ngày tốn khoảng 150$. Lần này, có kinh nghiệm hơn nên tôi thuê xe hai bánh. Ngày đầu tiên điều khiển xe do không quen đường nên thường bị lạc, đến hôm nay là ngày thứ 3 thì tôi đã quen dần với giao thông tại đây”.

Từ lời kể của Jason, chúng tôi tiếp cận và ghi nhận thị trường cho thuê xe máy tại khu vực đường Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, Bùi Viện. Chạy dọc các tuyến đường trên, dễ dàng nhìn thấy dòng chữ “Motorbiker for rent” – (Cho thuê xe máy) được in chữ đỏ với khổ lớn, đặt nổi bật tại nhiều địa điểm. Khách du lịch hoàn toàn không gặp bất cứ khó khăn gì khi tìm đến để thuê xe. Hoạt động thuê – cho thuê diễn ra tấp nập suốt ngày đêm mà không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng.

Sáng ngày 20-7, trong vai người đi thuê xe máy cho bạn từ nước ngoài đến TP.HCM du lịch, chúng tôi được anh T., chủ một điểm thuê xe trên đường Đỗ Quang Đẩu báo giá khá nhiệt tình.

Theo anh T., xe tay gia tùy loại mới hay cũ sẽ có giá từ 180.000-240.000 đồng/ ngày, riêng xe số thì giá rẻ hơn, chỉ từ 110.000 - 150.000 đồng. Khi được hỏi về thủ tục thuê khi không có bằng lái, anh T. chỉ tay về phía 2 vị khách du lịch gần đó và nói: “Ông ra hỏi ông Tây bà đầm kia coi có “rai vờ lai xịt” (Driver’s license: giấy phép lái xe – PV) không? Người ta đi du lịch bụi vài ngày, đâu ai rảnh mà hỏi thủ tục đổi bằng lái. Thường người nước ngoài ở Việt Nam làm việc lâu dài (trên 3 tháng) mới có nhu cầu đổi bằng, mà lúc đó thì họ mua xe chứ không thuê”.

Ngoài ra, anh T. còn nói thêm:”Chuyện bị cảnh sát giao thông hỏi trừ khi gây tai nạn chứ vi phạm nhỏ thì không ai nói gì đâu. Thủ tục thì nếu ông (người Việt Nam) đứng ra thuê hộ phải đặt cọc từ 4-8 triệu, còn người nước ngoài trực tiếp thuê chỉ cần photo hộ chiếu và khai địa chỉ khách sạn. Mới làm ăn lần đầu thì vậy, sau này cần chỉ việc gọi là có xe giao tới tận nơi, không cần cọc. Nếu muốn cầm theo giấy tờ xe để chạy cho yên tâm thì phải đặt cọc cao hơn. Nói chung “Bác” - (tiền mặt) càng mạnh thì thuê tới xe hơi còn được huống gì xe máy”.

Thấy chúng tôi lưỡng lự, T. tỏ vẻ mất kiên nhẫn: “Giờ tui hỏi thiệt, bạn ông không bằng lái ông dám cho mượn xe không? Tui làm liều để kiếm miếng cơm thôi. Cả khu này giá đều ngang nhau, nếu ông thuê giùm tui giảm ông chút tiền café cho vui vẻ”.

Vi phạm pháp luật

Theo một đồng chí cảnh sát giao thông đội Bến Thành, tuần tra tại khu vực trung tâm thành phố, anh cho biết: “Biết là người nước ngoài chạy xe thường không bằng lái, nhưng chúng tôi chỉ nhắc nhở. Nhiều lúc giải thích lỗi vi phạm bằng tiếng anh cho họ hiểu thì có người hiểu và xin lỗi, có người lại vờ như không hiểu mình nói gì, họ cứ bập bẹ nói “tôi không biết, tôi không hiểu”, dài hơn thì “tôi đi theo người ta mà”. Hình như các nhà xe chỉ cho họ khi lực lượng CSGT kiểm tra thì phải nói như vậy”.

Với “câu thần chú” do các chủ xe bày ra, nhiều khách nước ngoài cho biết họ không e ngại gì chuyện thuê xe để tự lái dù không biết luật giao thông. Nếu sự cố xảy ra, chủ xe cũng không bị ảnh hưởng nhiều nên loại hình kinh doanh này vẫn tiếp diễn công khai.

Trong trường hợp người nước ngoài điều khiển xe thuê gây tai nạn không nghiêm trọng, nhiều người dân cũng đành cắn răng chịu thiệt vì bất đồng ngôn ngữ, hoàn toàn không biết tìm ai để đòi bồi thường.

Trao đổi với Báo điện tử Công an TPHCM, luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TPHCM, Trưởng văn phòng luật sư Thạch Thảo cho biết: “Hành vi của chủ cơ sở kinh doanh cho thuê xe gắn máy đối với người nước ngoài là vi phạm pháp luật".

"Căn cứ vào các qui định của điều 58 luật GT ĐB thì Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Như vậy, đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện theo qui định trên, nếu chưa gây tai nạn thì chủ xe sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 171/2013/ NĐ-CP với mức Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây "Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông".

Nếu gây tai nạn thì chủ phương tiện đã giao xe sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 205 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo đó thì người nào điều động hoặc giao cho người không có GPLX hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt từ 3 - 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm, nếu gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù tới 12 năm".

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có thêm những biện pháp quản lý dịch vụ kinh doanh này. Tuyên truyền đến các chủ cơ sở về sự nguy hại nếu giao xe cho những người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang