(CAO) Chiều 30-7, Kỳ họp thứ 18, Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa VIII tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường về các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và phiên bế mạc kỳ họp.
* Nóng chuyện di dời các cơ sở ô nhiễm
Chiều nay (30-7), tại TP.HCM, Kỳ họp thứ 18 Hội đồng Nhân dân thành phố tiếp tục ngày làm việc thứ 3 và phiên bế mạc.
Tại phiên làm việc, Hội đồng Nhân dân TP.HCM nghe chất vấn và trả lời chất vấn của một số cơ quan chức năng.
Trong phiên chất vấn buổi chiều, các đại biểu tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt về vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề di chuyển nhà máy xi măng Hà Tiên gây ô nhiễm ra khỏi TP quá chậm, vấn đề di chuyển chợ hóa chất Kim Biên, chất lượng nước trên một số tuyến kênh, trồng cây xanh, ô nhiễm rạch Trường Thọ ngày càng trầm trọng….
Nhiều đại biểu thắc mắc, vì sao việc triển khai kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm của TP thực hiện nhiều năm đến nay vẫn bị chậm trễ, nguyên nhân và hậu quả của việc chậm trễ và lộ trình di dời sắp tới thế nào?.
các đại biểu tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, tính đến 31-1-2015, trên địa bàn thành phố có 698 cơ sở sản xuất phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch xây dựng đô thị. Những quận, huyện có nhiều cơ sở gây ô nhiễm gồm Củ Chi (187 cơ sở), Quận 9 (87 cơ sở), Bình Chánh (71 cơ sở)…
Giải thích nguyên nhân chậm trễ, giám đốc Đào Anh Kiệt cho biết số doanh nghiệp chây ì, chậm di dời đa phần là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Cụ thể 5 trong số 6 cơ sở ù lì không di dời còn lại là doanh nghiệp nhà nước, chỉ một cơ sở sản xuất vốn tư nhân. Ngoài ra, có nguyên nhân chính là các doanh nghiệp chưa có quy hoạch phù hợp để di dời; Chính sách hỗ trợ lãi suất, đất đai của Nhà nước cho các cơ sở này đã hết hiệu lực.
Về nguyên nhân chủ quan, ông Kiệt đã nhận trách nhiệm về mình do Sở này thiếu quyết liệt khi thực hiện chính sách di dời.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hứa Ngọc Thuận cũng không hài lòng với báo cáo trả lời chất vấn Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, thay mặt UBND Thành phố, ông Hứa Ngọc Thuận nhận trách nhiệm về công tác chỉ đạo điều hành. Thời gian tới, UBND TP sẽ có buổi họp chuyên đề với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cấp chính quyền để giải quyết những khúc mắc trong lĩnh vực này.
Ông Hứa Ngọc Thuận nhận trách nhiệm về công tác chỉ đạo điều hành
Ông Hứa Ngọc Thuận đã chỉ ra những nguyên nhân của những hạn chế yếu kém; qua đó, đề ra một số nhóm giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2015 của TP.HCM như: Cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, quán triệt và triển khai tốt chỉ thị về chỉ tiêu nước sạch phục vụ người dân TP, thực hiện đồng bộ các chương trình đột phá về giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt công tác phúc lợi xã hội, phòng chống dịch bệnh, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, kiên trì các giải pháp vận động nhân dân cùng chia sẻ trách nhiệm, tạo sự đồng thuận…
Tại phiên bế mạc kỳ họp, các đại biểu đã thông qua 3 Nghị quyết là Nghị quyết kỳ họp lần thứ 18, Hội đồng nhân dân khóa VIII; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn; Nghị quyết về công tác giám sát thực hiện Nghị quyết 28/NQ-HĐND của HĐND Thành phố về chỉ tiêu 100% hộ dân sử dụng nước sạch…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã tóm lược các hoạt động của 3 ngày làm việc của kỳ họp thứ 18, đánh giá các vấn đề mà cử tri, đại biểu đem ra bàn bạc, nhất là vấn đề thu phí giao thông đường bộ đối với xe máy.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm
HĐND Thành phố đề nghị UBND TP.HCM lưu ý đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thu phí xe máy, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, tiến hành thu hợp lý, đảm bảo quản lý nguồn thu hợp lý, minh bạch.
Đánh giá về kỳ họp, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm mong muốn các cơ quan, chính quyền các cấp, cử tri TP ủng hộ và triển khai thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của HĐND.