(CAO) Việt Nam yêu cầu phía Malaysia cung cấp đầy đủ thông tin về vụ việc, tạo điều kiện cho đại diện ĐSQ thăm lãnh sự, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 20-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã trao đổi thêm về tình hình 18 ngư dân Việt Nam bị phía Malaysia bắt giữ.
Bà Hằng cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, ngày 18-8, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã giao thiệp và trao công hàm cho Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc nghiêm trọng này, đồng thời yêu cầu phía Malaysia xác minh, điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm nhân viên công vụ làm ngư dân Việt Nam thiệt mạng, không để lặp lại hành động này tỏng tương lai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Phía Việt Nam cũng đề nghị phía Malaysia đối xử nhân đạo với ngư dân trên tàu đang bị tạm giữ; giải quyết những vấn đề liên quan đến ngư dân, tàu cá của Việt Nam trên tinh thần nhân đạo, hữu nghị, phù hợp với luật pháp quốc tế, quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước và việc 2 nước đều là thành viên của Cộng đồng ASEAN.
Đại sứ quán tại Maylaysia cũng đã làm việc với Bộ Ngoại giao nước này, yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin về vụ việc, tạo điều kiện cho đại diện ĐSQ thăm lãnh sự, thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Thông tin về hình hình sức khỏe của ngư dân VN đang bị giam giữ, bà Hằng cho biết, hiện Việt Nam đang đề nghị phía Malaysia tạo điều kiện cho đại diện ĐSQ thăm lãnh sự các ngư dân Việt Nam.
“Khi đại diện ĐSQ được phép đi thăm lãnh sự, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin về các ngư dân” - bà Hằng nói.
Về việc 3 tàu cá Khánh Hòa đang bị Indonesia tạm giữ cùng 26 ngư dân, bà Hằng thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, ĐSQ Việt Nam tại Indonesia đã liên hệ với cơ quan chức năng sở tại để làm rõ, xác minh thông tin và đề nghị phía Indonesia sớm thông báo chính thức cho phía Việt Nam. Việt Nam cũng sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân.
Theo thông tin phía Indonesia cung cấp, 3 tàu cá có số hiệu KH 98168 TS, KH 91558 TS, KH 95758 TS cùng với 26 ngư dân đang được đưa về cơ sở của cơ quan giám sát tài nguyên biển và nghề cá tại Pontianak, Indonesia để phía Indonesia tiến hành các thủ tục điều tra với cáo buộc đánh cá trái phép và sử dụng ngư cụ bị phía Indonesia cấm.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng trong nước xác minh làm rõ nhân thân các ngư dân để có cơ sở triển khai các biện pháp bảo hộ công dân” – bà Hằng chia sẻ.