Kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Ung Văn Khiêm (13/02/1910 - 13/02/2025):

Đồng chí Ung Văn Khiêm người chiến sĩ Mác-xít nhiệt thành trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng (kỳ cuối)

Thứ Năm, 13/02/2025 10:52

|

(CATP) Là một cán bộ lãnh đạo có bản lĩnh, năng động, sáng tạo và đã từng sống lăn lộn trong phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng ngay từ thuở thiếu thời nên đồng chí Ung Văn Khiêm rất nhạy cảm về chính trị. 80 năm trước đây, sau khi đi dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào về thành phố Sài Gòn vào đầu tháng 9/1945, tiếp nhận sự phân công công tác của Đảng làm Ủy viên Nội vụ của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, đồng chí Ung Văn Khiêm đã bắt tay ngay vào việc giải quyết những bức xúc do hoàn cảnh đặc thù ở Nam Bộ về vấn đề tôn giáo, nhất là đối với đạo Cao Đài ở miền Đông Nam Bộ, đạo Hòa Hảo ở các tỉnh miền Tây, lực lượng Bình Xuyên ở khu vực Rừng Sác...

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Ung Văn Khiêm đã từng đề xuất ý kiến đúng đắn với đồng chí Bí thư Lê Duẩn và Xứ ủy Nam Bộ trong việc uốn nắn những biểu hiện sai lầm, lệch lạc của khuynh hướng tư tưởng ấu trĩ, tả khuynh trong công tác tôn giáo.

Cũng nhờ xác lập được mối quan hệ tốt đẹp về tình cảm do thái độ trân trọng hiền tài, đồng chí Ung Văn Khiêm đã thu phục được nhân tâm của nhiều chức sắc tôn giáo, giới điền chủ yêu nước và không ít nhân sĩ, trí thức giàu tâm huyết. Điều đó chẳng những góp phần củng cố khối đoàn kết vững chắc của Mặt trận Dân tộc thống nhất, mà còn tạo ra cơ sở thuận lợi cho cuộc vận động phong trào điền chủ hiến điền nhằm tạo thêm quỹ đất để cấp cho nông dân nghèo, do đồng chí Ung Văn Khiêm trực tiếp tham gia vào công tác tổ chức việc thực hiện.

Chỉ tính ở miền Tây Nam Bộ, cụ Cao Triều Phát đã hiến đến 5.000 mẫu ruộng, ông Huỳnh Thiện Lộc hiến 3.000 ha đất... Tại khu vực miền Trung Nam Bộ, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt cũng đã hiến 100 ha đất tại tỉnh Bến Tre...

Đồng chí Ung Văn Khiêm (đang đứng phát biểu ý kiến) tại Hội nghị của Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ ở chiến khu U Minh (năm 1950)

Đúng như đồng chí Lê Duẩn - nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, nguyên Bí thư Trung ương Cục miền Nam, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng chỉ rõ: Việc cấp đất cho nông dân nghèo trong hoàn cảnh đặc thù của những năm kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Nam Bộ, đã tạo ra "Lá bùa hộ mệnh" cho quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi cán bộ và quân đội ta trên chiến trường Nam Bộ đã lên tàu đi tập kết ra miền Bắc. Một trong những người có công đầu trong việc tạo ra "Lá bùa hộ mệnh" ấy, chúng ta không thể không trân trọng nhắc đến đồng chí Ung Văn Khiêm.

Trung tuần tháng 5/1953, đồng chí Ung Văn Khiêm được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Bạc Liêu. Đồng chí Võ Văn Kiệt được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Trong thời gian lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, đồng chí Ung Văn Khiêm đã có nhiều cống hiến trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.

Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh, đồng chí đã phát huy dân chủ nội bộ, huy động sức mạnh của Đảng bộ và quân dân trong tỉnh thực hiện tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, đẩy mạnh tấn công địch, mở rộng vùng giải phóng, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", "chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công". Được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Ung Văn Khiêm, Đảng bộ và quân dân tỉnh Bạc Liêu đã tiêu hao và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, góp phần làm phân tán lực lượng địch, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho chiến trường chính giành thắng lợi. Tính đến cuối tháng 4/1954, quân dân tỉnh Bạc Liêu đã diệt gần 1.000 tên địch, làm bị thương nhiều tên khác, tiêu diệt 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn và nhiều đại đội địch, san bằng và bức hàng, bức rút hàng chục đồn bót và tháp canh, giải phóng hoàn toàn huyện An Biên (trong kháng chiến chống Pháp tỉnh Bạc Liêu có 2 huyện hoàn toàn giải phóng là huyện Hồng Dân - năm 1948, huyện An Biên - năm 1953).

Cổng trường Trung học phổ thông Ung Văn Khiêm tại ấp Long Định, xã Long Kiển, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục về việc bồi dưỡng sức dân, đồng chí Ung Văn Khiêm đã lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Bạc Liêu ra sức thực hiện giảm tô, giảm tức, tạm cấp đất cho nông dân. Từ năm 1951 - 1954, chính quyền cách mạng tỉnh Bạc Liêu đã tịch thu đất của bọn địa chủ và tay sai cấp cho nông dân 128.000 ha.

Tính đến cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, Bạc Liêu đã thực hiện xong về cơ bản khẩu hiệu "người cày có ruộng". Chính sách ruộng đất đúng đắn đã được tổ chức thực hiện một cách triệt để trong kháng chiến, đã đưa đến kết quả là vừa nâng cao tinh thần cách mạng của nông dân, vừa bảo đảm ổn định chính trị, đoàn kết nông thôn và tác động tốt đến thành thị. Sau khi được giảm tô giảm tức và tạm cấp đất, đời sống của bà con nông dân được nâng lên rõ rệt. Có nhiều xã thuộc các tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá, Cần Thơ... số trung nông chiếm tới 70%. Tầng lớp trung nông đã thực sự trở thành "nhân vật trung tâm ở nông thôn" trong căn cứ địa kháng chiến của ta.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống Pháp, phát huy tư duy năng động và bản lĩnh sáng tạo của mình, đồng chí Ung Văn Khiêm cùng với Xứ ủy và Trung ương Cục đã tạo ra những bước đột phá trong công tác lãnh đạo để cống hiến vào kho tàng lý luận cách mạng và nghệ thuật đấu tranh vũ trang của Đảng ta những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá trong việc tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ nhằm đánh bại đội quân viễn chinh xâm lược Pháp trên chiến trường Nam Bộ.

"Uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Tình yêu Tổ quốc, thương đồng bào, đức tính chiến đấu hy sinh xả thân và tinh thần cách mạng triệt để của đồng chí Ung Văn Khiêm đã khiến cho đồng chí và đồng bào ta kính yêu, mến mộ. Chúng ta đã thấy, nhiều địa phương trên đất nước ta đã trân trọng lấy tên Ung Văn Khiêm để đặt tên cho đường phố và trường học.

Đường Ung Văn Khiêm tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang

Ở tỉnh An Giang - quê hương đồng chí Ung Văn Khiêm, có trường Trung học phổ thông Ung Văn Khiêm tại ấp Long Định, xã Long Kiển, huyện Chợ Mới và hai con đường mang tên Ung Văn Khiêm ở phường Mỹ Phước, thành phố Long Xuyên và tại huyện An Phú.

Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ cũng như ở các tỉnh ven biển miền Trung và Tây Nguyên đã có nhiều con đường mang tên Ung Văn Khiêm như: Ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh; ở quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ; ở phường 7, thành phố Bạc Liêu; ở phường 5, thành phố Cà Mau; ở huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh; ở thành phố Bà Rịa, tỉnh Vũng Tàu; ở phường Bắc Mỹ Phú, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; ở phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột...

Đồng chí Ung Văn Khiêm người chiến sĩ Mác-xít nhiệt thành trong đội cận vệ cách mạng đầu tiên của Đảng (kỳ 2)
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang