Hợp nhất nguyên trạng Bộ TT-TT và Bộ KH-CN để cộng hưởng, tối ưu hóa thế mạnh

Thứ Tư, 11/12/2024 20:53

|

(CAO) Hai Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học & Công nghệ thống nhất hợp nhất nguyên trạng để cộng hưởng, tối ưu hóa thế mạnh...

Làm việc với Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học & Công nghệ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy vào chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ việc hợp nhất hai Bộ là quyết định hết sức đúng đắn, để tối ưu hóa nguồn lực, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, đồng bộ về mặt chính sách, thuận lợi cho việc phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khuyến khích các giải pháp công nghệ.

Truyền thông thúc đẩy công nghệ và công nghệ hỗ trợ cho truyền thông, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước.

“Bước sang kỷ nguyên mới chúng ta phải vươn mình. Muốn vươn mình thì bộ máy phải tinh gọn, hiệu quả, chi thường xuyên phải giảm, hoạt động thị trường phải tăng lên, công nghệ phải áp dụng một cách mạnh mẽ,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đánh giá cao Bộ trưởng hai Bộ và hai Ban cán sự Đảng đã phối hợp tốt, có sự đồng thuận, thống nhất cao về một số vấn đề, phù hợp với tiêu chí đã ban hành, vì lợi ích chung mà sẵn sàng chia sẻ.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Khoa học & Công nghệ về phương án sắp xếp, hợp nhất, tinh gọn bộ máy

Nhấn mạnh việc hợp nhất làm thế nào nhanh gọn nhất, hiệu quả nhất mà vẫn đảm bảo bộ máy hoạt động bình thường, đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo đặt ra, theo Phó Thủ tướng, đây là cuộc đại cách mạng.

Phương án đưa ra phải hài hòa với các bộ, ngành, sau khi hoàn tất việc sáp nhập là sẽ thúc đẩy sự phát triển, đảm bảo hiệu quả của công việc.

Liên quan đến tên gọi sau hợp nhất, Phó Thủ tướng cho rằng cần đặt tên gọi dễ nhớ, gọn, có ý nghĩa, có sức sống lâu bền để xây dựng thành thương hiệu.

Chức năng nhiệm vụ hai Bộ rất lớn và sẽ được quy định trong nghị định, không đưa nhiều vào tên gọi sẽ dài, chỉ nên chọn có tính chất là “mẫu số chung.”

Gợi ý tên gọi là Bộ Công nghệ và Truyền thông hay Bộ Khoa học, Công nghệ và Truyền thông, Phó Thủ tướng lý giải vừa làm công nghệ, vừa làm truyền thông, như vậy vẫn bao hàm được các lĩnh vực.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về việc sắp xếp hai tờ báo Vietnamnet và Vnexpress, các đơn vị sự nghiệp công lập khác (trường đào tạo, viện nghiên cứu, trường đại học).

Phó Thủ tướng đề nghị hai bộ hoàn thiện lại đề án, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, dự thảo nghị định để sau khi có chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương là triển khai luôn.

 Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại buổi họp

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Bùi Hoàng Phương, hai Bộ thống nhất hợp nhất nguyên trạng Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học & Công nghệ để cộng hưởng, tối ưu hóa thế mạnh.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện nay đang có hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ số, hợp nhất lại sẽ có cơ hội phát triển. Hai Bộ cũng thống nhất thành lập Ban Chỉ đạo chung xây dựng đề án hợp nhất.

Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất vào ngày 10/12. Hiện nay 2 Bộ đang phối hợp xây dựng các dự thảo, văn bản theo yêu cầu của Chính phủ, các đề án trình Chính phủ, dự kiến trình trong ngày mai 12/12.

Về bộ máy, Bộ Thông tin và Truyền thông có 26 đơn vị, Bộ Khoa học và Công nghệ có 22 đơn vị, tổng số là 48 đơn vị. Hiện 2 Bộ thống nhất sau khi sắp xếp giảm xuống 34 đơn vị. Đồng thời thống nhất có lộ trình sắp xếp 1 cơ quan báo chí của Bộ (hiện có 2 báo là Vietnamnet và Vnexpress).

Công tác cán bộ được 2 Bộ thống nhất nguyên tắc sắp xếp phù hợp, đảm bảo cân đối hai bên.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng nêu một số nội dung 2 Bộ đang trao đổi thảo luận: tên bộ, việc hợp nhất 3 đơn vị sự nghiệp; kiến nghị Chính phủ sớm có hướng dẫn chế độ chính sách hợp lý.

“Bộ nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, ưu tiên số 1 là các cơ quan, đơn vị đoàn kết, hòa nhập nhau, đảm bảo chính sách phù hợp cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động,” Thứ trưởng Phương nói.

Từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ trong quá trình tổ chức tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ đã bám sát định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Đến nay, hai Bộ đã phối hợp xây dựng đề án hợp nhất và dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của Bộ mới theo hướng hợp nhất chức năng, nhiệm vụ hiện nay của hai Bộ.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư: Giảm 22 đầu mối

Chiều 11/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng đã họp về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đầu mối), gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập.

Sau khi sắp xếp lại hai bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối, trong đó có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vào; giảm tổng số 22/56 đầu mối (giảm 39,3%), gồm 6/6 tổng cục (100%), giảm 11/44 vụ, cục, văn phòng, thanh tra, giảm 5/9 đơn vị sự nghiệp thuộc bộ (55,56%).

Đối với 9 đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của các Bộ, trước mắt giữ nguyên như hiện nay, sau đó sẽ sắp xếp theo chỉ tiêu chung, chỉ giữ lại các đơn vị thuộc bộ, ngành phục vụ nhiệm vụ chính trị ở các đơn vị đầu ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ của bộ, đáp ứng đầy đủ tiêu chí điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, chuyển đổi thành công ty cổ phần khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Đồng thời, rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong của các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo tiêu chí thành lập tổ chức theo quy định của Chính phủ và yêu cầu tinh gọn bộ máy.

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo, gắn với nâng cao mức độ tự chủ tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ công theo ngành, lĩnh vực.

Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục thuộc bộ, thuộc tổng cục thuộc bộ, sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động và mức độ tự chủ tài chính.

Đối với việc chuyển giao nhân sự từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia về Bộ Kinh tế, Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ sẽ rà soát cụ thể đối với từng trường hợp gắn với nhiệm vụ được giao, phù hợp với vị trí việc làm và tình hình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Bộ Tài chính thống nhất với chủ trương sáp nhập và tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam thành một đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Kinh tế, Tài chính, chấm dứt mô hình Bảo hiểm xã hội Việt Nam thuộc Chính phủ như hiện nay. Đơn vị này có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng tổ chức thực hiện các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm hưu trí bổ sung, quản lý các quỹ này đảm bảo thông suốt, có tính chất liên kết toàn hệ thống.

Liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, cần nghiên cứu về tên gọi sau khi hợp nhất Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Tên gọi cần có thành tố “tài chính” vì đây cũng là thông lệ quốc tế.

Phó Thủ tướng gợi ý một số tên như Bộ Tài chính, Đầu tư hay Bộ Tài chính, phát triển, phù hợp với vai trò đảm nhiệm định hướng tham mưu về mặt kinh tế vĩ mô.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng việc sắp xếp của Bộ Tài chính là tương đối hợp lý.

Theo Phó Thủ tướng, việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, sắp xếp, tinh gọn bộ máy đặt ra yêu cầu hết sức quyết liệt, nhanh gọn nhưng phải đảm bảo hoạt động bình thường của bộ máy, phải hoàn thành trong tháng 12/2024 và đi vào hoạt động ổn định trước 25/2/2025.

Cùng với việc hợp nhất phải tính đến việc xây dựng để trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị định về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác của Bộ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang