Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội khai mạc hôm nay (5/12) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Diễn đàn do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đồng tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu mở đầu Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021
Phát biểu mở đầu Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, hai năm qua, dịch bệnh COVID-19 đã gây thiệt hai nặng nề về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Năm 2020 Việt Nam duy trì tăng trưởng dương với 2,91%, năm 2021 để thực hiện nhiệm vụ kép, 6 tháng đầu năm tăng trưởng 5,64%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế - xã hội khiến tăng trưởng quý III/2021 của Việt Nam tăng trưởng âm 6,17% nên 9 tháng chỉ tăng tăng 1,42%.
“Dự kiến cả năm có tăng trưởng dương khá tốt nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu của Nghị quyết mà Đảng và Quốc hội đặt ra” – Chủ tịch Quốc hội cho biết và nhấn mạnh việc này sẽ ảnh hưởng không chỉ mục tiêu của năm 2021 mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để phục hồi, các nước đã tung ra nhiều gói giải pháp và tiền tệ tùy vào khả năng và nguồn lực mỗi nước. Trong nước, để ứng phó dịch bệnh, Việt Nam sử dụng linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô khoảng 4%/GDP (trong đó gói tài khóa 2,9% và gói tiền tệ 1,1%), thấp hơn so với các nước (khoảng 4,3% GDP năm 2020).
Quốc hội cũng ban hành nhiều Nghị quyết về tài chính ngân sách, đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế… là khuôn khổ cho phát triển kinh tế 5 năm. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 2 vừa qua, Quốc hội đã giao Chính phủ triển khai theo thẩm quyền ban hành Nghị quyết theo phương châm thích ứng, an toàn và linh hoạt. Quốc hội cũng giao Chính phủ thiết kế các gói phục hồi và phát triển kinh tế.
“Các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đã phối hợp rất nhịp nhàng. Nếu chuẩn bị tốt thì kỳ họp thường niên của UBTVQH sắp tới sẽ xem xét cho ý kiến tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường để quyết định các vấn đề quan trọng liên quan quốc kế, dân sinh” – Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Khẳng định Diễn đàn lần này là cơ hội để hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, Chủ tịch Quốc hội bình luận, đây là Diễn đàn của “2 chữ P”: Phục hồi và Phát triển.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021
“Phát triển không phải bằng mọi giá mà phải là phát triển bền vững. Giải pháp ngắn hạn phải luôn bám vào các giải pháp dài hạn, đảm bảo phát triển nhưng phải lưu ý cả vấn đề môi trường, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…” - Chủ tịch Quốc hội khuyến cáo.
Vì lẽ đó, lãnh đạo Quốc hội nhìn nhận, để đạt được mục tiêu đề ra thì nhiệm vụ là rất nặng nề. Theo đó, diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về tình hình thế giới, sự xuất hiện biến chủng mới, các phân tích đánh giá xu hướng dịch bệnh của thế giới và những tác động đến kinh tế vĩ mô, động lực tăng trưởng của Việt Nam.
Những kinh nghiệm quốc tế, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng được thảo luận về phòng chống dịch, kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách.
Ngoài ra, diễn đàn cũng sẽ trao đổi, giải đáp câu hỏi huy động nguồn lực từ đâu, khi mà thị trường huy động vốn trung và dài hạn còn hạn chế, việc phân bổ sử dụng nguồn lực thế nào cũng như giải đáp câu hỏi năng lực hấp thụ của nền kinh tế khi chúng ta còn có điểm nghẽn, vướng mắc như cổ phần hóa DNNN, đầu tư công.
“Đây là diễn đàn đa chiều, tương tác. Ngoài 2 chữ P, diễn đàn thể hiện mối quan hệ mật thiết chính sách và cuộc sống” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định và cho rằng, nếu những chính sách vĩ mô quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả.
Là diễn đàn mở, cùng với 2 điểm cầu chính tại Hà Nội, diễn đàn còn kết nối 57 điểm cầu trên cả nước, với sự tham gia của trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội và 3 điểm cầu quốc tế Mỹ, Pháp, Thái Lan.
Trước đó, thông tin về Diễn đàn này tới báo chí, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn cho biết, thông qua diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới.
Trên tinh thần đó, theo ông Sơn, Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả.
Diễn đàn cũng làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…).
Diễn đàn cũng nhằm huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.
Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.