Bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng chống dịch
Nêu quan điểm của Thường trực Uỷ ban trong báo cáo hôm nay (3/12), Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh khẳng định sự cần thiết phải huy động mọi nguồn lực trong đó có nguồn nhân lực để tham gia phòng, chống dịch, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, do việc khám, chữa bệnh (KCB) tác động trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên cần đảm bảo an toàn cho người dân, sự chặt chẽ trong quản lý, tổ chức thực hiện và trách nhiệm thực hiện.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh
“Thường trực Uỷ ban đề nghị làm rõ điều kiện cho phép nguồn nhân lực được huy động để thực hiện việc tham gia tiêm chủng, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19; bổ sung quy định về trách nhiệm phối hợp giữa cơ sở điều động nhân lực và cơ sở nhận nhân lực được điều động trong phân công nhiệm vụ cho các đối tượng được điều động; công tác giám sát phân công của người đứng đầu cơ sở y tế, cơ sở thu dung, điều trị COVID-19” – bà Thuý Anh yêu cầu.
Liên quan đến chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Ủy ban thống nhất việc đảm bảo chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia chống dịch là rất cần thiết để bù đắp phần nào những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, nhất là ngành y tế, các lực lượng vũ trang và cán bộ cơ sở trong quá trình tham gia chống dịch.
Tuy nhiên, để quy định có tính minh bạch và khả thi, Thường trực Ủy ban đề nghị xác định cụ thể đối tượng được hưởng cũng như làm rõ việc áp dụng quy định này đối với cán bộ y tế tại cơ sở y tế tư nhân khi được huy động tham gia phòng, chống dịch do đối tượng này có sự khác biệt về chế độ tiền lương, ngạch bạch trong các cơ sở y tế công lập.
Chi phí KCB: Làm rõ mức trích từ quỹ BHYT
Đề cập đến việc thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, Chủ nhiệm Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH15 ngày 06/8/2021 quy định NSNN có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí KCB liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí KCB đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Song theo tờ trình của Chính phủ, việc thanh toán chi phí KCB cho bệnh nhân COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 còn gặp khó khăn trong việc bóc tách chi phí để thanh toán theo các nguồn. Nhận định một trong những nguyên nhân của việc khó bóc tách là Chính phủ chưa tiến hành hướng dẫn nội dung này theo tinh thần Nghị quyết 268, Thường trực Ủy ban đề nghị làm rõ các loại hình cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 và xác định cụ thể việc bảo đảm kinh phí vận hành, thanh toán chi phí KCB cho người nhiễm COVID-19 cho từng hình thức cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 để làm cơ sở cho việc thanh toán các chi phí từ nguồn NSNN một cách rõ ràng, tránh việc chi trùng.
Thường trực Uỷ ban Xã hội đề nghị làm rõ mức trích từ Quỹ BHYT khi thanh toán viện phí cho bệnh nhân Covid-19
Lưu ý trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh vừa qua, một số địa phương đã sử dụng hết ngân sách được cấp, không thể tự điều tiết, cân đối; có một vài địa phương nguồn lực không thể đáp ứng được nhu cầu kinh phí cho phòng chống dịch và chi trả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, vì vậy, theo Uỷ ban Xã hội, cần cân nhắc việc quy định giao ″ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do cơ quan có thẩm quyền ở cấp địa phương thành lập″ để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Đối với việc thanh toán chi phí KCB cho người nhiễm COVID-19, Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc trích quỹ dự phòng của Quỹ BHYT để chi cho hoạt động KCB COVID-19 là khác với quy định tại Điều 35 của Luật BHYT.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian dịch bùng phát mạnh vừa qua gây quá tải cho ngành y tế, Thường trực Ủy ban thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về việc thực hiện thanh toán chi phí KCB cho người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo số lượng thực tế sử dụng và mức giá mua vào theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật áp dụng thời điểm 1/8/2021 đến 31/12/2021.
Tuy nhiên, Thường trực Uỷ ban cũng yêu cầu Chính phủ tổng kết các chi phí KCB COVID-19 trong thời gian vừa qua, làm rõ mức trích từ quỹ BHYT để bảo đảm an toàn quỹ cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi; bổ sung đánh giá và dự báo tác động tới NSNN và quỹ BHYT trong thời gian tới làm căn cứ khoa học, thực iễn, dựa trên bằng chứng để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nội dung này.
Vẫn theo Uỷ ban này, Chính phủ cần làm rõ về quan điểm có hay không việc thực hiện hồi tố, thanh toán lại những khoản đồng chi trả đã thực hiện và nêu rõ hoặc giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện.
Từ 1/1/2022-31/12/2022, Thường trực Ủy ban đề nghị tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 268 theo hướng đối với người nhiễm COVID-19 có BHYT thì các bệnh nền đã mắc trước khi nhiễm COVID-19 đang được quản lý và theo dõi thì do BHYT chi trả; các trường hợp khác, NSNN có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí KCB liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện nội dung này theo quy định của Nghị quyết 268.
Dự báo sau khi mắc COVID-19, người bệnh có thể mắc các bệnh như di chứng COVID-19, hội chứng COVID-19 kéo dài cần được điều trị trong thời gian dài sau khi khỏi bệnh, làm gia tăng chi phí điều trị, do đó, Thường trực Ủy ban đề nghị chỉ áp dụng việc thanh toán các chi phí trực tiếp và trong quá trình điều trị COVID-19 tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cho đến khi có quyết định công bố khỏi bệnh, không thanh toán đối với những bệnh do di chứng COVID-19 gây ra sau thời gian điều trị khỏi COVID-19.
Thường trực Ủy ban cũng cơ bản nhất trí việc cần có giải pháp thanh toán các chi phí trong tiêm chủng, xét nghiệm, KCB khi huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia. Tuy nhiên, cần làm rõ “mức giá cao nhất” áp dụng tại cơ sở y tế tư nhân là giá dịch vụ KCB BHYT hay giá dịch vụ KCB theo yêu cầu.
Bên cạnh đó, để khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 một cách tự nguyện, trách nhiệm, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu cơ chế thanh toán các chi phí thực hiện công tác phòng, chống và điều trị COVID-19 vừa đảm bảo cân đối bù đắp chí phí vận hành của cơ sở tư nhân và phù hợp khả năng chi trả của NSNN.