Huy động nhân lực không phụ thuộc phạm vi hành nghề
Báo cáo Thường trực Ủy ban Xã hội trong phiên họp chiều qua (2-12) về việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã thông tin khá nhiều vấn đề cần giải quyết từ thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua.
Cụ thể, về nhân lực, ông Thuấn cho biết, vừa qua, để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch, Bộ Y tế đã phải huy động lực lượng nhân lực tham gia xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 gồm các bác sĩ không chỉ ở chuyên ngành hồi sức, nội, truyền nhiễm mà ở tất cả các chuyên ngành. Đáng nói, có nhiều trường hợp thực hiện các nhiệm vụ không phù hợp, thậm chí trái với phạm vi hành nghề được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo tại phiên họp
"Học sinh, sinh viên chuyên ngành y là đối tượng chưa có chứng chỉ hành nghề tham gia các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng Covid-19, chăm sóc người bệnh Covid-19" - Thứ trưởng Thuấn nêu thực tế.
Tuy nhiên, các hoạt động nêu trên chưa phù hợp với quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Vì thế, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được điều động, sử dụng nhân lực cho công tác phòng chống dịch Covid-19 mà không phụ thuộc vào phạm vi hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
Thể hiện nội dung này, Dự thảo Nghị quyết quy định, trong trường hợp dịch Covid-19 lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người, cho phép người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả người nước ngoài đang hành nghề tại Việt Nam) được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (kể cả trường hợp việc khám bệnh, chữa bệnh khác với phạm vi hành nghề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) mà không phải bổ sung phạm vi hành nghề.
Dự thảo cho phép người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài đã được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng chỉ hành nghề tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở y tế; cho phép sinh viên, học sinh, đối tượng đào tạo sau đại học của các trường thuộc khối ngành sức khỏe, người đã đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề nhưng chưa được cấp tham gia hoạt động tiêm chủng phòng Covid-19 và hỗ trợ thực hiện một số hoạt động khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 theo phân công của người đứng đầu cơ sở y tế.
Góp ý cho quy định này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy lưu ý, không thể nói cho phép chung chung mà cần nói rõ ai cho phép để xác định trách nhiệm. Bà Thúy cũng yêu cầu quy định cơ chế phối hợp giữa cơ quan cử người đi và cơ quan nhận người đến.
Toàn cảnh phiên họp
Chi phí khám chữa bệnh Covid-19 được thanh toán ra sao?
Quy định cụ thể về việc này, dự thảo nêu rõ, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (đối với cơ sở công lập) bao gồm: ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn quỹ bảo hiểm y tế, nguồn chi trả của người sử dụng dịch vụ và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Trong đó, nguồn NSNN bảo đảm theo phân cấp quản lý NSNN hiện hành: Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị do Trung ương thành lập, ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí cho cơ sở thu dung, điều trị do địa phương thành lập.
Trường hợp địa phương đã đảm bảo một phần kinh phí hoạt động cho cơ sở thu dung điều trị Covid-19 do Trung ương thành lập đóng trên địa bàn hỗ trợ địa phương thì ngân sách trung ương không phải chi trả các khoản chi phí đó.
Liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người mắc Covid-19, dự thảo phân theo từng nhóm điều trị tại các cơ sở khác nhau. Cụ thể, với người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị do Bộ Y tế và các địa phương thành lập trong giai đoạn từ ngày 1-8-2021 đến 31-12-2021, NSNN thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) theo số lượng thực tế sử dụng và giá theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 không đủ trang thiết bị để thực hiện một số dịch vụ kỹ thuật thì được ký hợp đồng dịch vụ y tế với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên địa bàn có đủ điều kiện thực hiện theo quy định chuyên môn, được NSNN thanh toán theo mức giá dịch vụ y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện dịch vụ.
Đối với người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thu dung, điều trị Covid-19 trong giai đoạn từ ngày 8-2-2021 đến 31-12-2021, nếu cơ sở đã lập bảng thanh toán chi phí với cơ quan Bảo hiểm xã hội và thu của người dân thì NSNN thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) theo số lượng thực tế sử dụng và giá theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật sau khi trừ đi phần cơ quan Bảo hiểm xã hội đã thanh toán cho cơ sở và phần đã thu của người dân.
Trường hợp cơ sở chưa lập bảng thanh toán chi phí với cơ quan Bảo hiểm xã hội và thu của người dân, NSNN thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) theo số lượng thực tế sử dụng và giá theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Đối với người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 từ ngày 1-1-2022 đến hết 31-12-2022, Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo phạm vi, quyền lợi được hưởng của người mắc Covid-19 có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế. NSNN đảm bảo chi trả phần chi phí ngoài phạm vi, quyền lợi, mức hưởng và chi phí đồng chi trả đối với người bệnh Covid-19 điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị do Bộ Y tế và các địa phương thành lập trong giai đoạn từ 1-8-2021 đến 31-12-2021.
NSNN cũng chi trả cho người Việt Nam không có thẻ bảo hiểm y tế (áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến hết 31-3-2022) và các đối tượng khó khăn đột xuất khác theo quy định của Chính phủ. Đối tượng còn lại phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Cùng với đó, dự thảo cũng quy định mức giá thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Cụ thể, đối với các cơ sở thu dung, điều trị do Bộ Y tế và địa phương thành lập, sẽ áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm quản lý, điều hành cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (sau đây viết tắt là bệnh viện chủ quản).
Với các cơ sở khám chữa bệnh được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ thu dung, điều trị, áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do cấp có thẩm quyền đã phê duyệt cho cơ sở đó.
Với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được huy động tham gia phòng, chống dịch, áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh huy động cơ sở y tế tư nhân quyết định, đảm bảo không vượt quá mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện trung ương đóng trên địa bàn.
Được hưởng nguyên lương trong thời gian cách ly, điều trị
Cùng với việc bổ sung trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, dự thảo cũng quy định về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, NSNN chi trả tiền lương, tiền công, phụ cấp đối với người được phân công, điều động tham gia, hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 (kể cả viên chức, người lao động của các cơ sở khác đến tăng cường) theo quyết định điều động cán bộ của cấp có thẩm quyền.
Trong trường hợp người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải điều trị do bị nhiễm SARS-CoV-2 trong quá trình tham gia phòng chống dịch Covid-19, được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định trong thời gian điều trị do bị nhiễm SARS-CoV-2; được hưởng các chế độ phòng, chống dịch Covid-19 nếu tiếp tục tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch trong thời gian điều trị do bị nhiễm SARS-CoV-2.
Vẫn theo dự thảo, người tham gia phòng, chống dịch Covid-19 phải cách ly sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp theo lương trong thời gian phải cách ly.