Chung tay giúp đồng bào miền Trung vượt qua lũ dữ

Thứ Năm, 02/12/2021 10:33

|

(CATP) Diễn biến thời tiết phức tạp năm nay đổ dồn xuống Nam Trung bộ. Cho đến sáng 1-12, mưa bắt đầu ngớt tại một số địa phương thuộc khu vực này, nhưng suốt hơn tháng qua, các trận mưa kéo dài đã gây sạt lở cục bộ tại một số nơi, gây chia cắt. Đặc biệt, trong tuần qua, mưa lớn liên tục trút xuống các tỉnh Nam Trung bộ, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, bà con đang trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, rất cần sự chung tay giúp sức của đồng bào cả nước.

Cùng Báo Công an TPHCM hướng về đồng bào vùng lũ miền Trung

Những ngày qua, các tỉnh Nam Trung bộ đã phải hứng chịu mưa lũ dồn dập trên diện rộng, gây thiệt hại nặng về người và tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân. Nhiều người đang bị lũ chia cắt, cô lập, thiếu thốn lương thực, thuốc men giữa lúc dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp... khiến khó khăn càng thêm chồng chất.

Với truyền thống "tương thân tương ái", Báo Công an TPHCM phát động Chương trình "Chung tay cứu trợ đồng bào vùng lũ miền Trung", kêu gọi các tổ chức, đơn vị, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng tham gia chương trình thiện nguyện giúp đỡ đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai vượt qua giai đoạn khó khăn này. Sự sẻ chia ân tình ấy chúng tôi sẽ chuyển đến tận tay người dân đang cần hỗ trợ nơi vùng lũ.

Mọi sự đóng góp xin gửi về Tòa soạn Báo Công an TPHCM, số 110 Nguyễn Du, P.Bến Thành, quận 1, TPHCM; hoặc số tài khoản: 0071001983085 - Ngân hàng Vietcombank TPHCM; đường dây nóng: 0926.110.110, 0901.110.110.

Khánh Hòa: Lúa mất trắng, lo dân thiếu đói

Sáng 1-12, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Khánh Hòa cho biết, mưa lớn liên tiếp những ngày qua đã gây sạt lở, ngập úng nhiều địa phương trên địa bàn. Do mưa lớn kết hợp với hoạt động xả điều tiết các hồ chứa nên trong đêm 30-11, lũ trên sông Cái Nha Trang lên nhanh, đạt đỉnh lúc 0 giờ ngày 1-12 với mức 11,46m, trên mức báo động (BĐ) 3 là 0,46m; trên sông Dinh Ninh Hòa đạt 5,72m, trên mức BĐ3 là 0,02m.

Sáng 1-12, ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Khánh Hòa - cho biết, quá trình tuần tra kiểm soát, lực lượng Thanh tra giao thông phát hiện 2 sà lan cỡ lớn trôi từ thượng nguồn sông Cái Nha Trang về phía cầu Hà Ra (TP.Nha Trang), kẹt giữa hai trụ đỡ của hệ thống cấp nước. Một chiếc đã húc làm hỏng một đường ống; đến 8 giờ cùng ngày, một sà lan tiếp tục bị nước cuốn trôi làm gãy đôi 2 đường ống cấp nước, đâm vào cầu Hà Ra. Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường xử lý vụ việc. Về hồ chứa, nhiều hồ đã xả điều tiết để hạ thấp mực nước từ ngày 26-11 đến nay.

Do mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về nhanh cùng một số hồ chứa xả điều tiết đã gây ngập úng nặng nhiều nơi. Qua thống kê, ước tính có gần 8.300 hộ với khoảng 35.000 người dân ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Phương, Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp (TP.Nha Trang) bị ảnh hưởng do ngập lụt. Huyện Diên Khánh ngập tại các điểm dân cư, những vùng trũng dọc sông Cái; tại Ninh Hòa ngập úng nhiều khu vực ven sông Dinh; KV huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh ngập hầu hết các cầu tràn với mức khoảng 1,5m.

Đối với các công trình, mưa lớn gây sạt lở một số đoạn thuộc bờ đê Sông Gốc, sông Đồng Điền (Vạn Ninh), kè Sông Tô Hạp đoạn qua xã Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn); nhiều tuyến kênh ngập sâu trong nước chưa xác định được thiệt hại. Riêng các công trình giao thông bị ảnh hưởng nặng bởi ngập úng và đất đá sạt trượt gây ách tắc giao thông. Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có trên 1.000 ha lúa ngập trong nước.

Các lực lượng phối hợp sẵn sàng ứng phó thiên tai

Phú Yên: Cứu 6 người kẹt giữa sông Ba

Sáng 1-12, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ sử dụng 2 xuồng chuyên dụng vượt lũ cứu hộ 6 người dân chăn thả gia súc bị kẹt trên các cồn cát giữa lòng sông Ba.

​​Lực lượng cứu hộ tại Phú Yên

Thượng tá Trần Trung Thủy - Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên - cho biết thêm, hiện nước lũ trên sông Ba tiếp tục dâng cao, đơn vị sẽ vận động, thậm chí áp dụng biện pháp cưỡng chế với những hộ còn ở lại trên các cồn cát để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Từ chiều tối 30-11, đơn vị phối hợp đưa phương tiện, lực lượng cứu hộ di dời hơn 3.000 hộ tại TP.Tuy Hòa và các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa có nhà bị ngập trong nước lũ đến nơi an toàn.

Từ ngày 29-11 đến 1-12, Phú Yên xuất hiện mưa lớn. Nước lũ từ sông Ba dâng cao, vượt qua mức BĐ3, nhiều địa phương dọc con sông này ngập sâu trong biển nước. Một số hộ chăn thả gia súc ở lại các lán trại trên lòng sông Ba, khi nước lũ lên cao đã không kịp vào bờ. Bà Phan Thị Hương (58 tuổi, ngụ thôn Phú Nông, xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa) cho biết bị mắc kẹt giữa lòng sông 2 ngày qua, được bộ đội ứng cứu đưa về nhà an toàn, bà rất mừng.

Mưa lũ những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về người và tài sản

Bình Định: Nhiều nơi tiếp tục bị cô lập

Sáng 1-12, tại Bình Định trời tạnh mưa, nước lũ bắt đầu rút chậm, hàng ngàn nhà dân vẫn còn ngập sâu, nhất là vùng ven đê Đông của 2 huyện Phù Cát, Tuy Phước. Trong sáng qua, toàn huyện vẫn còn 4.271 căn nhà (12.813 nhân khẩu) của các hộ dân trên địa bàn ngập sâu từ 0,4 - 0,6m.

Nước ngập Tỉnh lộ 640, 631 đoạn qua xã Phước Thắng sâu hơn 1m, khiến giao thông gián đoạn; Tỉnh lộ 636 qua xã Phước Hòa và Phước Quang ngập từ 0,5 - 0,7m, người dân phải sử dụng sõng để lưu thông. Hiện 100% thôn xóm thuộc các xã Phước Hòa, Phước Thắng (huyện Tuy Phước), Cát Chánh (huyện Phù Cát) đều bị lũ chia cắt, hệ thống giao thông, thủy lợi chìm sâu trong nước, các trường ngập lũ nên học sinh chưa thể đến lớp; điện, nước cúp gây khó khăn cho sinh hoạt của người dân.

Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân vùng rốn lũ Bình Định

Tại xã ven biển Cát Hải (huyện Phù Cát) có 3 căn nhà sập, gần 300 căn của người dân ngập sâu trong nước; ngoài ra, mưa lũ còn gây sạt lở, cuốn trôi, hư hỏng, làm đứt gãy nhiều tuyến giao thông nông thôn. Ông Lê Văn Diêu - Chủ tịch UBND xã Cát Hải - cho biết, đối với các hộ dân có nhà bị sập, địa phương đã di dời đến nơi ở tạm. Bên cạnh đó, UBND xã đã huy động lực lượng dân quân, đoàn viên và người dân sử dụng bao cát kè chắn, khắc phục các điểm đất nông nghiệp bị sạt lở nặng để giữ đất.

Để giúp người dân bị nước lũ cô lập, chiều 30-11, Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo ở huyện Phù Cát đã phối hợp với Đồn Biên phòng Đề Gi (xã Cát Khánh) và chính quyền 2 xã Cát Khánh, Cát Thành vào tâm lũ hỗ trợ 100 phần quà cho bà con vùng lũ thôn Chánh Thiện (xã Cát Thành) và thôn Chánh Lợi (xã Cát Khánh), gồm mì tôm, sữa đậu nành, nước lọc đóng chai với tổng trị giá hơn 5,5 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát tình hình, tập trung lực lượng sơ tán, di dời các hộ ở những khu vực ngập sâu, nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; đồng thời cắt cử lực lượng túc trực ở những địa bàn xung yếu về giao thông, thủy lợi để hướng dẫn người dân đi lại và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra...

Tại huyện Tuy Phước, đến trưa 1-12 có một nạn nhân bị nước lũ cuốn trôi là ông Hồ Văn Dũng (46 tuổi, ở thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa).

Một căn nhà ở Bình Định bị sập do mưa lũ

Quảng Ngãi: Sau lũ quét lại đến sạt lở

Tại xã Ba Nam, huyện Ba Tơ, mưa lớn mấy ngày qua đã gây sạt lở mới hơn 10 điểm, khoảng 1km đường liên thôn hỏng nặng, các phương tiện không thể lưu thông, gần 80 hộ dân với 300 nhân khẩu có nguy cơ bị cô lập. Tình trạng sạt lở cũng khiến nhiều nhà dân, trường học có nguy cơ bị vùi lấp.

Mưa lũ gây sạt lở ở Quảng Ngãi. Ảnh: Báo Quảng Ngãi

Chủ tịch UBND xã Ba Nam - Phạm Văn Đin cho biết, xã đã vận động người dân tạm thời di dời người và tài sản xa các điểm nguy hiểm, đến ở xen ghép với nhà người thân để đảm bảo an toàn. Trường hợp không đủ khả năng, sẽ di dời người dân đến trú tạm tại UBND xã.

Đắk Lắk: Sập cầu, giao thông chia cắt

Ngày 1-12, UBND huyện Ea Kar (Đắk Lắk) thông tin, những ngày mưa lũ vừa qua, địa phương có 21 điểm ngập cục bộ, nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản của dân ngập sâu. Một số hạ tầng giao thông hư hỏng nghiêm trọng, gây chia cắt và khó khăn cho người dân trong lưu thông. Đặc biệt, mưa lũ đã khiến cầu Thống Nhất bắc qua sông Krông Pắch (xã Ea Ô) hỏng nặng gây chia cắt giao thông.

Một góc cầu Thống Nhất (xã Ea Ô, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) bị hư hỏng sau mưa lũ

Đây là tuyến đường huyết mạch của người dân các xã Ea Ô, Cư Bông, Cư Elang, Ea Păl. Giờ đang là mùa thu hoạch trái cây nhưng giao thông ách tắc gây không ít khó khăn cho bà con. Đặc biệt, đây là tuyến đường để học sinh các xã Ea Ô, Cư Elang, Cư Bông đến lớp, cầu sập thì các em phải vượt quãng đường 25km mới đến được trường học. Lãnh đạo UBND xã Ea Ô cho biết: Trước mắt, sau khi lũ rút, địa phương sẽ đề xuất huyện cử lực lượng, kinh phí xử lý nhanh sự cố để bà con lưu thông tạm thời. Về lâu dài, xã sẽ kiến nghị các cấp bố trí kinh phí để xây cầu mới qua sông phục vụ bà con đi lại, sản xuất.

Ngoài ra, các huyện MĐrắk, Krông Bông, Krông Năng... cũng có hàng trăm héc-ta hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, nhiều công trình giao thông, cầu, ngầm, tràn... bị mưa lũ làm hỏng nặng. Riêng tại huyện MĐrắk, mưa lũ làm 1 người chết, 1 người mất tích. Các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả và tìm kiếm người mất tích.

Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện đã chủ động phương án ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do mưa lũ.

5 thuyền viên mất tích trên vùng biển Quảng Trị

Chiều 1-12, ông Cao Xuân Điệp - Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - cho biết địa phương vừa nhận được thông tin tàu cá NA 93553 TS đang khai thác trên biển đã gặp sự cố dẫn đến chìm tàu, khiến 5 thuyền viên mất tích gồm: Thái Bá Tình (SN 1952), Trần Văn Hợi (SN 1959), Trần Văn Nghĩa (SN 1964), Thái Bá Huy (SN 1979), Thái Bá Hòa (SN 2003, tất cả đều ở huyện Quỳnh Lưu)...

Tàu có 6 thuyền viên, do anh Thái Bá Huy (ở thôn 3, xã Sơn Hải) làm thuyền trưởng, ra khơi đánh bắt hải sản trên biển ngày 23-11; đến 10 giờ ngày 30-11, trong quá trình khai thác ở vùng biển tỉnh Quảng Trị, tàu gặp sự cố xổ nước từ phía dưới gây chìm tàu, chỉ có ngư dân Trần Văn Huy (ngụ thôn 4, xã Sơn Hải) được tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi cứu, sức khỏe đã hồi phục.

Hiện Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang phối hợp với Bộ đội Biên phòng Quảng Trị cùng một số tàu cá khai thác thủy hải sản gần khu vực tàu cá bị chìm tích cực tìm kiếm các nạn nhân mất tích.

Khẩn trương giúp miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân đói, rét

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 1659/CĐ-TTg tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ. Nội dung nêu rõ, những ngày qua, nhiều nơi xảy ra ngập sâu, sạt lở đường, một số người dân gặp nạn do lũ cuốn, hàng chục nghìn hộ bị ảnh hưởng do ngập lụt, đặc biệt tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên xảy ra ngập sâu trên diện rộng. Để triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả và khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sạt lở, chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng PCTT tại cơ sở kiểm tra, rà soát, kịp thời tổ chức sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhất là tại những khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Trong đó cần lưu ý công tác an toàn phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân ở nơi sơ tán tập trung, không để người dân đói, rét. Chỉ đạo bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông qua các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở, những nơi ngập sâu; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình bị thiệt hại, nhất là những hộ có người chết, mất tích; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục các tuyến giao thông, công trình hạ tầng thiết yếu và sản xuất sau lũ.

Tại cuộc họp khẩn sáng 1-12, do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT cho biết, tính đến 8 giờ 30 cùng ngày đã có 10 người chết và mất tích do mưa lũ ở Nam Trung bộ, Tây nguyên (Bình Định: 3 người, Phú Yên: 6, Kon Tum: 1). Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về PCTT - cho rằng, mặc dù nước lũ ở một số con sông đang xuống nhưng dự báo tình hình thời tiết vẫn rất phức tạp. Các địa phương cần rà soát những khu vực nguy hiểm, có nguy cơ ngập sâu và lũ quét để sơ tán người dân đến nơi an toàn nhưng cần đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, nhất là tại tỉnh Phú Yên.

Ông Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người thân thiệt mạng vì mưa lũ, khẩn trương triển khai lực lượng tìm kiếm những người mất tích. Cùng với đó, phải đảm bảo thông tin liên lạc với các địa bàn để đảm bảo tổ chức kịp thời công tác cứu hộ cứu nạn, ứng phó với mưa lũ, giảm thiệt hại tới mức thấp nhất. Về lâu dài, cần tiếp tục các chương trình xây nhà chống lũ, nhà ở an toàn trước lũ cho bà con ở những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

Trần Minh

Bình luận (0)

Lên đầu trang