Thêm 4 tỉnh, thành được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Thứ Bảy, 13/11/2021 08:58

|

(CAO) Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.Hải Phòng và 3 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế vừa được Quốc hội thông qua.

Tỷ lệ tán thành với các Nghị quyết trên được Quốc hội thông qua lần lượt là 88,58%; 86,17%; 82,97% và 87,37%.

Trước đó, giải trình tiếp thu vấn đề trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, thời gian qua đã thực hiện sơ kết việc thực hiện các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đối với TP.Hà Nội và TPHCM.

Quang cảnh phiên họp Quốc hội sáng 13/11

Trong khi đó, Bộ Chính trị cũng đã có các Nghị quyết đề ra nhiệm vụ kịp thời ban hành cơ chế đặc thù cho TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế. Vì vậy, theo ông Cường, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đối với các địa phương này là nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng.

“Tiếp thu ý kiến ĐBQH, việc sơ kết sẽ được thực hiện sau 3 năm, tổng kết tiến hành sau 5 năm khi kết thúc thời hạn thí điểm” - ông Nguyễn Phú Cường nói

Về đề nghị có nghị quyết đặc thù cho từng vùng, miền, có cơ chế ưu đãi cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, ông Cường thông tin, UBTVQH nhận thấy, căn cứ vào pháp luật hiện hành, việc phân bổ nguồn NSNN đều đã dựa trên các tiêu chí phân loại vùng miền để có chính sách phù hợp.

Đối với khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, theo ông Cường, hiện đã được xếp vào khu vực ưu tiên theo các Nghị quyết của UBTVQH về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ định mức chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển và đang là đối tượng thụ hưởng của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều dự án đã được bố trí vốn đầu tư công theo hướng ưu tiên.

Đánh giá ảnh hưởng đối với thu ngân sách, lãnh đạo cơ quan thẩm tra báo cáo, trong hồ sơ các dự thảo Nghị quyết của cả 4 địa phương đều đã có Báo cáo đánh giá tác động toàn diện, trong đó có tác động đến thu, chi NSNN. Theo đó với cơ chế như Nghị quyết thì sẽ không tác động lớn đến số thu ngân sách trung ương (NSTW) và bảo đảm cân đối chung vì việc bổ sung có mục tiêu chỉ thực hiện khi NSTW không hụt thu và số bổ sung không vượt quá tổng số tăng thu NSTW trên địa bàn so với năm trước.

Tỷ lệ vay hằng năm được khống chế trên cơ sở mức trần bội chi (bội chi ngân sách địa phương ở mức 0,3% tổng bội chi NSNN).

Vẫn theo giải trình của UBTVQH, tỷ lệ bổ sung chi thường xuyên đã được tính toán khi xây dựng Nghị quyết về định mức chi thường xuyên…, việc áp dụng Nghị quyết sẽ không ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của NSTW.

Bình luận (0)

Lên đầu trang