Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả

Thứ Sáu, 12/11/2021 15:49

|

(CAO) Đây là một trong những nội dung của Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (12/11).

Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội xác định mục tiêu tổng quát là hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao.

Qua tái cơ cấu sẽ tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực và chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Trong các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, Nghị quyết nêu rõ tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc Trung ương cao hơn tốc độ tăng NSLĐ trung bình cả nước.

Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 được xác định bình quân 3,7% GDP; giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đảm bảo khoảng 32 - 34% GDP. Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, từng bước phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp, bền vững.

Vẫn theo Nghị quyết, từ nay đến năm 2025, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.

Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu 05 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.

Kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Nêu các nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế, Nghị quyết yêu cầu tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, trong cơ cấu lại đầu tư công cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả; giải quyết những vướng mắc trong quy trình quản lý đầu tư.

“Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công” – Nghị quyết nêu.

Với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, Nghị quyết khẳng định tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn nợ công, vay trong khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước, phù hợp với khả năng vay và mức độ hấp thụ vốn vay, duy trì, củng cố dư địa tài khóa để ứng phó với rủi ro thị trường hay cú sốc vĩ mô, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực, Nghị quyết cũng nêu yêu cầu phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã

Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý xử lý dứt điểm những dự án thua lỗ, kém hiệu quả; giảm tối đa loại hình doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tiếp tục thu hẹp diện doanh nghiệp mà Nhà nước duy trì có cổ phần, vốn góp…

Các hành vi vi phạm làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, theo Nghị quyết, phải được xử lý nghiêm.

Vẫn theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua, việc phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớncũng được chú trọng.

Việc cơ cấu lại các ngành đảm bảo theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy yếu tố tối đa các tiềm năng, lợi thế

Để thực hiện, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4/2022 ; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết trong Báo cáo về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2023 và cả nhiệm kỳ tại kỳ họp cuối năm 2025.

Bình luận (0)

Lên đầu trang