Doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu chưa được hỗ trợ đúng mức

Thứ Sáu, 12/11/2021 10:00

|

(CAO) Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới DN khỏe, có doanh thu, lợi nhuận; DN yếu, bị mất doanh thu chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Chất vấn Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng sáng nay (12/11), đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu khó khăn đối với các doanh nghiệp nội trong giai đoạn hiện nay.

"9 tháng đầu năm nay đã có 91.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Số này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lĩnh vực thương mại, dịch vụ" - đại biểu An phản ánh và đề nghị Bộ trưởng đánh giá kỹ đối với các chính sách hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu của Đồng Nai cũng nhấn mạnh vai trò của các ngân hàng trong gói hỗ trợ, cần điều chỉnh mức lãi suất hợp lý. Nếu số doanh nghiệp này không hồi phục kịp thời, đại biểu An nhận định mức tăng trưởng 6,5% GDP sẽ rất khó khăn.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn Bộ trưởng KHĐT

Thừa nhận thực trạng trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết vừa qua các chính sách hỗ trợ mới chủ yếu hướng tới doanh nghiệp khỏe, có doanh thu, có lợi nhuận. Song, doanh nghiệp yếu, bị mất doanh thu thì chưa được quan tâm, hỗ trợ đúng mức.

Các doanh nghiệp nhỏ chưa được hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách tài khóa, mới chủ yếu là chính sách chung.

“Chúng tôi sẽ lưu ý vấn đề này để tham mưu Chính phủ có chính sách cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn mà không có doanh thu, không có lợi nhuận” - ông Dũng cam kết.

Được mời tham gia giải trình cùng Bộ trưởng Dũng, Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phản ánh, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiệm trọng đến tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

“Từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh xảy ra, trong tổ chức điều hành về lãi suất, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5-2%/năm. Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định.

Bà Hồng cũng chia sẻ, NHNN đã chỉ đạo và kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất và mặt bằng đã giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải trình thêm vấn đề đại biểu quan tâm

Vẫn theo nữ Thống đốc, từ khi có dịch Covid-19 đến nay, các tổ chức tín dụng đã giảm khoảng 30.000 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và sẽ tiếp tục thực hiện giảm từ nay cho đến cuối năm.

Hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 2.000 tỷ đồng tiền phí cho các khách hàng.

“Thông qua các chính sách giảm lãi suất, phí này đã giảm được chi phí đầu vào của các doanh nghiệp và người dân” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Do nhiệm vụ của hoạt động quản lý tiền tệ là đảm bảo điều hành của ngân hàng trung ương, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nhưng không chủ quan với lạm phát và đảm bảo vai trò huyết mạch của nền kinh tế, nên theo Thống đốc Hồng, các TCTD phải vừa hoạt động đảm bảo an toàn, hiệu quả để sẵn sàng khả năng chi trả cho khách hàng vừa phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

“Việc xem xét các chính sách, công cụ thời gian tới, NHNN luôn phải đảm bảo đạt được 2 mục tiêu, đồng thời, đảm bảo các cân đối lớn của vĩ mô như nợ công, bội chi ngân sách” – bà Hồng nêu quan điểm.

Để có thể xác định còn dư địa giảm lãi suất nữa hay không, theo bà Hồng, qua đánh giá thực trạng về hoạt động tiền tệ của ngân hàng và kinh tế vĩ mô, NHNN cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay có thể đạt được (lạm phát đến hết tháng 10 là 1,81%). Tuy nhiên, trong năm 2022, rủi ro lạm phát đang có áp lực lớn.

“Các nền kinh tế thế giới đang gần phục hồi khi chiến lược vaccine bao phủ, điều này dẫn tới giá cả hàng hóa đang có xu hướng gia tăng, các chỉ số của giá nhiều mặt hàng hóa như xăng dầu đã tăng 55% so với cuối năm trước” – Thống đốc phân tích và thông tin, ở các nước phát triển, lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP, bà Hồng cảnh báo, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.

Đề cập đến chính sách lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu bối cảnh nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng.

“Thời gian qua, các ngân hàng đã giảm lãi suất bằng chính nguồn lực tài chính của mình chứ không phải tiền ngân sách, nên khi nợ xấu gia tăng chắc chắn bản thân các ngân hàng phải sử dụng nguồn lực tự có để xử lý” – bà Hồng lo ngại.

Vì thế, theo người đứng đầu NHNN, nếu để tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới khả năng chi trả và an toàn của hệ thống.

“Đây là bài học kinh nghiệm rất lớn từ thời gian trước khi mà tăng trưởng tín dụng cao, thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất năm 2008, không tính toán cẩn thận dẫn đến rủi ro lạm phát năm 2011, có thời điểm lên tới 18%” - bà Hồng chỉ ra.

Khẳng định tới đây cơ quan quản lý tiền tệ sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất, song theo bà Hồng, vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh tác động dây chuyền.

"NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Tài chính, Bộ KHĐT để tính toán gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, đối tượng hợp lý trên cơ sở vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng" - bà Hồng khẳng định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang