Đại biểu “truy” nguyên nhân giải ngân đầu tư công chậm

Thứ Năm, 11/11/2021 18:53

|

(CAO) Cho biết đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng liệt kê hàng loạt các nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng theo Bộ trưởng, nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện vẫn là chính.

Đăng đàn chiều nay (11/11), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận được yêu cầu từ đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đề nghị làm rõ nguyên nhân và giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 và những năm tiếp theo.

Cho biết đây không phải lần đầu vấn đề giải ngân đầu tư công được nêu tại kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Dũng liệt kê hàng loạt các nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan. Nhưng theo Bộ trưởng, nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện vẫn là chính.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn đại biểu chiều 11/11

“Toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A, B, C đều đã phân cấp địa phương; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; điều chỉnh chủ trương đầu tư đều đã phân cấp cho địa phương...” - Bộ trưởng lý giải.

Theo Bộ trưởng, khi được Quốc hội thông qua, Thủ tướng đã giao vốn một lần, theo một khoản cho các địa phương ngay từ tháng 11 năm trước. Vì vậy, vấn đề hiện nay là nằm ở địa phương, còn những vấn đề thuộc về trách nhiệm Trung ương và Bộ thì “chúng tôi cầu thị".

Một nguyên nhân khác, theo ông Dũng, là do các địa phương, bộ ngành thờ ơ hoặc chưa làm hết trách nhiệm, lập kế hoạch không sát, đề xuất vốn lớn nhưng thực tế không giải ngân được.

"Bộ KHĐT cũng có một phần trách nhiệm, như nể nang, không hết trách nhiệm, chỉ tổng hợp rồi đưa lên con số không sát thực tiễn, con số lớn nên gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân…” – Bộ trưởng Dũng thừa nhận.

Tranh luận với Bộ trưởng Dũng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, các dự án nhóm A trọng điểm quốc gia do bộ, ngành trung ương thẩm định.

"Nếu có địa phương chậm thì đó là nơi nào, phải chỉ rõ để xử lý; bộ ngành trung ương thẩm định nhóm dự án A chậm thì ai chịu trách nhiệm cũng phải làm rõ" - ông Hoà yêu cầu.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp)

Đại biểu của Đồng Tháp chỉ ra, việc giao vốn và ghi dự án song song là bất cập. “Dự án chưa phê duyệt xong, thậm chí mới thẩm định sơ bộ, chưa thẩm định chính thức thì đã kèm theo vốn. Dự án chưa xong thì không thể giải ngân, nên bất cập cần điều chỉnh" – đại biểu phân tích.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án nhóm A do địa phương thẩm định.

"Chúng tôi luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào. Còn quy trình thủ tục gồm nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan để tổng hợp lại có thể chậm, chúng tôi rút kinh nghiệm và cố gắng cao nhất" - ông Dũng nói.

Nhắc lại chuyện Chính phủ hứa đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long 2 tỷ USD, nhưng Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa hoàn thành, đại biểu Phạm Văn Hoà bức xúc: “Chưa phê duyệt thì làm sao giải ngân. Nếu không phê duyệt thì trong cả giai đoạn 2021-2025, số tiền 2 tỷ USD Thủ tướng hứa đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long cũng không nhận được”.

Nhìn nhận đây là quy hoạch quan trọng, hướng tới phát triển bền vững nên có nhiều ý nghĩa, giải quyết thách thức biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo, quốc phòng an ninh, Bộ trưởng Dũng khẳng định, những gì thuộc về Bộ, ông sẽ cố gắng làm nhanh nhất.

"Tôi sẽ báo cáo với Chính phủ, xin hứa từ góc độ chủ quan, cá nhân, nếu hoàn tất các nội dung thì tháng 12 này sẽ phê duyệt trên cơ sở các ý kiến đồng thuận" - Bộ trưởng Dũng nói.

Góp ý trong câu chuyện này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu "phải xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi và chúng ta phải đột phá ở đâu".

Năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư chưa được 50%.

"Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp? Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào" - Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.

Dẫn lại 16.000 tỷ đồng của ba chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ tịch Quốc hội phàn nàn, đến nay vẫn chưa phân bổ được, 86.000 tỷ đồng của các địa phương cũng chưa phân bổ.

"Nếu chúng ta không làm rõ, dù Quốc hội chất vấn xong, có Nghị quyết, thì vẫn chưa giải quyết được vấn đề” – Chủ tịch Quốc hội lưu ý và yêu cầu làm rõ trách nhiệm ở đâu, tình hình kiểm tra giám sát giải quyết thế nào, “không thể nói chung chung là vướng mắc".

Bình luận (0)

Lên đầu trang