(CAO) Việc đánh giá học sinh dựa trên nguyên tắc “vì sự tiến bộ của học sinh, chú trọng kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm các yêu cầu ghi nhớ máy móc, thuộc lòng các nội dung học tập nhằm phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh".
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội trước phiên chất vấn sáng nay (11/11), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh nhiều nơi chưa thể quay lại trường, phải học trực tuyến, học qua truyền hình. Bộ GD-ĐT đã ban hành Công văn số 3969/BGDĐT-GDTH ngày 10-9-2021 hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học.
Quang cảnh phiên chất vấn sáng nay, 11/11
Thông tin cụ thể, Bộ trưởng Sơn cho biết, đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục.
Bộ cũng chủ trương tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương.
Khối các lớp từ lớp 3, 4, 5 và từ lớp 7 đến lớp 12, thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế.
Nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, theo Bộ trưởng Sơn, thực hiện theo hướng giảm tải chương trình đảm bảo học sinh được học tập kiến thức cốt lõi phù hợp với quỹ thời gian học tập trực tiếp tại các địa bàn chịu tác động của dịch bệnh.
Hướng dẫn các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch nhà trường linh hoạt, tạo sự chủ động, thuận lợi khi tổ chức học tập theo các hình thức dạy học phù hợp khác.
Vẫn theo Bộ trưởng, thời gian kết thúc năm học do các địa phương quyết định bảo đảm an toàn trường học, hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục. Thời lượng giảm tải và 2 tuần dự phòng đảm bảo cho các địa phương có được từ 1,5 tháng đến 2 tháng (tùy theo kế hoạch của nhà trường) dự phòng để tổ chức kế hoạch năm học.
“Đến nay, các cơ sở giáo dục đã triển khai 100% việc tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi” – Bộ trưởng nói.
Tuy nhiên, do các cơ sở giáo dục và giáo viên phải xây dựng lại kế hoạch dạy học và giáo án, Bộ trưởng Sơn chỉ ra những khó khăn nhất định trong thời gian đầu năm học.
“Một số nội dung sẽ không được tổ chức dạy cho học sinh mà yêu cầu học sinh tự học, tự nghiên cứu; học sinh không được làm thí nghiệm, thực hành ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục” – Bộ trưởng cho nhìn nhận.
Bên cạnh đó, một bộ phận giáo viên chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng đổi mới, còn ngại đổi mới, dạy theo nếp cũ (nhồi nhét kiến thức), chưa thực sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức dạy học để phù hợp, vừa sức với học sinh…
Khẳng định sẽ chỉ đạo tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên môn cùng thống nhất và triển khai; tổ chức linh hoạt kế hoạch dạy học nhằm hoàn thành sớm năm học để có thời gian bổ sung, ôn tập cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu rõ, việc đánh giá học sinh dựa trên nguyên tắc “vì sự tiến bộ của học sinh, chú trọng kiểm tra, đánh giá theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm các yêu cầu ghi nhớ máy móc, thuộc lòng các nội dung học tập nhằm phát huy tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh”.
Ông cũng nhấn mạnh sẽ bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho giáo viên; đổi mới công tác quản lý, tăng quyền tự chủ cho giáo viên trong việc sắp xếp lại nội dung, cấu trúc bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng học sinh của từng vùng miền.
Đăng đàn kế tiếp Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn có trách làm rõ về việc bảo đảm chất lượng dạy và học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo trong điều kiện dịch Covid-19; công tác dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền; việc giảm tải chương trình học cho học sinh.
Thu hẹp khoảng cách về giáo dục giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; công tác an toàn trường học, y tế học đường để học sinh, sinh viên có thể trở lại trường học; phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong bối cảnh dịch bệnh cũng được đặt ra cho người đứng đầu ngành Giáo dục – đào tạo.
Cùng tham gia giải trình với Bộ trưởng Sơn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông.