Cần giải pháp cho việc thiếu hụt lao động, sinh kế cho người về các tỉnh

Thứ Tư, 10/11/2021 22:11

|

(CAO) Về tình trạng người lao động rời TPHCM và một số tỉnh về quê, Chủ tịch Quốc hội lưu ý không chỉ là vấn đề xác định nguyên nhân vì sao, trách nhiệm thế nào, nhất là trách nhiệm của nhà nước đối với dân, mà quan trọng là giải pháp để giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động về các tỉnh.

Trước làn sóng người dân rời TPHCM và một số tỉnh lân cận để về quê trong đợt dịch thứ 4, đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đề nghị Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết có chính sách gì với nhóm người này để “không ai bị bỏ lại phía sau?".

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) chất vấn Bộ trưởng LĐTB&XH

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Dung thông tin, lực lượng lao động về quê vừa qua tương đối lớn, khoảng 1,3 triệu người.

“Vừa rồi tôi chủ trì làm việc với các tỉnh, thành trọng điểm kinh tế phía Nam thì thấy khoảng 30% người dân có nhu cầu quay trở lại, 30% muốn chuyển sang địa bàn khác, phần còn lại muốn ở quê” – ông Dung nêu.

Theo Bộ trưởng LĐTB&XH, các địa phương cùng với TPHCM và các tỉnh lân cận vùng kinh tế trọng điểm đã có kết nối để vận động, thuyết phục người lao động.

Nhiều địa phương cũng chủ động liên kết, kết nối với các địa phương khác, thậm chí ngay cả trong vùng để có thể giới thiệu việc làm.

Để tạo việc làm tại chỗ, ông Dung cho biết, rất nhiều địa phương đã tiếp nhận toàn bộ công nhân nghề may và một số ngành, lĩnh vực khác vào làm việc tại địa phương mình.

Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn chiều 9/11

“Tôi nghĩ rằng việc tập trung triển khai các chính sách, ví dụ như chính sách giảm nghèo, chính sách cho vay quỹ quốc gia giải quyết việc làm… để hỗ trợ cho người lao động ổn định, tạo công việc mới ở địa phương rất cần được quan tâm thực hiện” – ông Dung nêu quan điểm.

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ lao động tự do, đại biểu Sinh thắc mắc tại sao nơi có, nơi không? Lý giải việc này, ông Dung cho rằng vì còn phụ thuộc vào quy định chính sách của từng địa phương, ngân sách của từng địa phương…

“Vừa qua có những địa phương ngân sách dự phòng không còn, do đó chưa hỗ trợ hoặc chậm hỗ trợ lao động tự do. Sau khi tổng kết Nghị quyết 68, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để điều chỉnh chính sách cho phù hợp hơn” - Bộ trưởng Dung khẳng định.

Cho biết rất tâm tư khi nhìn hình ảnh một bà mẹ 50 tuổi cùng 3 con đạp xe từ Đồng Nai về quê, hay một cô gái mới sinh con được 10 ngày rời bỏ thành phố, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) hỏi trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở đâu?

Ông Gia đặt vấn đề: “Liệu có sự lúng túng, bị động và không nhận định được tình hình không, nhất là thực trạng này không phải chỉ diễn ra 1 lần mà đã nhiều lần, ngay cả trước, trong và sau khi TPHCM thực hiện giãn cách.

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu câu hỏi

“Phản ứng của các cơ quan nhà nước là quá chậm” – ông Gia nói và đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ LĐTB&XH.

Thừa nhận có một phần trách nhiệm trong câu chuyện này nhưng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTB&XH chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. “Việc này liên quan đến rất nhiều bộ, ngành” – ông Dung nói.

Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ diễn giải rõ hơn ý kiến của đại biểu Gia. Ông Huệ phân tích: “Đại biểu nêu ra là làn sóng lao động rời bỏ TPHCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam về các địa phương không chỉ một lần mà tới 3 lần, theo như số liệu của Bộ trưởng là khoảng 1,3 triệu người”.

Lãnh đạo Quốc hội phản ánh, ý kiến của đại biểu Trần Đình Gia cũng là những ý kiến của cử tri đã được tổng hợp thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn đại biểu Quốc hội gửi về Quốc hội tại kỳ họp thứ hai này.

Vì thế, ông đề nghị từ nay cho đến kết thúc phiên chất vấn, các thành viên Chính phủ phải tranh thủ báo cáo giải trình làm rõ thêm vấn đề này trước Quốc hội và trước cử tri.

“Không chỉ là vấn đề chúng ta xác định nguyên nhân vì sao, trách nhiệm như thế nào, nhất là trách nhiệm của nhà nước đối với dân mà vấn đề quan trọng là giải pháp để giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này, giải quyết sinh kế và việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh” – ông Huệ lưu ý.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, điều quan trọng là qua việc này, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì trong việc phân tích, đánh giá, dự báo, và chúng ta có cam kết sẽ không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không?

“Trách nhiệm của cả chính quyền trung ương và cả chính quyền địa phương, ở nơi có lao động rời đi, nơi có lao động về ra sao?” – Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang