Việc mua sắm trang thiết bị y tế được đưa vào chương trình thanh tra

Thứ Tư, 10/11/2021 09:58

|

(CAO) Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế đã được đưa vào chương trình thanh tra của năm 2022.

Là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay (10/11), Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận được câu hỏi từ đại biểu liên quan đến giá xét nghiệm Covid-19.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đặt vấn đề: “Xét nghiệm mỗi nơi một giá, có nơi 450.000 đồng cho một lần xét nghiệm. Xin Bộ trưởng cho biết liệu có lợi ích nhóm trong vấn đề này không? Trách nhiệm của Bộ trưởng là gì?".

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp)

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ (Bình Thuận) thắc mắc tại sao Việt Nam đã sản xuất được kit test và có nước đặt mua, đại biểu thắc mắc tại sao vừa qua vẫn phải mua mặt hàng này là chủ yếu. “Nguyên nhân là gì? Nếu sản xuất được kit test thì đã sử dụng ở đâu, địa phương nào?” – ông Sỹ chất vấn.

Hồi âm các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán không thuộc mặt hàng quản lý theo Luật giá.

“Giá cả của các mặt hàng này cũng khác nhau giữa các hãng, các nước. Giá sinh phẩm cũng khác nhau qua từng thời điểm, nếu cung ít - cầu nhiều thì giá thành cao hơn” - ông Long phân tích.

Biện pháp của Bộ Y tế được ông Long đề cập là từng bước minh bạch hóa việc cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, yêu cầu các công ty công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế. Bộ cũng liên tục yêu cầu các DN tăng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị.

“Hiện nay chúng ta đã cấp phép cho 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28” - ông Long thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn sáng 10/11

Vẫn theo Bộ trưởng Y tế, cơ quan này cũng tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Ông cũng nêu ra yêu cầu về việc giảm giá thành và Bộ đã có hướng dẫn về gộp mẫu cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20).

Đề cập đến “cung-cầu” kit xét nghiệm, Bộ trưởng Long chia sẻ, trước 1/7 lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, “thị trường” sôi động hơn vì xét nghiệm nhiều hơn. Do đó, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”. Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.

“Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được” - Bộ trưởng Long nêu nguyên nhân và khẳng định đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở, chấn chỉnh việc này.

Người đứng đầu Bộ Y tế khẳng định, cơ quan này đã có văn bản và Thủ tướng cũng liên tục nhắc nhở các địa phương phải thực hiện đúng quy định về pháp luật, đảm bảo không có lợi ích nhóm, không được tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

“Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị và sinh phẩm y tế vì thế đã được đưa vào chương trình thanh tra năm 2022” - Tư lệnh ngành Y tế nêu.

Khẳng định Bộ Y tế đã quan tâm đầu tư sản xuất sinh phẩm (kit xét nghiệm), Bộ trưởng Long cho biết, từ sớm, Bộ đã hỗ trợ hai doanh nghiệp sản xuất kit PCR, nên hiện nay cơ bản đã đủ.

"Chúng ta đã hỗ trợ thúc đẩy sản xuất test nhanh kháng nguyên, hiện có hai đơn vị sản xuất cái này. Hai đơn vị chuyển giao từ nước ngoài. Chúng tôi đang thúc đẩy để đảm bảo đủ nhu cầu trong nước. Ngoài ra có hai đơn vị sản xuất được kit kháng thể. Phương châm là làm sao chúng ta sẽ chủ động được kit xét nghiệm" - ông Long nói.

Gửi báo cáo tới Quốc hội trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến nay số lượng test mà Việt Nam được tài trợ làtrên 50 triệu test. Dù vậy, ông Long thừa nhận, có nơi, có lúc tình trạng “loạn giá” xét nghiệm không phải là không có.

Người đứng đầu Bộ Y tế thông tin, cơ quan này đã hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp cung ứng trên thị trường triển khai thực hiện việc công khai giá trang thiết bị y tế, nghiêm túc thực hiện việc công khai, cập nhật về giá trang thiết bị y tế.

Đến thời điểm này, trên 1.600 doanh nghiệp đã thực hiện công khai xét nghiệm trên trang thiết bị y tế (giá niêm yết theo quy định của Luật Giá).

Trực tiếp điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên chất vấn

Theo Chủ tịch Quốc hội, hoạt động chất vấn trong suốt các nhiệm kỳ đã liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả, đáp ứng đòi hỏi yêu cầu đổi mới chung của Quốc hội, làm cho chất vấn không đơn thuần là hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu mà còn là dịp để tương tác, bổ trợ cho các giám sát khác cũng như quyết định các vấn đề quan trọng khác.

"Thành công của hoạt động chất vấn tại kỳ họp này là yếu tố đảm bảo thàng công, là tiền đề rút kinh nghiệm cho các kỳ họp sau được tốt hơn" - ông Vương Đình Huệ nhận định

Chủ tịch Quốc hội cho biết, căn cứ đề nghị từ 63 đoàn đại biểu, ý kiến đại biểu, chất vấn bằng phiếu của đại biểu, ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp và tình hình nổi lên qua các phiên thảo luận tổ, Tổng thư ký Quốc hội đã chọn 12 lĩnh vực với một số vấn đề quan trọng nhất, thảo luận kỹ lưỡng với thường trực các cơ quan của Quốc hội, biểu quyết chọn ra 6 nhóm vấn đề.

Sau đó, 6 nhóm này được lấy ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để biểu quyết chọn 5 nhóm vấn đề trình Quốc hội, đại biểu lựa chọn ra bốn vấn đề sẽ chất vấn trong kỳ này.

Cụ thể là nhóm vấn đề y tế liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Lao động, việc làm và các vấn đề xã hội liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Nhóm vấn đề về giáo dục và đào tạo liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang