Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11:

Thượng tôn pháp luật - thước đo xã hội văn minh

Thứ Ba, 09/11/2021 10:32

|

(CATP) Từ nhu cầu đa dạng hóa hình thức, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, những năm 2000 - 2010 ở nhiều địa phương đã có sáng kiến tổ chức những ngày sinh hoạt pháp luật tập trung để nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, học sinh... tìm hiểu, nghiên cứu pháp luật. 

Mô hình này cho thấy tính hiệu quả cao trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhiều tầng lớp khác nhau. Năm 2010, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ đã tổng kết, đánh giá đây là cách làm mới mẻ, hiệu quả trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Hội đồng đã hướng dẫn việc nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc.

Tại kỳ họp thứ 3, diễn ra vào ngày 20-6-2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (Luật số 14/2012/QH13) gồm 5 chương, 41 điều. Luật này quy định quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã quy định ngày 9-11 hàng năm là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (sau đây gọi tắt là "Ngày Pháp luật"). Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Không riêng ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới cũng đã lấy ngày công bố Hiến pháp của nước mình làm "Ngày Pháp luật" hoặc "Ngày Hiến pháp" với ý nghĩa tôn vinh giá trị, vai trò của Hiến pháp và pháp luật. Đối với Việt Nam, ngày 9-11-1946 là ngày Quốc hội khóa I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố bản Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam độc lập. Bản Hiến pháp được đánh giá rất cao, có ý nghĩa lịch sử và giá trị to lớn tới tận ngày nay vì những tư tưởng được ghi nhận trong đó, như: tư tưởng Nhà nước pháp quyền; quyền lực thuộc về Nhân dân; đảm bảo quyền, tự do con người, quyền công dân;... Quốc hội lấy ngày này làm Ngày Pháp luật là sự tôn vinh Hiến pháp 1946, tôn vinh giá trị xã hội của pháp luật.

Cảnh sát giao thông giúp học sinh tìm hiểu Luật giao thông đường bộ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn đề cao vai trò của pháp luật trong quản trị quốc gia. Người đề cao việc xây dựng hệ thống pháp luật đảm bảo tính dân chủ, công bằng trên cơ sở nền tảng đạo đức xã hội. Ngay từ năm 1919, trong "Bản yêu sách của Nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây", Người đã viết: "Bảy, xin Hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền". Người coi "pháp quyền" là phép màu linh diệu, là "vị thần" trong quản trị quốc gia.

Khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh coi việc soạn thảo, công bố Hiến pháp và xây dựng hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam độc lập là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Với cương vị trưởng ban dự thảo Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuyển tải những giá trị, nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền một cách đầy đủ, rõ ràng trong bản Hiến pháp năm 1946 của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đánh giá về vai trò của pháp luật Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động... Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho Nhân dân lao động". (Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, tập 3, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1985, trang 138). Người cho rằng: "Sự bình đẳng trong xã hội ở nơi pháp luật. Dân chủ đúng đắn cũng ở nơi pháp luật". (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1985, trang 187). Để quản trị nhà nước, Người kiên quyết: "Thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta..., ngăn ngừa, trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của Nhân dân".

Một phiên tòa giả định được tổ chức trong trường học để tuyên truyền pháp luật một cách sinh động nhất đến với học sinh

Qua gần 10 năm thực hiện, cho thấy "Ngày Pháp luật" đã khẳng định ý nghĩa của nó trong đời sống chính trị - pháp lý nước ta.

Tổ chức "Ngày Pháp luật" là sự tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, theo đó, những giá trị và nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền đã được thừa nhận trên thế giới cũng như được thừa nhận và tôn trọng ở Việt Nam. Một trong những giá trị và nguyên tắc ấy là tinh thần "thượng tôn pháp luật". Pháp luật phải có vị trí cao nhất, là giá trị cao nhất, phản ánh những giá trị tốt đẹp nhất của xã hội và tự do, hạnh phúc của con người. Mọi người dân trong xã hội phải được biết, được nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, được sử dụng pháp luật và được pháp luật bảo vệ. Đồng thời mọi người dân cũng phải có nghĩa vụ đối với xã hội, nghĩa vụ đối với Nhà nước, trong đó nghĩa vụ tuân thủ pháp luật phải được đặt lên hàng đầu. Ngày Pháp luật là dịp để các tổ chức, cá nhân nhìn nhận lại hoạt động của mình trong xây dựng và thực hiện pháp luật.

Cá nhân soi lại bản thân đã có nhận thức đầy đủ về pháp luật và tuân thủ pháp luật một cách nghiêm chỉnh, tuyệt đối chưa? Cơ quan chức năng và công chức, cán bộ có thẩm quyền có dịp tập trung nhìn nhận lại và ghi nhận những phản hồi của xã hội về hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, về hệ thống pháp luật và sự phù hợp của pháp luật đối với xã hội. Từ đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải nâng cao nhận thức đúng đắn về pháp luật, xây dựng tình cảm, sự tôn trọng và ý thức tuân thủ pháp luật bằng những hành vi hợp pháp; lan tỏa, củng cố nguyên tắc "thượng tôn pháp luật", đưa pháp luật vào đời sống thực tế một cách hiệu quả. Chỉ khi có một hệ thống pháp luật đầy đủ, tiến bộ, thể hiện bản chất tốt đẹp của xã hội, của con người, có hiệu lực cao trong điều chỉnh xã hội và cả xã hội thượng tôn pháp luật, thì khi ấy chúng ta mới có thể có được một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Và, chỉ khi ấy con người mới có thể hạnh phúc.

"Ngày Pháp luật" không chỉ là mô hình hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, mà còn là ngày hội toàn dân tìm hiểu pháp luật, chung sức vì sự hoàn thiện và hiệu lực, hiệu quả của pháp luật. Vì thế, ngày này trở thành sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một sự kiện có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc. Ngày Pháp luật nhắc nhở mọi người về trách nhiệm đối với xã hội, về ý thức tuân thủ pháp luật của mỗi tổ chức, cá nhân để cùng chung tay xây dựng một nền pháp luật công bằng, dân chủ. Hy vọng và tin rằng, sự suy tôn, sự coi trọng Hiến pháp và pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật không chỉ có trong một "Ngày Pháp luật", mà là một nền văn hóa, là lẽ sống của tất cả mọi người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang