Y tế cơ sở không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu nguồn nhân lực

Thứ Hai, 08/11/2021 10:44

|

(CAO) Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhìn nhận y tế cơ sở không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu nguồn nhân lực, làm sao thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao để hoạt động cho tốt.

Cho ý kiến trong phiên thảo luận sáng nay (8/11), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) nhận định, đến thời điểm này, chúng ta đã cơ bản kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4.

Theo bà Hoa, trước đại dịch chưa từng có trong lịch sử, lần đầu tiên Tổng Bí thư đã 2 lần có Lời kêu gọi phòng chống dịch, lần đầu tiên chiến dịch tiêm chủng toàn quốc lớn nhất từ trước tới nay được thực hiện và cũng lần đầu tiên Quân đội có cuộc điều quân lớn chưa từng có từ sau chiến tranh đến nay để phục vụ công tác phòng chống dịch…

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu ý kiến thảo luận

Đại biểu của Nam Định đánh giá cao tính chủ động, linh hoạt, lắng nghe, trên tinh thần vì lợi ích của người dân và cũng rất quyết liệt, quyết tâm trong hành động của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, trong công tác phòng, chống dịch vẫn còn có điểm hạn chế.

Dẫn chứng, bà Hoa chỉ ra, dù Chính phủ đã có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải; kiên quyết không để ban hành giấy phép con; không để cát cứ, chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, vì quá lo lắng, có nơi đã đặt ra những yêu cầu cao hơn, vượt quá mức cần thiết gây ra nhiều khó khăn, tạo bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.

“Có nơi đặt ra những loại giấy tờ không phù hợp để đi qua các chốt kiểm soát, chưa tạo điều kiện cho người dân từ các TP lớn, khu công nghiệp được về quê tránh dịch…” – bà Hoa cho biết.

Lên tiếng từ “tâm dịch”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận xét, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 vừa qua, chúng ta đã hi sinh, mất mát quá nhiều khi có tới hơn 20.000 đồng bào thiệt mạng.

Theo đại biểu Lan, đó là chưa kể nhiều bệnh nhân chưa được chăm sóc tốt do Covid và gián tiếp ra đi vì Covid.

Từ kinh nghiệm của TPHCM, nữ đại biểu chỉ ra nguy cơ lớn nhất là chuyển sang trạng thái nặng và tử vong, vì thế để sống chung với dịch, chủ động linh hoạt trong việc khống chế tỉ lệ nhiễm, thì giảm ca gây nặng, giảm tử vong là những bài học xương máu và cần thiết.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) phát biểu tại điểm cầu TPHCM

“Cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, hiện chỉ có 30% ngân sách dành cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, không đáng kể gì đâu so với nhu cầu” - đại biểu Lan lưu ý, đồng thời đề nghị cần có chính sách xuyên suốt, chủ trương quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế để có chính sách cụ thể về xây dựng y tế cơ sở.

Vẫn theo đại biểu TPHCM, chưa có giai đoạn nào như giai đoạn vừa qua, Bộ y tế rất cực khổ, dù đã vào cuộc, nhưng nếu không giải quyết vấn đề căn cơ thì sẽ bị động.

“Y tế cơ sở không chỉ thiếu tiền mà còn thiếu nguồn nhân lực. Làm sao thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao để hoạt động cho tốt” – đại biểu đặt vấn đề. Nhìn vào hiện tại, bà Lan cho rằng, hiện nay chính sách chúng ta chắp vá, thay đổi liên tục, như từ trung tâm y tế quận, huyện chia làm ba phần bệnh viện, y tế dự phòng, phòng y tế…

“Đã yếu còn thiếu mà vẫn phải chia ra, dẫn tới bệnh viện chưa phải là bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng què quặt, phòng y tế chỉ làm công việc hành chính” – bà Lan phân tích.

Khi dịch bùng phát, đại biểu Lan phản ánh, ngay tại TPHCM, các trung tâm y tế dự phòng và bệnh viện quận, huyện thuộc sở y tế, nên sẽ rất khó khăn trong điều phối lực lượng. 

Cũng theo đại biểu Lan: “Chúng ta tập trung phòng chống COVID, trong khi các căn bệnh khác thì chưa thể. Mà các bệnh viện là các đơn vị sự nghiệp, nhưng chưa được chuẩn bị cơ sở về pháp lý, kiến thức cần thiết để đảm bảo cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và đặc biệt là cơ chế tài chính”.

Trong khi đó, lực lượng y tế tư nhân lại bị 'bỏ quên', chưa được huy động kịp thời và chưa có cơ chế tham gia vào phòng chống dịch cho đúng.

“Cái gì chúng ta cũng muốn bao cấp, theo giá nhà nước, nên y tế tư nhân không tham gia được. Vaccine cũng chưa cho phép dịch vụ, trong khi tôi cho rằng đây là hình thức để xã hội đóng góp” – bà Lan nêu quan điểm.

Cũng theo đại biểu Lan: “Ngành nào cũng có tích cực, tiêu cực, có nhiều con người cùng hành động, nhưng vì mục đích phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, các cán bộ quản lý có cơ hội, môi trường phát triển y đức” – đại biểu nói. 

Bình luận (0)

Lên đầu trang