Dịch bệnh Covid-19 vẫn còn là thách thức lâu dài

Thứ Hai, 08/11/2021 09:28

|

(CAO) Trong cuộc chiến này, đại biểu Quốc hội cho rằng cần quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị trong học hỏi và sự quả cảm trong thay đổi nhận thức - tư duy.

Phiên thảo luận toàn thể tại hội trường sáng nay (8/11) về tình hình kinh tế - xã hội, phòng chống dịch bệnh Covid-19 thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.

Theo đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), đến giữa năm 2021, trước sự xuất hiện của chủng Delta với độc tố và tốc độ lan truyền rất cao, đã có lúc, có nơi lúng túng trong ứng phó, và chịu tổn thất khá nặng nề, đặc biệt là ở TPHCM - trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của cả nước.

Đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) thảo luận tại Hội trường

Tuy nhiên, qua cuộc chiến với dịch bệnh, Việt Nam cho thấy những thế mạnh của mình, là bản lĩnh và quyết tâm vượt qua đại dịch với ý thức trách nhiệm cao với người dân, là sự đồng thuận của những người lãnh đạo cao nhất trong tìm ra phương kế chống dịch hiệu quả từ bài học quốc tế và kinh nghiệm thực tế.

“Việc Việt Nam huy động thần tốc được lượng vaccine rất lớn trong bối cảnh khan hiếm toàn cầu để nhanh chóng tiêm phủ cho các trọng điểm dịch là một thành quả đặc sắc” – ông Khải nhìn nhận.

Nhận định Nghị Quyết 128 ban hành ngày 11/10/2021 về thích ứng linh hoạt là một bước tiến rất quan trọng, đại biểu Nam chỉ ra 3 bài học rút ra từ hai năm chống chọi với đại dịch Covid-19.

Cụ thể, theo đại biểu, cuộc chiến với đại dịch Covid - 19 không phải là một quy trình chuẩn tắc mà là một hành trình đầy thách thức khắc nghiệt và khó lường, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt trong từng hành động, sự cầu thị trong học hỏi và sự quả cảm trong thay đổi nhận thức - tư duy.

Đối với việc cách ly xã hội, ông Khải lưu ý, phải làm sớm, nhanh, chặt nhưng cũng phải ở diện hẹp nhất. Công tác xét nghiệm phải triển khai khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nhưng phải là thần tốc. Công tác điều trị phải triển khai tích cực nhất, từ sớm nhất, từ cơ sở để giảm tử vong.

Bài học tiếp theo, đại biểu Khải nêu, cuộc chiến phòng, chống dịch Covid – 19 dù khắc nghiệt đến đâu và gây tổn thất đến mức nào, cũng sẽ không làm dân tộc Việt Nam bị tê liệt, chia rẽ, trái lại, nó còn làm chúng ta mạnh lên rất nhiều về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược.

Ông Khải cũng chỉ ra nhân dân sẽ luôn là lực lượng chủ đạo trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 nói riêng và ứng phó với mọi thách thức mà đất nước gặp phải trong tương lai.

Cảnh báo đại dịch Covid - 19 đã và đang tiếp tục là một thách thức, để phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu của Hà Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng công nhân lao động.

“Giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng theo tôi hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục” – đại biểu Khải phản ánh.

Nêu giải pháp cho vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, bao gồm không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn là việc kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động…

Qua đại dịch Covid -19, đại biểu Khải nhấn mạnh, vai trò của hệ thống an sinh xã hội là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế - xã hội rất quan trọng. Vì thế, ông Khải đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân.

“Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa để đảm bảo nhà ở cho người dân, đặc biệt là người di cư, người dân vùng chịu tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, đô thị và người có thu nhập thấp” – ông Khải yêu cầu.

Đồng thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường. Chúng ta nên mạnh dạn nâng trần nợ công, sử dụng ngân sách để tăng tiền an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động.

“Hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước” – ông Khải khuyến cáo.

Sau đợt họp trực tuyến trong 11 ngày (từ 20 - 30/11/2021), hôm nay (8/11), Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2 với phiên họp tập trung tại nhà Quốc hội, dự kiến kéo dài đến ngày 13/11/2021.

Tại đợt họp này, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Quốc hội cũng sẽ thảo luận toàn thể tại hội trường về báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương)…

Đặc biệt, tại đợt họp tập trung, Quốc hội dành 2,5 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ, gồm Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục – Đào tạo, Kế hoạch - Đầu tư. Theo thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng sẽ trực tiếp trả lời chất vấn và làm rõ thêm các vấn đề đề được cử tri, ĐBQH quan tâm.

Cũng tại đợt họp này, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số Luật và Nghị quyết quan trọng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang