ĐBQH đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương

Thứ Ba, 09/11/2021 23:00

|

(CAO) "Trong các quyết sách phục hồi, tái cơ cấu và phát triển kinh tế đất nước, tôi đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo”, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị.

Giải trình vào cuối phiên thảo luận chiều 9/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã làm rõ thêm về tỷ lệ điều tiết ngân sách của TPHCM và Đồng Nai.

Cụ thể, với TPHCM, Bộ trưởng Phớc cho biết, giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết là 18%, tổng chi ngân sách là 60.369 tỷ đồng, tức là bình quân 7,1 triệu/1 người.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Đến năm 2021 tổng chi là 69.092 tỷ đồng, tức bình quân 7,4 triệu/1 người. Đến năm 2022, theo ông Phớc, phương án đang xây dựng là 84.121 tỷ, bình quân 8,8 triệu/1 người.

Dư địa nợ công không còn nhiều

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định trước ý kiến cho rằng dư địa của nợ công còn lớn, cần tăng bội chi ngân sách.

Lý giải, ông Phớc cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 tổng vay của Chính phủ là 1.852.000 tỷ đồng, giai đoạn năm 2021-2025 đã biểu quyết dự kiến vay là 3.068.000 tỷ, tức là gấp 1,7 lần so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, nợ công của năm 2025 gấp 1,6 lần so với năm 2020, có nghĩa là nợ công đến năm 2025 theo đánh giá là khoảng 45,6% GDP nhưng là GDP mới. Còn nếu tính theo GDP cũ, ông Phớc chỉ ra, nợ công đã nằm ở mức 57,9%, tức là đã vượt ngưỡng 55%.

Trong khi đó, nợ Chính phủ giai đoạn 2021-2025 là 41,8% tính theo GDP cũ, còn theo GDP mới là 53,1%, nghĩa là cũng vượt ngưỡng 45%.

Đối với Đồng Nai, Bộ trưởng Tài chính thông tin, năm 2017 chi ngân sách 17.426 tỷ, tỷ lệ điều tiết là 47%. Đến năm 2021 là 19.721,6 tỷ, bình quân là 6,1 triệu/1 người. Phương án năm 2022 là 21.257,3 tỷ đồng, bình quân 6,5 triệu/1 người, chênh lệch cao hơn là 1.535,7 tỷ đối với mức chi.

“Đồng Nai có tiềm năng phát triển quỹ đất do hạ tầng tăng lên. Trong tỷ lệ điều tiết không tính tiền xổ số và không tính tiền đất” – Bộ trưởng Phớc cho biết.

Ngoài ra, ở Đồng Nai, Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với 109.000 tỷ đồng và một số hạ tầng do ngân sách Trung ương đã quyết trong kế hoạch đầu tư công là 11.200 ngàn tỷ đồng.

“Rất mong các tỉnh, thành phố giàu hết sức thông cảm, vì Trung ương còn đang lo cho 47 tỉnh nghèo” – ông Phớc chia sẻ trên diễn đàn Quốc hội.

Theo người đứng đầu ngành tài chính, hiện nay có những tỉnh nghèo, đoàn đại biểu Quốc hội chưa có xe ô tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 năm, các cơ sở hạ tầng rất kém, nhiều nơi chưa có trường, trạm...

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho một số địa phương

Nêu ý kiến thảo luận trước đó, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) phản ánh, “cơn bão Covid-19 bùng phát đã tạo ra những sóng gió, thử thách chưa từng có, làm đứt gãy các liên kết trong nền kinh tế, ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội, sức khỏe và tính mạng của nhân dân, đặc biệt ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

“Covid-19 xâm nhập sâu và diễn biến phức tạp tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn, nhất là TPHCM và một số tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An” – bà Hằng nhận định.

Ngoài thiệt hại kinh tế, các tỉnh, thành trên còn chịu tổn thương nặng nề về sức khỏe, tinh thần của người dân và thương hiệu địa phương.

Như người vừa trải qua cơn bạo bệnh, bà Hằng chỉ ra các địa phương này đang rất cần được hỗ trợ ưu tiên nguồn lực để vực dậy và dần phục hồi.

“Trong các quyết sách phục hồi, tái cơ cấu và phát triển kinh tế đất nước, tôi xin đề xuất Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM trong năm 2022 và các năm tiếp theo” – bà Hằng nêu kiến nghị.

Phân tích kỹ hơn, đại biểu Hằng cho biết, khi tỷ lệ điều tiết được nâng lên, các tỉnh, thành này sẽ có nguồn lực để phục hồi đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, y tế, cải thiện năng lực cạnh tranh, tăng sức chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và khó đoán định, đồng thời chủ động ứng phó với các tác động khác.

Mặt khác, quyết sách này cùng với việc triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ hiện có và các gói kích thích kinh tế ban hành, theo nữ đại biểu, sẽ giúp các địa bàn kinh tế trọng điểm phục hồi về kinh tế, tạo tác động lan tỏa và kéo theo tăng trưởng của vùng kinh tế động lực phía Nam cũng như của cả nước.

Tương tự, đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) cho rằng, việc xem xét nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thích hợp sẽ tạo cơ hội cho các địa phương này đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang