Mong những bất cập của ngành y được giải quyết sau đại dịch

Thứ Ba, 09/11/2021 13:16

|

(CAO) Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay.

Thảo luận tại phiên họp sáng nay (9/11), bác sỹ - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) đã chỉ ra những vướng mắc nội tại trong ngành y tế. Ông Hiếu mong muốn sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ, chính sách, những bất cập của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra.

“Khi cầm được tấm bằng khen, trong tôi luôn luôn có hai luồng tình cảm trái ngược, vui có nhưng buồn phần nhiều hơn, buồn vì biết bao nhiêu người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận, buồn vì biết rằng sau đó mọi chuyện có thể lại trở lại như cũ” – Giám đốc Bệnh viện Y Hà Nội chia sẻ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ cảm xúc tại phiên thảo luận sáng 9/11

Ông Hiếu day dứt khi những thiệt thòi của một ngành mà ai cũng ghi nhận lúc này nhưng hết dịch lại chẳng hề thay đổi. “Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý, điều khiến chúng ta hết sức đau lòng” – bác sỹ Hiếu nói.

Theo ông, lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng thay đổi lại khó vô cùng.

“Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý với các quy định lắt léo như hiện nay, vậy nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn” – đại biểu Hiếu đề nghị.

Dẫn chứng “quyết định rất đặc biệt” của lãnh đạo tỉnh Bình Dương khi bổ nhiệm mình làm Giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 đồng thời với việc bổ nhiệm một vị giám đốc khác để điều hành chuyên lo về trang thiết bị vật tư, ông Hiếu nhìn nhận: “Với mô hình mới đấy, bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách”.

Từ ví dụ trên, ông Hiếu nhấn mạnh, những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn hậu quả lớn hơn.

“Tôi tin chắc với những gì cán bộ, nhân viên y tế chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua, nếu chúng tôi được bảo đảm thu nhập để yên tâm công tác thì ngành y chúng tôi xin hứa sẽ không thua kém bất cứ những ngành y nào trong khu vực” – bác sỹ Hiếu khẳng định.

Cảm xúc của bác sỹ Hiếu trước đó cũng được đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhắc đến, khi bà cho rằng trong những sai phạm vừa qua của một số cá nhân ngành y, bên cạnh lỗi chủ quan của mỗi người thì còn có lỗi của chủ trương, của chính sách.

“Thực sự ngành nào cũng có những tích cực, tiêu cực, cũng có rất nhiều con người cùng hoạt động trong đó với các mục đích, mà ở đây vì mục đích phục vụ người bệnh. Thế thì chúng ta phải làm sao để tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, đặc biệt cho các cán bộ quản lý có cơ hội, có môi trường để phát triển về y đức” – đại biểu Phong Lan nêu quan điểm.

Trong bối cảnh có hàng vạn bác sĩ, nhân viên y tế không quản hy sinh gian khổ, đã và đang ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, việc không ít cán bộ quản lý ngành y tế, các cấp vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự đã khiến không ít người đau xót.

“Thật không có gì đau xót hơn khi mà pháp luật phải xử lý những người được coi là đội ngũ tinh hoa của đất nước” - đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) xót xa.

Việc nhiều người được coi là chuẩn mực, được xã hội nể trọng với những danh xưng cao quý là những người thầy mà vi phạm pháp luật, theo ông Long, là một hiện tượng rất đáng lo ngại, xét ở mọi góc độ, cả về pháp luật, đạo đức xã hội hay quản trị nhà nước.

Vì thế, theo đại biểu Long cần làm rõ rằng, ngoài những yếu tố chủ quan của từng cá nhân vi phạm thì có những nguyên nhân, điều kiện nào khác.

“Đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế hiện nay để đề ra các giải pháp” – ông Long đề nghị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang