Đại biểu lo “bệnh sợ trách nhiệm” đang âm thầm lây lan

Thứ Ba, 09/11/2021 16:55

|

(CAO) Có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Tham gia thảo luận chiều nay (9/11), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) chuyển tải thắc mắc của cử tri vì sao Chính phủ không quyết liệt trong phòng chống dịch trước dịp lễ 30-4?

Tương tự, việc một lượng lớn những người dân từ các tỉnh, thành phía Nam tự phát dùng phương tiện xe cá nhân, thậm chí đi bộ để về quê trong khi hệ thống phương tiện giao thông công cộng “đắp chiếu”, theo đại biểu Hoa, cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp)

“Giá như chúng ta nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân sớm hơn và giá như sự chia sẻ thông tin, hợp tác giữa các địa phương - nơi người dân ra đi và nơi người dân trở về - được chặt chẽ hơn thì chắc chắn việc tổ chức đón dân trở về được an toàn và chủ động hơn” – đại biểu Hoa nói.

Nhìn vào những hạn chế, bất cập đó, đại biểu của Đồng Tháp chỉ ra còn nhiều lỗ hổng trong công tác điều hành, quản lý.

“Nguyên nhân của sự chậm trễ đó có thể do khâu dự báo thiếu chính xác về thông tin, dữ liệu hoặc sự chủ quan trong đánh giá tình hình. Cũng có thể do thái độ làm việc chưa công tâm, mượn quy trình để né tránh trách nhiệm như câu chuyện mà một đại biểu TPHCM đã nêu” – đại biểu Hoa đánh giá.

Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ phân tích kỹ những bài học về công tác quản lý, điều hành.

“Thiết nghĩ, cùng với vaccine phòng chống Covid-19, Chính phủ cần có thêm một loại vaccine khác để chống bệnh trì trệ, né tránh trách nhiệm, cục bộ” – bà Hoa nói và nhấn mạnh đó chính là cách để chúng ta tích cực cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của một Chính phủ liêm chính, hành động, Chính phủ vì dân.

Chung nỗi lo lắng, đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) phản ánh một “dịch bệnh” đang “âm thầm lây lan” trong đội ngũ cán bộ các cấp và len lỏi trong mỗi người, là “bệnh sợ trách nhiệm”.

"Vì nguyên nhân gì mà nhiều cán bộ trong đó có cả người đứng đầu các đơn vị lại sợ trách nhiệm?” – đại biểu Công nêu câu hỏi.

Đại biểu Hoàng Anh Công (Thái Nguyên) 

Theo ông, có những người khi thực thi nhiệm vụ, dù biết là đúng căn cứ, đúng quy định pháp luật nhưng vẫn sợ và không dám quyết định các vấn đề, chỉ vì để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Trả lời câu hỏi trên, ông Công chỉ ra, nỗi lo sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật đã trở thành nỗi sợ phổ biến trong cán bộ, công chức.

“Trong đợt phòng chống dịch vừa qua, có tình trạng nhiều địa phương sợ mua sắm máy móc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ bị sợ bị kỷ luật, xử lý hành chính” – ông Sơn nhìn nhận.

Ngay cả khi Chính phủ đã ban hành quy định về thích ứng an toàn, nhưng theo ông Công, có địa phương vẫn áp dụng biện pháp ngăn sông cấm chợ, áp dụng biện pháp kỹ thuật ngăn chặn, hạn chế giao thương, giao lưu hàng hóa, nhằm tránh phát sinh F0, bởi sợ rằng nếu để dịch bệnh bùng phát thì ảnh hưởng đến công tác và có thể bị phê bình, kỷ luật.

Chưa hết, ông Công cho rằng, lĩnh vực đầu tư công cũng bị ảnh hưởng lớn bởi căn bệnh này. “Đa số công trình trọng điểm đều chậm tiến độ, đội vốn. Tốc độ giải ngân tại các địa phương, bộ ngành rất thấp dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khắc phục” – ông Công bình luận.

Phân tích nguyên nhân “gây bệnh”, đại biểu của Thái Nguyên cho nguyên nhân chính là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định của pháp luật đã đẩy cán bộ, công chức thực thi công vụ vào tâm trạng lo lắng, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám quyết định.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, đại biểu Công chỉ ra, qua rà soát tại 36 tỉnh, thành cho thấy có các quy định pháp luật hiện hành chưa phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho đầu tư sản xuất kinh doanh liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 153 thông tư...

"Hệ quả của sự bất cập nêu trên dẫn đến tình trạng hạn chế sự sáng tạo của lao động công chức" - ông Công nói.

Nêu tác động tiêu cực của “bệnh sợ trách nhiệm”, đại biểu Công cảnh báo, có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động, không vì lợi ích chung, dĩ hòa vi quý, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám đấu tranh, vô cảm với nhân dân. Còn người năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám đấu tranh đôi khi lại bị xử lý.

Đánh giá cao quy định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung đã được Bộ Chính trị ban hành, song theo đại biểu Công, để sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống, cần phải thể chế hóa bằng các quy định pháp luật.

"Nếu không luật hóa thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm mà có thể dẫn đến trù dập, oan sai” – ông Công lưu ý và đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát các văn bản pháp luật đề xuất sửa đổi, khắc phục mâu thuẫn chồng chéo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang