Lên “ghế nóng” trong phiên họp chiều nay (10/11) sau Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ trả lời công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19.
Giải pháp ứng phó tác động của đại dịch đến lao động, việc làm; kiểm soát hoạt động cứu trợ, thiện nguyện… cũng là những vấn đề được đặt ra cho người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội
Trước phiên trả lời chất vấn, ông Đào Ngọc Dung đã có báo cáo gửi tới Quốc hội báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV.
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Dung đã thông tin đến các đại biểu tình hình thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông cho biết, theo báo cáo của Sở Lao động, thương binh và xã hội của 63 tỉnh, thành phố, đến ngày 7/11/2021, tổng kinh phí phê duyệt thực hiện Nghị quyết 68, Quyết định 23 toàn quốc là 26,39 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 26,98 triệu lượt đối tượng (gồm 377.225 lượt đơn vị sử dụng lao động, 26,6 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác).
Cụ thể, tổng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ bằng tiền là 20,28 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ 15,01 triệu đối tượng (trong đó 89,4% số đối tượng và 90,5% tổng kinh phí được hỗ trợ tại 23 tỉnh, thành phố miền Nam ).
720.260 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tại 60/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ với tổng số tiền 2.254 tỷ đồng.
251.480 người lao động ngừng việc tại 55/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ 321,3 tỷ đồng.
1.375 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại 45/63 tỉnh, thành phố được hỗ trợ 5,28 tỷ đồng. 685.210 đối tượng F0, F1 đã được hỗ trợ tiền ăn với tổng kinh phí 358 tỷ đồng và 23.130 trẻ em là đối tượng F0, F1 được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/trẻ em.
Ngoài ra, 7.080 người lao động mang thai và 151.640 trẻ em dưới 6 tuổi là con của người lao động cũng đã nhận được hỗ trợ bổ sung với mức 1 triệu đồng/người…
Tuy nhiên, chỉ ra hạn chế khi thực hiện các chính sách trên, ông Dung phản ánh, một bộ phận người dân, người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chưa được hưởng hoặc chậm được thụ hưởng.
“Nhìn chung, mức hỗ trợ còn thấp. Một số chính sách có tỷ lệ đạt thấp, như chính sách đối với đối tượng là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, chính sách cho người sử dụng lao động vay tiền để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất đạt thấp so với dự tính ban đầu” – ông Dung thừa nhận.
Trong khi đó, việc triển khai thực hiện công tác xác lập hồ sơ, công tác hỗ trợ tại một số địa phương, theo ông Dung, vẫn còn chậm.
“Một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí, sợ sai, sợ trách nhiệm nên chậm hoặc chưa hỗ trợ đối tượng; cá biệt có nơi vẫn còn tình trạng lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi, bị xem xét, xử lý theo quy định pháp luật” – ông Dung nêu nguyên nhân.
Đề cập đến kết quả triển khai Nghị quyết 116/NQ-CP, ông Dung thông tin, hiện đã thực hiện với tổng kinh phí là 38.000 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ người lao động là 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động khoảng 8.000 tỷ đồng.
Đến ngày 7/11/2021, đã giải quyết hưởng hỗ trợ cho trên 9,41 triệu lao động thuộc đối tượng đang tham gia BHTN và trên 654.600 người đã dừng tham gia (bằng 87,43% số đề nghị hưởng) với tổng số tiền hỗ trợ là hơn 23.965 tỷ đồng.
“Đây là chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong phòng, chống dịch, qua triển khai nhận được sự quan tâm, ủng hộ lớn của đối tượng và dư luận xã hội” – ông Dung nhận định.
Vẫn theo Bộ trưởng, hiện việc hỗ trợ đang được tiến hành khẩn trương. Tuy nhiên, còn một số lượng nhỏ đơn vị đang rà soát danh sách lao động thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ do khó khăn trong việc xác định các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.