Nới bội chi ngân sách 1% vẫn kiểm soát được

Thứ Năm, 11/11/2021 16:41

|

(CAO) Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nói như vậy khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều nay (11/11) liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.

Chất vấn Bộ trưởng Dũng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu, trong các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này, chỉ tiêu tốc độ tăng GDP đạt 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP khoảng 4%.

“Khi xây dựng những chỉ tiêu này, Bộ trưởng đã dự báo hết nguy cơ gia tăng tỷ lệ lạm phát chưa, nhất là những hậu quả nặng nề do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư gây ra” – đại biểu Sơn nêu câu hỏi.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương)

Ông Sơn cũng yêu cầu Bộ trưởng Dũng cho biết trong tỷ lệ bội chi nêu trên đã bao gồm những gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới chưa?

Khẳng định tất cả những chỉ tiêu đưa ra Bộ đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, các chỉ tiêu này có tính đến khả năng kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV/2021, cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế.

“Khi chúng ta mở cửa trở lại, các khu vực xuất khẩu, dịch vụ đầu tư sẽ có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng và lạm phát được kiểm soát” – ông Dũng dự tính.

Về câu hỏi chương trình đầu tư công có làm tăng thêm bội chi và chương trình phục hồi này đã tính bội chi này chưa, Bộ trưởng thông tin chưa tính vào, nhưng nếu được Quốc hội thông qua, theo tính toán của Bộ KH-ĐT, sẽ làm tăng thêm bội chi khoảng 1% và điều đó có thể kiểm soát được.

"Khi kinh tế phát triển, quy mô của nền kinh tế tăng lên, GDP tăng lên thì chúng ta giải quyết được rất nhiều mục tiêu, vừa phát triển được kinh tế, vừa giải quyết được việc làm, vừa tận dụng cơ hộị. Nhưng GDP lớn lên thì các chỉ số về nợ công và bội chi sẽ giảm đi và cũng không có tác động lớn đến những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của chúng ta” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Đề cập đến kinh nghiệm thực hiện các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế theo yêu cầu của đại biểu Ma Thị Thuý (Tuyên Quang) về các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, nhiều nước có những quyết sách rất nhanh với 2 đặc điểm chính. Thứ nhất, các nước có những gói hỗ trợ quy mô rất lớn, chưa có tiền lệ và bất chấp những kỷ luật về tài chính.

Thứ hai, các nước chấp nhận tăng trần nợ công, nợ Chính phủ và bội chi ngân sách.

Bộ trưởng KH-ĐT trả lời chất vấn chiều 11/11

Theo tư lệnh ngành KH-ĐT, các nước thống nhất và quyết định rất nhanh, thực hiện ngay, do đó, ngay sau khi phủ vaccine, cùng với các gói hỗ trợ, các nước này đã phục hồi nhanh về kinh tế.

Liên quan đến chính sách tài khóa, Bộ trưởng Dũng bình luận, các quốc gia đều tăng cho chi tiêu y tế, phòng chống dịch.

Hoạt động trợ giúp xã hội, hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp được thực hiện qua nhiều phương thức, như cấp phát bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, chi trả những chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, miễn giảm thuế, phí cho doanh nghiệp trong một số lĩnh vực bị ảnh hưởng…

“Các quốc gia cũng tăng mạnh đầu tư cho hạ tầng” - Bộ trưởng phản ánh và lấy ví dụ Mỹ đã chi 1.200 tỷ USD đầu tư cho hạ tầng, kích thích tăng trưởng cho dài hạn.

Với chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, Bộ trưởng cho biết Chính phủ trình Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay.

Quan điểm thiết kế chương trình, theo Bộ trưởng, phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.

Vẫn theo Bộ trưởng, chương trình phải tập trung vào những chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ đồng thời phải tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa…

Theo Bộ trưởng, chương trình dự kiến sẽ kéo dài 2 năm (2022 – 2023). Việc phục hồi phải trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128.

Bình luận (0)

Lên đầu trang