Ông Nguyễn Chí Dũng là Bộ trưởng cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này. Trước phiên trả lời chất vấn vào chiều nay (11/11), Bộ trưởng Dũng đã có văn bản gửi tới Quốc hội báo cáo về một số vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH-ĐT.
Bộ trưởng Dũng cho biết, 9 tháng đầu năm 2021 đã có 90.291 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020. Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại trong thời gian này là 12.802 doanh nghiệp, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng
12/17 ngành kinh doanh có số lượng doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại tăng, trong đó có các ngành khai khoáng; sản xuất phân phối, điện, nước, gas và nông nghiệp, lâm nghiệp; thuỷ sản có tỷ lệ tăng lần lượt là 115,4%; 82,4% và 36,8%.
Khẳng định Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành kịp thời nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, song Bộ trưởng Dũng nhận định, quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho người dân, doanh nghiệp.
Các chính sách này, ông Dũng chỉ ra, cũng chưa đưa ra giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực để thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.
“Cần sớm ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh Covid-19 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, bắt kịp xu thế phục hồi và phát triển của thế giới” – ông Dũng nhấn mạnh.
Còn về phía Bộ KH-ĐT, theo ông Dũng, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp.
Trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm của mình, Bộ KH-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bộ cũng khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…
Đặc biệt, Bộ đang đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức từ 10-30%. Đề nghị Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu dự thảo quy định về trường hợp bất khả kháng đối các dự án, công trình chịu tác động trực tiếp các biện pháp chống dịch Covid-19, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung về hợp đồng xây dựng, làm cơ sở điều chỉnh thời gian thực hiện theo Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
Với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ đề nghị sớm hoàn thành các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 105/NQ-CP về giảm miễn nộp đoàn phí công đoàn cho đoàn viên tại doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được giảm đóng kinh phí công đoàn trong năm 2021 và 2022 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đề cập đến giải pháp phòng chống dịch ở địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương xây dựng và công bố kế hoạch phòng chống dịch và phục hồi kinh tế/kế hoạch mở cửa.
Theo quan điểm của ông Dũng, quá trình xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương thống nhất với doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc đóng cửa toàn nhà máy.
Tăng cường đối thoại giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và đánh giá thực chất quá trình xử lý các kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp cũng là yêu cầu được Bộ trưởng Dũng đặt ra.
Các nội dung chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng trong phiên chất vấn sẽ bao gồm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ông Dũng còn được yêu cầu trả lời về công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia; tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.
"Chia lửa" với Bộ trưởng Dũng có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.