Đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong phiên họp sáng nay (11/11), Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhận được phản ánh từ đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) về tình trạng dạy thêm - học thêm.
Theo đại biểu Thái, việc này dù bị ngành nghiêm cấm, nhưng ngay cả trong dịch bệnh thì học thêm - dạy thêm vẫn diễn ra.
Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu)
Nêu quan điểm theo yêu cầu của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, bình thường, việc dạy thêm học thêm đã cần phải ngăn chặn, khi học trực tuyến, học sinh căng thẳng hơn nên việc dạy thêm giờ cần lên án.
“Thông tư số 09 ngày 30/3 do Bộ ban hành quy định dạy và học trực tuyến đã quy định số giờ được dạy cho các cấp, các lớp” – Bộ trưởng Sơn cho biết. Vì thế, ông đề nghị các Sở Giáo dục Đào tạo, các địa phương kiểm tra, thanh tra việc học trực tuyến.
"Chúng tôi cũng sẽ tăng cường thanh kiểm tra để ngăn chặn việc này" - Bộ trưởng Sơn cam kết.
Trước đề nghị chỉ ra bài học cho ngành giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long), người đứng đầu Bộ GDĐT nói vui: “Chúng ta test để tìm virus, nhưng virus cũng test lại cả hệ thống của chúng ta".
Nhận định thời gian qua Bộ đã hết sức cố gắng, tận tình, trách nhiệm, nhưng qua dịch bệnh, Bộ trưởng Sơn thừa nhận, có một số điều chắc chắn phải điều chỉnh.
Cụ thể, về thể chế, Bộ trưởng Sơn nói, khi áp dụng, vận hành ứng phó, nhiều văn bản, chính sách bộc lộ khiếm khuyết.
“Bình thường, những vấn đề này có thể vẫn tồn tại nhưng chưa đến mức gay gắt. Giai đoạn dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng lớn hơn” – ông Sơn bình luận.
Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng cho rằng Bộ đã làm tốt việc ban hành văn bản, nhưng cần hoàn thiện hơn nữa khả năng ứng phó với trạng thái khẩn cấp bằng nghiệp vụ, hiểu biết, tinh thần của ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 11/11
"Dịch bệnh cho thấy kỹ năng của đội ngũ quản lý, kỹ năng của nhà giáo, kỹ năng của học sinh, đặc biệt là vấn đề tự học, phải tăng cường rất nhiều" - Bộ trưởng nhận định.
Liên quan đến việc học trực tuyến hiện nay, đại biểu Trần Văn Tuấn (Bắc Giang) đánh giá, việc này khiến cho giáo dục kỹ năng cho học sinh bị xem nhẹ. Trong khi đó, với yêu cầu đổi mới, ông Tuấn lưu ý, ngành giáo dục cần chuyển biến mạnh mẽ trong việc rèn luyện kỹ năng, giao tiếp và xử lý tình huống.
Không phủ nhận thực tế này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chỉ ra trong giáo dục phổ thông với yêu cầu đổi mới, các yêu cầu về năng lực và kỹ năng rất quan trọng, cần tăng cường.
“Thời gian qua, việc dạy và học trực tuyến ảnh hưởng các kỹ năng, đặc biệt là những kỹ năng hình thành qua tương tác trực quan” – Bộ trưởng phản ánh.
Theo ông, tới đây, khi học sinh quay lại trường sẽ cần tăng cường, củng cố, trang bị kỹ năng cho các em. Ông cũng cho rằng trong điều kiện dịch bệnh kéo dài cần giải pháp tổng thể, bài giảng truyền hình sẽ đổi mới…
Phát biểu trước phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết gần 2 năm qua, đại dịch tàn phá tất cả lĩnh vực của đời sống, trong đó giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề.
“Năm học đứt đoạn, gần 20 triệu học sinh, sinh viên không đến trường, trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng đến việc cung cấp nguồn nhân lực’ – ông Sơn thông tin.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc học tập trực tuyến, học qua truyền hình trong điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, gây ra hệ lụy và ảnh hưởng tiêu cực. Học sinh căng thẳng mệt mỏi; thầy cô mệt nhọc, áp lực; phụ huynh bức xúc, xã hội lo lắng. “Những chuyện bi hài và cả những chuyện đau lòng đã diễn ra” – Bộ trưởng Sơn nói.
Ông Sơn cũng chia sẻ, toàn ngành giáo dục đã chủ động chuyển trạng thái sang dạy và học ứng phó với dịch bệnh, cố gắng hạn chế những tác động tiêu cực của dịch bệnh với giáo dục, kiên trì theo đuổi mục tiêu thay đổi chất lượng.