Chính phủ đang nghiên cứu giải quyết căn cơ hạ tầng khu vực ĐBSCL

Thứ Sáu, 12/11/2021 12:39

|

(CAO) "Quyết sách căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Muốn làm được thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận.

Phản ánh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở khu vực ĐBSCL, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, 13 tỉnh, thành phố nơi đây đang chịu áp lực lớn về khả năng thu dung, điều trị, an sinh xã hội, nhất là sau làn sóng người lao động di chuyển về quê từ TPHCM và các tỉnh lân cận.

"Giải pháp cũng như các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là gì” – bà Thanh nêu câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề nghị Thủ tướng cho biết chính sách phát triển vùng và liên vùng thế nào để phát huy thế mạnh của vùng, để người dân an cư lạc nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long)

Cho rằng dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong kinh tế thị trường, song theo Thủ tướng, điểm “không bình thường” thời gian qua là quản lý Nhà nước còn sơ hở, nên khi người lao động dịch chuyển đã gây áp lực cho các địa phương.

"Áp lực này cần giải quyết" - Thủ tướng khẳng định. Theo ông, điều đầu tiên là trung ương và địa phương phải phối hợp, xem xét lại năng lực y tế. Chính phủ, Bộ Y tế và các Bộ ngành liên quan như bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực y tế cho các tỉnh này.

Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường cung cấp vaccine cho các tỉnh ĐBSCL. Ông nhìn nhận, thời gian qua, do vaccine còn ít nên phải ưu tiên các lực lượng tuyến đầu, các địa bàn có dịch phức tạp.

“ĐBSCL chưa được ưu tiên nhiều, khi TPHCM, các tỉnh miền Đông cơ bản khống chế dịch bệnh thì vaccine đã được chuyển cho khu vực này” – Thủ tướng cho biết.

Điểm thứ 3 mà Thủ tướng đề cập đến là vấn đề an sinh xã hội. Vừa qua, Chính phủ đã có các chính sách giúp các tỉnh giải quyết khó khăn.

Thủ tướng cũng khẳng định vai trò hỗ trợ của các thành phần kinh tế khác để giảm áp lực cho ĐBSCL. "Quyết sách căn cơ là tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Muốn làm được thì phải giải quyết nút thắt về hạ tầng" – Thủ tướng nhận định.

“Nút thắt” hạ tầng mà Thủ tướng đề cập đến bao gồm giao thông đường bộ, trong đó có đường cao tốc, giao thông thủy nội địa; chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục.

Theo đánh giá mới nhất, ĐBSCL không chỉ bị nước biển dâng cao mà còn bị sụt lún, nên theo Thủ tướng, chỉ khắc phục được những vấn đề này thì mới ổn định.

Ông cho biết thêm, vừa qua Chính phủ có Nghị quyết 120 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

"Chính phủ đang suy nghĩ cơ chế để xin ý kiến cấp có thẩm quyền, phát triển căn cơ hạ tầng cho đồng bằng sông Cửu Long. Từ đó mới có doanh nghiệp về đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Khi người dân có công ăn việc làm thì yên tâm ở quê" – Thủ tướng thông tin.

Trước đó, trả lời đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) về giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng nói chung, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích: Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng, mềm; hạ tầng kinh tế xã hội, y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu...

Để phát triển hạ tầng, theo Thủ tướng, phải tổng kết, rà soát, xem quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước thời gian qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Từ đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch để phát triển hạ tầng phù hợp.

“Quy hoạch này phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, gắn với chủ trương Đại hội XIII” – Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ nêu 5 giải pháp phát triển hạ tầng thời gian tới. Cụ thể, phải hoàn thiện thể chế, quy định về phát triển hạ tầng, giải quyết vướng mắc, bổ sung để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện phát triển.

"Cái gì thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương thì địa phương lo, cái gì thuộc Chính phủ thì Chính phủ lo, cái nào vượt thẩm quyền thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền để ban hành đầy đủ và từng bước hoàn thiện thể chế" - Thủ tướng nhận định.

Phân tích lý do giải ngân vốn đầu tư công chậm, Thủ tướng chỉ ra có nguyên nhân của cả trung ương và địa phương.

"Nguyên nhân chính là do con người, nên phải tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng" - Thủ tướng nói.

Về nguồn vốn, theo Thủ tướng, cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng, gồm cả nguồn lực nhà nước và tư nhân, trong đó lấy nguồn lực nhà nước làm vốn “mồi” dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư hạ tầng.

Vẫn theo Thủ tướng, phải có công nghệ để phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tính đến việc quản trị trong phát triển hạ tầng, đảm bảo không lãng phí, chống tiêu cực, công khai, minh bạch.

Bình luận (0)

Lên đầu trang