Ngã 4 Bảy Hiền
ngày 24/3/1975, Quảng Ngãi và Quảng Nam đã trở thành vùng giải phóng. Âm thanh "ùng oàng" của đạn pháo 105mn, tiếng nổ từng tràng của AR 16, AK 47 đã lắng hẳn xuống, nên đêm xuống trở nên tĩnh mịch. Ngôi nhà của mẹ Tửu đã bắt đầu được một số người dân biết đến là nơi có hầm bí mật. Vùng đất này đào hầm rất nhanh và việc tìm ra những căn hầm không phải là điều dễ dàng. Bởi, lũy tre ven sông ken dày như thành lũy. Chỉ cần nắp hầm đậy xuống, khỏa lá tre khô trên mặt là xóa được dấu vết.
"Không biết khi nào thằng con trai của mình trở về? Không biết nó còn sống hay đã hy sinh!", mẹ Tửu vẫn tự đặt câu hỏi, sau đó chia sẻ với anh em, bà con. Thời điểm này, có nhiều người tập kết ra miền Bắc năm 1954 và bắt đầu trở về tìm lại người thân, rồi bàn tính việc đoàn tụ với vợ, con, gia đình. Còn người con trai của bà thì vẫn biền biệt, không một lời nhắn nhủ.
Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Kiếm hồi tưởng: Lúc người mẹ già trông ngóng ở nhà thì ông đang theo đại đoàn quân tiến về Sài Gòn. Các cánh quân thuộc Quân đoàn 4, Quân đoàn 3, Quân đoàn 2, Quân đoàn 1 cùng với Đoàn 232 và Sư đoàn 8 đồng loạt vây bọc, phá vỡ các phòng tuyến để tiến vào Sài Gòn theo 5 hướng. Ông Kiếm thuộc lực lượng trinh sát Quân đoàn 1, có mặt trên xe tăng và luôn đi mũi đầu. Ngã 4 Bảy Hiền là nơi ông suýt nằm lại vì gặp phải những ổ kháng cự cuối cùng. Súng từ các cửa sổ tầng cao bắn xuống. Nhưng sau đó, những tràng súng này im dần khi có tin Dinh Độc Lập đã tràn ngập quân giải phóng.
Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Kiếm luôn nhắc chuyện cả đời binh nghiệp xa nhà, khi trở về thì người mẹ đã qua đời. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
"Dinh Độc Lập nằm ở hướng nào?", ông Kiếm và nhiều người lính loay hoay tại ngã 4 Bảy Hiền và tìm mãi mới gặp được 1 người đàn ông để hỏi đường, vì người giao liên dẫn đường đã hy sinh. Người đàn ông này không nói, chỉ ra hiệu là "các ông sắp đến nơi, đi theo ngã rẽ này". Lúc được chỉ đường thì đã quá chiều ngày 30/4/1975. Thời điểm đó, lính của Quân đoàn 2 đã tiến vào Dinh Độc Lập cắm cờ.
Giờ phút đó, nỗi nhớ mẹ thoáng qua trong đầu người lính trẻ. Trên đường hành quân từ miền Bắc vào Nam, người lính trẻ dự tính sẽ xin phép cấp trên chạy thật nhanh về nhà thăm mẹ vài phút rồi lại đuổi theo đoàn quân. Nhưng khi đến Quảng Trị thì Quân đoàn 1 lại rẽ ngoặt lên đường Tây Trường Sơn, đi vòng sang đường phía bên Lào, bật xuống phía Nam.
10 năm thờ 2 cha con!
lúc tiến đánh Sài Gòn, trong đầu người lính trinh sát và nhiều người luôn đặt câu hỏi "liệu Mỹ có quay trở lại hay không?". Vì thời điểm đó, các cánh quân chủ lực đã bị kéo dãn và trải dài khắp miền Trung, miền Nam nên rất dễ bị tổn thương. Nếu cuộc chiến lại kéo dài thì không biết bao giờ mới có thể được về thăm mẹ già. Bao suy nghĩ lúc ấy cứ băn khoăn, tràn ngập trong đầu người lính trinh sát - Thượng úy Kiếm - lúc đi trên các con đường Calmette, Alexandre de Rhodes, bến Bạch Đằng.
Trước ngày giải phóng, người mẹ già hàng đêm ngóng ra bờ sông trông mong tin tức con từ những cánh thiệp được gởi qua vĩ tuyến 17. Cũng trong thời gian đó, tại tỉnh Ninh Bình, người con trai của bà đã được biên chế vào Quân đoàn 1, là đơn vị sẽ được tung vào miền Nam khi cơ hội chín muồi. Quân đoàn bao gồm các Sư đoàn 320, 312, 308, Lữ đoàn pháo binh hỗn hợp 45, pháo mặt đất, Lữ đoàn 367 pháo phòng không, cao xạ, Lữ đoàn 202 xe tăng, thiết giáp, Trung đoàn thông tin 140, Lữ đoàn công binh 299.
Ông Nguyễn Kiếm nhớ lại, nhiều lúc nhớ mẹ, mong ngày thống nhất đất nước để được về thăm nhà. Nhưng việc luyện tập dày đặc đã làm cho niềm nhớ đó chỉ hiện ra vào những đêm yên tĩnh. Công tác huấn luyện diễn ra liên tục ở các đơn vị, rồi diễn tập tấn công cấp chiến dịch cho đến ngày nhận lệnh tiến quân vào miền Nam, chỉ giữ lại Sư đoàn 308 để bảo vệ miền Bắc.
Ông Kiếm và đồng đội có mặt tại Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975
Ở quê, người mẹ của ông đặt bàn thờ cúng con. Nhưng linh cảm của một người mẹ khiến bà vẫn le lói một niềm hy vọng. Ngày Thượng úy Kiếm ngồi trên một chiếc xe Hồng Hà, nằm trong đội hình khoảng 1.000 xe tải đang đi vào Nam, đó là ngày người mẹ già vẫn tiếp tục hương khói cho 2 cha con, nhưng trong lòng vẫn nuôi niềm hy vọng.
Nhiều năm trước, có người báo tin con trai bà Trà đã hy sinh trên đường Trường Sơn, vì vậy bà đã lập bàn thờ và cúng chung với ngày của người chồng. Bàn thờ luôn đặt 2 bát cơm dưới ánh đèn leo lét. Thỉnh thoảng, ngọn đèn chao nhẹ trước làn gió từ sông Trà Khúc lùa qua vách lá. Những đêm mưa gió, ngôi nhà tranh trở nên xiêu vẹo trước cơn gió lùa, mẹ lại thức trắng để thắp hương trên bàn thờ và mong ngày giải phóng, hy vọng người con trai còn sống để trở về đoàn tụ.
Phút vỡ òa
sáng ngày 15/5/1975, sau lễ duyệt binh tại Sài Gòn mừng đất nước thống nhất, Thượng úy Kiếm và nhiều cánh tay trong đơn vị giơ lên ý kiến "xin phép thủ trưởng cho chúng em về thăm gia đình, vì đã nhiều năm bặt tin tức". Mỗi quân nhân về thăm quê được phát số tiền 8.000 đồng.
Quân đoàn 1 được rút khẩn cấp ra miền Bắc để sẵn sàng án ngữ biên giới phía Bắc. Một đội xe chở anh em miền Nam tỏa về các địa phương và đi dọc các tỉnh miền Trung đến Quảng Trị. Tiêu chuẩn mỗi người được thăm nhà chỉ 1 ngày, sau đó xe vào đón đưa ra miền Bắc. Thượng úy Kiếm rời gia đình từ năm 1961, giờ được về thăm mẹ, anh phân vân mãi, không biết nên mua món quà gì để tặng mẹ!
Khi người lính trở về quê, bước vào sân nhà, thì người mẹ cũng đã 70 tuổi với chiếc lưng còng, đôi mắt mờ, đôi tay run run. Bà nhào ra ôm ngang lưng người con trai và chỉ vào bàn thờ: "Cha con đã qua đời, bao nhiêu năm nay mẹ tưởng con đã hy sinh luôn rồi". Bà gạt nước mắt và hỏi tiếp con trai có vợ chưa, khi nào thì dẫn về giới thiệu cho mẹ biết... vì con còn nhiệm vụ thì sẽ phải tiếp tục lên đường. Mừng người con trai trở về, bà gọi người làm thịt ngay 1 con lợn 30kg, đặt bàn ra giữa sân và làm mâm cơm cúng để báo với người đã khuất về việc con trai vẫn còn sống.
Ngày hòa bình, nhưng người lính trẻ lại phải đi xa hơn cả thời chiến tranh. Năm 1979, Thượng úy Kiếm được điều về lực lượng Hải quân, vào tận tỉnh Kiên Giang để trấn giữ các đảo, sau đó luân chuyển ra Hải Phòng, rồi sang chiến trường Campuchia. Thời gian đó, người vợ của ông từ tỉnh Hòa Bình vào Quảng Ngãi vừa xin việc làm, vừa thay ông chăm sóc cho người mẹ già sống những năm cuối đời.
"Hơn 10 năm sau giải phóng nhưng vẫn phải công tác ở những nơi xa xôi, đánh nhau với Pôn Pốt, không được gần gũi để chăm sóc mẹ, tới khi xin về nghỉ sớm thì mẹ đã qua đời" - Đại tá cựu chiến binh Nguyễn Kiếm thoáng nhìn về phía xa, hồi tưởng, rồi bất chợt thở dài.
Sau năm 1975, ông Kiếm trải qua nhiều cương vị khác nhau trong lực lượng Hải quân, như: Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Hải quân đánh bộ. Năm 1986, khi ông được chuyển về nơi gần nhất là Đà Nẵng và mang quân hàm đại tá thì mẹ của ông vừa qua đời. Năm 1989, Đại tá Kiếm xin nghỉ hưu ở tuổi 48, sau đó làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sơn Tịnh 3 nhiệm kỳ.