Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ…

Chủ Nhật, 05/05/2024 11:30

|

(CATP) "Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!... Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát". Đó là một đoạn trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" của nhà thơ Tố Hữu. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), câu chuyện về hậu cần cũng được nhắc đến trong cuốn sách của 2 nhà sử học người Pháp. Đại tá Berteil, Cục phó Cục Tác chiến của quân đội Pháp tại Sài Gòn lúc đó đưa ra phân tích, Việt Minh phải có trên 2.000 xe tải thì mới bảo đảm được công tác hậu cần cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Hạt gạo nhân 4?

Chiến trường Điện Biên Phủ nằm sâu trong rừng núi, cách trung tâm hậu cần khoảng 600 - 900km. Trước ngày mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu cần là bài toán cân não. Thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ước tính, số lượng đạn pháo cho chiến dịch là trên 20.000 viên, quy ra 500 tấn và nằm rải rác ở khắp các nơi, trong khi ôtô tải chỉ có vài trăm chiếc.

Ngày 26/4/2024, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Nhà xuất bản Đại học Sư phạm (tại Hà Nội) tổ chức tọa đàm, giới thiệu cuốn sách chuyển ngữ "Hồi ức Điện Biên Phủ, những nhân chứng lên tiếng". Tác giả là nhà sử học người Pháp Pierre Journoud (Đại học Paul-Valéry Montpellier) và Hugues Tertrais (Đại học Paris I - Panthéon-Sorbonne), sách do Nhà xuất bản Tallandier phát hành năm 2012.

Trong cuốn sách này cũng hé lộ cái nhìn về hậu cần của phía quân đội Pháp và tất cả đều đưa ra nhận định sai lầm. Năm 1954, tại Tổng hành dinh đặt trong trại Desmarres ở Sài Gòn, Đại tá Berteil, Cục phó Cục Tác chiến, người có thâm niên 50 năm trong quân đội đã đưa ra dự đoán, với một tiểu đoàn bộ binh, mỗi ngày cần phải có 1 tấn gạo, tức 30 tấn/tháng, vậy phải cần 15 xe chuyên chở trong suốt 20 ngày... Vậy thì phải huy động tới 300 xe tải chuyên vận chuyển, lo thức ăn cho bộ đội tức là toàn bộ số xe mà Việt Minh có thể có được.

Ngoài lương thực, Việt Minh còn phải vận chuyển đạn dược, vũ khí, chất nổ, xăng dầu, thuốc men và tất cả mọi thứ cần dùng cho một đội quân chiến đấu. Cũng phải tính đến những chuyện chậm trễ vì con đường độc đạo lên Điện Biên Phủ thường xuyên bị ném bom, phải chở các vật liệu tới để sửa chữa nối liền những đoạn đường bị cắt phá. Vì vậy Việt Minh phải có ít nhất 2.000 xe tải để chở nhiều tấn lương thực, các dụng cụ sửa đường, hàng ngàn mét khối xăng dầu, hàng ngàn tấn đạn dược...đến Điện Biên Phủ.

Thiếu tướng Nguyễn An, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần ước tính, nguồn tiếp tế từ phía Nam là tỉnh Thanh Hóa, vượt 900km lên Điện Biên Phủ, 1kg gạo tới đích thì tốn 24kg gạo ăn dọc đường. Điện Biên Phủ cần 16 tấn gạo thì phải nhân lên 24 lần, tức là 384.000 tấn gạo được xay từ 640.000 tấn thóc. Nếu có gạo thì cũng không thể kịp vận chuyển với khối lượng lớn như vậy.

Xe đạp thồ tiếp tế cho chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

Cuối cùng phương án "lương thực tại chỗ" được cân nhắc. Việt Minh đã huy động lương thực tại 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu được hơn 7.360 tấn; huy động gạo viện trợ và chở từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc 1.700 tấn, mua tại vùng Thượng Lào 300 tấn, còn lại huy động xe thồ vận chuyển 15.640 tấn (chi ăn dọc đường hết 9.000 tấn, đến được mặt trận là 6.640 tấn).

Xe thồ vượt núi

Trong khi Đại tá Berteil, Cục phó Cục Tác chiến của quân đội Pháp tính toán về việc Việt Minh không có khả năng cung cấp hậu cần để cầm cự dài ngày ở Điện Biên Phủ, ông thuật lại về cảm xúc của mình khi Tổng tư lệnh Pháp tại Đông Dương là tướng Navarre ký vào bản chỉ thị, trong đó có câu: "Tôi quyết định chấp nhận chiến đấu với Việt Minh trên chiến trường Tây Bắc".

Tướng Navarre bút phê đầy tự tin, vì viên tướng này có lý lịch trận mạc rất dày. Navarre từng tham gia vào các chiến dịch của Pháp ở Marocco, tham gia chiến trường Syria, tham gia đánh quân Đức bảo vệ nước Pháp, trở thành Tham mưu trưởng Lực lượng Trung tâm của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được tin tưởng giao chức Tổng Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

Dù có bề dày kinh nghiệm, nhưng Navarre cũng không tính toán ra được sự quyết tâm và truyền thống đánh giặc của người Việt Nam.

Thay vì bài toán hậu cần bằng ôtô, Việt Minh đã huy động gần 21.000 xe đạp thồ, trung bình mỗi xe thồ được 180kg, ngành hậu cần quân đội ghi nhận có những người thồ lượng hàng ở mức kinh ngạc như ông Ma Văn Thắng ở tỉnh Phú Thọ thồ được 352kg/chuyến, ông Cao Văn Ty ở tỉnh Thanh Hóa thồ được 320kg/chuyến, xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm ở tỉnh Thanh Hóa thồ được 280kg/chuyến...

Từ khắp mọi miền, xe đạp thồ, xe tải, thuyền chèo, gánh đi bộ... như những mạch máu chi chít nhưng đều đổ dồn về Điện Biên Phủ. Tổng cộng 250.000 dân công tham gia tải hàng, hơn 33.000 lượt dân công hỏa tuyến, 25.000 tấn vũ khí, lương thực thực phẩm vượt núi tới rốn Điện Biên Phủ.

Ngồi ở tổng hành dinh tại Sài Gòn, viên tướng 4 sao Navarre cũng không thể tính toán ra được sức mạnh toàn dân và ý chí sống mái một trận với quân Pháp của người dân Việt Nam. Xe đạp thồ đi chậm hơn xe cơ giới, nhưng trong bối cảnh thời đó lại trở thành phương tiện vô cùng hữu dụng vì không tốn năng lượng, dễ bảo quản và sửa chữa, dễ ngụy trang tránh né trên đường hành quân, vượt qua được những tuyến đường hư hỏng vì bị đánh bom một cách dễ dàng.

Những chiếc xe đạp thồ chở hàng được cải tạo, độ chế thêm các bộ phận tay ngai, tay phanh, khung phụ, lốp thép, nan hoa, các nẹp tre hỗ trợ... để người đẩy xe có thể điều khiển được xe giữa một núi hàng, lên đèo, xuống dốc cùng đôi chân vạn dặm.

Đoàn xe đạp thồ trùng trùng điệp điệp khắp núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Tư liệu

Đoàn quân hỏa tuyến

ơ chiến trường Điện Biên Phủ, lực lượng dân công hỏa tuyến như một "binh chủng lòng dân", theo học thuyết Chiến tranh nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Lê Văn Chuyển, SN 1930, quê ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa tham gia dân công hỏa tuyến năm 22 tuổi. Ông kể rằng, thời đó chiếc xe đạp là tài sản quý của một gia đình, nhưng vì sự nghiệp chung nên mọi người đều xả thân mình, mang xe đạp gia cố để trở thành ngựa sắt chở hàng tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Dòng người như thác nước đổ về vùng rừng núi này để giúp quân đội ta quyết chiến với quân Pháp.

Hai nhà sử học người Pháp Pierre Journoud và Hugues Tertrais đã mô tả thái độ của các cựu binh Pháp thất thủ không thể hiểu nổi Việt Minh làm sao có thể xuyên rừng chở đạn, lương thực lên tới lòng chảo Điện Biên Phủ, trong khi tuyến đường này liên tục bị phi cơ oanh kích? Hai năm sau, khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đổ sụp, trong bài trả lời phỏng vấn của nhà báo Pháp Jean Ferran đăng trên tờ Paris Match số 370, ngày 12/5/1956, tướng Giáp nhấn mạnh, việc quân đội Pháp chọn Điện Biên Phủ để xây dựng cứ điểm vì tính toán nơi này rất xa các hậu cứ của Việt Minh, quân Pháp được tiếp tế bằng không quân, Việt Minh thì không có máy bay. "Việc người Pháp chọn thung lũng Điện Biên Phủ là có suy nghĩ. Họ có cân nhắc kỹ mặt tốt, mặt xấu. Họ đã tính toán hợp lý: Điện Biên Phủ nằm rất xa các hậu cứ của quân đội Việt Minh, và cũng xa các hậu cứ của Pháp. Nhưng Pháp sẽ giải quyết vấn đề bằng không quân. Việt Minh không có máy bay. Tính toán như vậy là rất hợp lý”. Tướng Giáp đã nói với nhà báo Pháp Jean Ferran như vậy. Nhưng ông còn nói thêm: "Sự tính toán hợp lý vẫn chưa phải đã có giá trị. Chính nhân dân mới là người tìm ra giải pháp cho vấn đề hậu cần".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng nhấn mạnh, dọc tuyến đường lên Điện Biên Phủ, những chiếc xe đạp thồ đông như kiến. Khi có máy bay Pháp xuất hiện thì tất cả đều biến đi không một bóng người, phi công Pháp chỉ nhìn thấy con đường rải bom trong đêm đã được sửa xong.

Trong cuốn sách "Hồi ức Điện Biên Phủ, những nhân chứng lên tiếng", hai nhà sử học người Pháp đã mô tả điều mà viên tướng từng nằm trong Bộ Chỉ huy NATO không ngờ tới: "Tướng Navarre ngồi ở bàn giấy, lắng nghe Thiếu tá trưởng ban 2 Levain trình bày... Con đường duy nhất là quốc lộ 41 đã bị hư hại bởi phi cơ bắn phá, Việt Minh có 7.000 lính chiến đấu xa các căn cứ hậu phương 400km. Nếu Điện Biên Phủ cầm cự được 1 - 2 tháng thì Việt Minh có thể kéo dài cuộc tiến công được bao lâu?".

Bình luận (0)

Lên đầu trang