Người dân cần ứng xử như thế nào với tội phạm?

Thứ Tư, 06/05/2015 10:48  | 

|

(CAO) Tội phạm ngày càng manh động, chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực cướp đi mạng sống của người dân, thậm chí chống trả lại người thi hành công vụ. Khi phát hiện ra hành động trái pháp luật của tội phạm, người dân cần ứng xử như thế nào để vừa nâng cao tinh thần tố giác vừa đảm bảo an toàn tính mạng bản thân?

Khi “đạo chích” manh động

Khoảng 3h30 sáng 16-3, ông Huỳnh Tấn Phong (ngụ phường 16, quận 4, TPHCM) đang ngủ ngoài lan can, trên một căn gác nhỏ thì bị giật mình tỉnh giấc bởi nghe thấy tiếng động lạ. Lúc này hai thanh niên đang cạy khóa, chuẩn bị đồ nghề đột nhập vào một căn nhà cạnh đó.

Ông Phong cầm khúc gỗ chạy đến hỏi “tụi bây phá cửa trộm đồ phải không?”. Sau đó cả hai bên xảy ra ẩu đả, ông Phong liền bỏ chạy ra đầu hẻm tri hô “Có trộm!”. Chạy được vài chục mét, ông Phong bị một tên đâm vào người. Khi đến chốt bảo vệ dân phố cầu cứu thì ông đã ngã quỵ. Người dân vội đưa đi cấp cứu nhưng ông Phong đã tử vong. Gia cảnh ông Phong thuộc dạng nghèo khó, đang nuôi một con gái tuổi 20 và con trai học lớp 4.

Vào rạng sáng 7-3, chị Huỳnh Thị H. (SN 1970) thức dậy sớm, bước xuống nhà bếp để nấu đồ ăn sáng. Chị “tá hỏa” khi phát hiện thấy bóng dáng của một thanh niên lạ mặt đang cầm trên tay hai chiếc máy vi tính. Chưa kịp suy nghĩ được gì, chị H. vội vàng la lớn: “Trộm, trộm…”. Biết mình khó thoát, gã “đạo chích” vứt bỏ hai chiếc máy tính rồi rút dao thủ sẵn đe dọa chị im lặng.

Lúc này ông Huỳnh Thanh H. (SN 1948), anh Phan Tuấn A. (SN 1989) và chị Thạch Thị Sô Phoil (SN 1994) nghe tiếng kêu cứu mới chạy đến bao vây tên trộm. Với hành động hung hãn, tên “đạo chích” đã dùng dao đâm tứ phía khiến ông H. và anh A. bị thương. Sau đó trộm thoát thân theo lối lên sân thượng, biến mất dạng khỏi căn nhà.

Từ hình ảnh do camera an ninh gắn tại căn nhà ghi lại, công an quận Tân Bình đã bắt được thủ phạm là Nguyễn Văn Hồng (SN 1974, quê Hà Tĩnh) khi hắn đang tá túc trong một nhà trọ trên đường Đồng Đen, phường 10, quận Tân Bình.

Một trường hợp khác, vào khoảng 2 giờ sáng ngày 14-4, công an TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) nhận được tin báo từ quần chúng có đối tượng lạ mặt đột nhập vào số nhà 150 Nguyễn Công Trứ để trộm cắp tài sản.

Ngay lập tức đội tuần tra phóng xe đến hiện trường nắm tình hình. Phát hiện thấy có hai đối tượng ngồi trên xe máy cảnh giới, còn một đối tượng khác đã đột nhập vào nhà, tổ tuần tra tiến tới bắt giữ. Bất ngờ bị các “đạo chích” dùng dao, mã tấu mang theo chém loạn xạ.

Hai chiến sĩ bị thương là thượng úy Trần Thanh Tuấn (33 tuổi) và thượng sĩ Mai Trung Hiếu (27 tuổi) thuộc Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Buôn Ma Thuột.

Cần phải có luật Bảo vệ nhân chứng

Đại úy Trần Thị Hương, Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Bộ Công an) cho rằng, trước tình trạng tội phạm ngày càng manh động và liều lĩnh hơn, người dân phát hiện cần tỉnh táo ứng phó.

Đại úy Trần Thị Hương

Có nhiều cách để buộc kẻ phạm tội phải sa lưới pháp luật như: gọi điện báo công an, đến tận nơi trình báo, làm đơn, gửi thư ghi rõ nội dung trình báo hoặc hô hoán nhiều người dân, bảo vệ dân phố vây bắt.

Với trường hợp kẻ trộm hung hãn, giấu hung khí trong người thì dù phát hiện thấy trước mắt cũng tuyệt đối tìm cách im lặng không nói gì. Có nhiều loại tội phạm mà mỗi cách trình báo của người dân sẽ khác nhau. Nếu gặp tội phạm ma túy mà mình tri hô lên thì đối tượng sẽ tẩu tán tang vật, gây khó khăn cho công tác điều tra phá án.

Đại úy Hương nói: “Cách tốt nhất là gọi điện thông báo cho công an địa điểm, phương thức hoạt động của chúng. Trường hợp chưa có số điện thoại để báo được ngay thì có thể âm thầm theo dõi nắm bắt thông tin như: đối tượng buôn bán như thế nào, bán ở đâu, bán cho ai và các đặc điểm dễ nhận dạng ra chúng”.

Người ta thường nói “đầu trộm đuôi cướp”, kẻ trộm thực hiện hành vi lén lút để chiếm đoạt bằng được tài sản. Khi cùng đường, chúng sẵn sàng sử dụng vũ lực chống đối ai ngăn trở chúng. Nhiều khi tài sản chúng trộm được chỉ khoảng vài trăm ngàn nhưng tâm lý sử dụng hung khí giết người vẫn luôn có sẵn.

Hiện nay, nhiều tấm bảng tố giác tội phạm do công an phường gắn bị người dân cào xóa, mất số điện thoại. Đến khi sự việc xảy ra, người dân muốn gọi điện trình báo cũng không tìm được số. Thiết nghĩ, cần tăng cường, chấn chỉnh tình trạng này.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tổ chức những hình thức tuyên truyền trong sinh hoạt cộng đồng như các tiểu phẩm kịch, phát tờ rơi nói về lĩnh vực phòng chống tội phạm. Cách tuyên truyền này vừa nhẹ nhàng vừa ăn sâu trong đời sống người dân.

“Thực tế, một số người dân thờ ơ với việc tố giác tội phạm vì họ sợ bị trả thù, sợ mất công tốn sức làm việc với phía cơ quan điều tra. Điều đó cho thấy rằng, hệ thống luật pháp nhà nước cần phải có biện pháp tăng cường bảo vệ sự an toàn cho người làm chứng” Đại úy Hương nhận định.

Ở Việt Nam chưa có luật Bảo vệ nhân chứng, pháp luật chỉ quy định bảo vệ bí mật cho người cung cấp thông tin. Trong khi đó ở nước ngoài, với luật Bảo vệ nhân chứng, cơ quan chức năng sẵn sàng thay tên đổi họ, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nhân chứng, hoặc chuyển nhân chứng sang sinh sống ở các vùng miền khác với nhân thân hoàn toàn mới. Trong các phiên tòa đối chất, nhân chứng không nhất thiết phải xuất hiện để phản biện lại các ý kiến trái chiều.

Nguyễn Tuấn

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang