Tiếp tục chương trình nghị sự, chiều nay (27/10), Quốc hội đã thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020.
Theo nhiều đại biểu, việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định đưa nội dung về BHXH để thảo luận toàn thể tại hội trường cho thấy tầm quan trọng của các chính sách, pháp luật về BHXH - một trong những trụ cột của an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận
Đánh giá cao các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động với những quy định nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động không có quan hệ lao động, người làm việc ở khu vực phi chính thức, khuyến khích tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung, song đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy việc tổ chức thực hiện vẫn còn rất hạn chế.
Đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan quan tâm để thúc đẩy, có giải pháp cụ thể hơn nữa, nhất là khẩn trương trình Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về cải cách bảo hiểm xã hội, đáp ứng với tình hình mới, phát huy hơn nữa vai trò của BHXH là trụ cột của an sinh xã hội.
Cũng theo bà Hiền, Chính phủ cần ban hành văn bản quy định hướng dẫn việc tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện; ban hành quy định về giá dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm từ Quỹ BHTN cho người lao động theo Nghị định số 61/2020/NĐ-CP (nghị định này đã có hiệu lực thi hành gần một năm).
Từ điểm cầu Hòa Bình, đại biểu Đặng Bích Ngọc lưu ý, việc phát triển lực lượng lao động tham gia BHXH còn thấp, gây nhiều khó khăn trong thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc năm 2021 theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra. Vì thế, đại biểu Ngọc đề nghị cần có sự vào cuộc tích cực từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền các cấp.
Đề cập đến nội dung hưởng BHXH một lần, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng số người hưởng BHXH một lần tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính bền vững phát triển BHXH.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nêu ý kiến thảo luận
Dẫn số liệu từ báo cáo Chính phủ, ông Sơn cho biết, năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong số này, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019 và bằng 2,09% so với số người tham gia BHXH tự nguyện tăng thêm của năm 2020 so với năm 2019 (567.237 người).
Đáng chú ý, đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020), theo ông Sơn, tập trung ở độ tuổi từ trên 20 tuổi - đủ 40 tuổi (chiếm 80,9% ).
“Những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để dành cho quỹ hưu trí để tiêu dùng trong hiện tại” - ông Sơn cảnh báo.
Lo ngại xu hướng trên sẽ tiếp tục tăng vào các năm tiếp theo, đại biểu của Hải Dương lưu ý, việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết các trường hợp này không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu. Trường hợp đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn, tạo áp lực lên xã hội và gia đình.
“Việc nhận BHXH một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, bởi khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu như chi trả về BHYT, điều chỉnh lương hưu định kỳ, chế độ tử tuất…” – đạ biểu Sơn phân tích.
Ông cũng không an tâm khi nhận định nhiều người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ khiến độ bao phủ an sinh xã hội của nhà nước bị giảm, đi ngược lại xu thế xã hội văn minh là đảm bảo an sinh cho mọi người dân.
Vì lẽ đó, đại biểu đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần NQ28 đề ra trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần.
Cùg với đó, đại biểu Sơn kiến nghị điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ.