Phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng, tài sản đấu giá chỉ được 55 tỷ đồng

Thứ Ba, 03/09/2019 13:07

|

(CAO) Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nêu con số trên tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp sáng nay, 3-9.

Đây là minh chứng cho thấy trong nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng giá trị phải thi hành lớn nhưng khả năng thi hành thấp.

Báo cáo công tác thi hành án của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, kết quả tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp, chưa đạt kết quả mong muốn.

Phiên họp toàn thể Ủy ban Tư pháp Quốc hội sáng 3-9

Nhiều vụ án hình sự liên quan đến tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước có giá trị phải thi hành lớn, nhưng khả năng thi hành thấp, do tài sản của đương sự có giá trị nhỏ; vụ án có tính chất phức tạp, có hạng mục tài sản phải kê biên lớn hoặc vụ việc nhiều chủng loại phải mất nhiều thời gian để phân loại, xác định hoặc vụ việc mới được thụ lý, đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án. Dẫn chứng cho nhận định này báo cáo của Chính phủ kể tên một số vụ việc như Công ty Cổ phần Thuận Thảo, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh.

Cũng theo Chính phủ, công tác định giá, thẩm định giá và đấu giá tài sản lại liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, đa dạng và phức tạp. Nguyên nhân khách quan là số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao so với năm trước (từ 1-10-2018 đến 31-7-2019 tăng trên 39.000 việc (tương đương gần 74.000 tỷ đồng). Cùng với đó, lượng việc tồn đọng, không có điều kiện thi hành trong nhiều năm qua cũng rất lớn, chưa có cơ chế giải quyết.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh yếu tố khách quan, nguyên nhân chủ quan được Chính phủ chỉ ra là do hoạt động tín dụng, cho vay tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ, giá tài sản thế chấp được thẩm định để cho vay cao hơn nhiều lần so với thực tế.

Điển hình như Vụ Công ty TNHH thương mại Hiệp Long được vay tới hơn 186 tỷ đồng (Ngân hàng Phát triển Việt Nam) nhưng khi thi hành án, giá trị tài sản thế chấp chỉ định giá được trên 61 tỷ đồng.

Vụ Công ty Cổ phần thép Vạn Lợi (Hải Phòng) phải thi hành trên 1.000 tỷ đồng (Ngân hàng Ngoại thương) nhưng khi thi hành án, tài sản kê biên, định giá, bán đấu giá chỉ được 55 tỷ đồng.

Kẽ hở trong hoạt động tín dụng còn được phân tích là không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp, dẫn đến khi phát mãi tài sản phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp.

Chẳng hạn vụ Công ty Cavidomex (Cà Mau) hoặc vụ Ngân hàng Hàng hải (chi nhánh Bình Dương) có tài sản thế chấp 400 tỷ đồng, hiện nay không thực hiện kiểm đếm tài sản được do không xác định được ranh giới đất.

Một số vụ đấu giá nhiều lần nhưng không có người mua, như Công ty TNHH Mai Sáng (TP.HCM) bán tài sản 20 lần không thành. Công ty TNHH sợi Việt Ý do Chi cục quận 12 bán 15 lần không thành, Công ty Cổ phần Sing Sing bán đấu giá lần thứ 22.

Đó là chưa kể, trong nhiều trường hợp, người phải thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng cố tình chống đối, tẩu tán tài sản hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài việc thi hành án.

Ngoài ra, báo cáo của Chính phủ cũng nêu tình hình thực hiện các vụ việc liên quan đến thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng, giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Cụ thể,  tổng số thụ lý là 27.679 việc, tăng 3.737 việc so với cùng kỳ 2018, số việc có điều kiện thi hành là 19.030 việc. Về tiền tổng thụ lý là 145.1000 tỷ đồng, đã thu được 18.721 tỷ, đạt tỷ lệ 17,48%, giảm 713 tỷ đồng so với 2018.

Bình luận (0)

Lên đầu trang