Khắp mọi vùng miền Tổ quốc mừng vui ngày Độc lập đầu tiên thời hiện đại, bản Tuyên ngôn độc lập vang vọng nơi đất trời Hà Nội thành dấu mốc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Còn ở Sài Gòn lúc ấy thì sao? Lần giở những mảnh ký ức của người đương thời dạo ấy, giúp ta sống như lại trang sử xưa hào hùng: Ngày Độc lập ở Sài Gòn năm 1945.
Cờ đỏ sao vàng phấp phới bay
Không khí của ngày lễ Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn, trong ký ức những người từng tham gia, đều cho thấy sự náo nhiệt, sôi động. Lúc này đây, ai cũng dâng lên niềm xúc động khi vị trí dân tộc đã thay đổi.
Nguyễn Kỳ Nam trong Hồi ký 125 - 1964 ghi “Trong thành phố, nhà nhà đều treo đủ 5 sắc cờ, ăn mừng ngày độc lập”; “trên các đường phố, hàng ngàn biểu ngữ, đủ màu sắc, với 5 thứ tiếng nêu những câu: “Độc lập hay là chết”. “Đả đảo thực dân Pháp”. “Việt Nam độc lập muôn năm”...
Lực lượng tham gia lễ Độc lập ra sao? Theo Nghiêm Kế Tổ thì đó là một cuộc mít-tinh vĩ đại với số lượng tham gia là hàng chục vạn người, còn Ung Ngọc Ky trong bài viết “2/9/1945: Khí thế cách mạng của người Sài Gòn” thì cung cấp con số lên tới cả triệu. Địa điểm tổ chức lễ Độc lập là đại lộ Norodom, vừa được đổi tên thành đại lộ Cộng hòa (nay là đường Lê Duẩn, quận 1). Lễ đài được đặt khu vực sau lưng Nhà thờ Đức Bà.
Ngày 2-9-1945, dòng người đổ về đại lộ Norodom (nay là đường Lê Duẩn, quận 1) mừng ngày Độc lập. Ảnh: Tư liệu
Dù 2 giờ chiều mới bắt đầu lễ, nhưng không khí náo nức đã diễn ra từ trước đó. Vẫn lời Nguyễn Kỳ Nam, cho rằng ngay từ 9 giờ sáng, nơi đại lộ Cộng hòa, dân quân từ khắp nơi đã kéo về.
“Mới 12 giờ trưa, dưới bóng mặt trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng hòa”, nhà báo Trần Tấn Quốc, một trong những người trực tiếp tham gia ngày trọng đại, đã ghi lại trong tác phẩm Saigon Septembre 45.
Bởi nước mới độc lập, nên hàng ngũ, lực lượng chuẩn bị còn đơn sơ, chưa chuyên nghiệp mà theo kiểu “có gì dùng đó”, vẫn không kém phần trang nghiêm: “Dân quân ăn mặc rất thô sơ, có người đi chơn không” nhưng vẫn được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh.
Quần chúng tham dự đứng thành hàng dài trùng trùng điệp điệp thành một biển người. Và dù lực lượng tham gia có nhiều thành phần, tư tưởng có thể khác nhau, nhưng hòa chung trong không khí của người dân tự do, tất thảy đều hồ hởi trong ngày trọng đại, đổi đời của bản thân, của cả dân tộc.
Bài ứng khẩu thay Tuyên ngôn độc lập
Theo chương trình dự kiến của lễ Độc lập, đồng bào Sài Gòn sẽ nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ở Hà Nội. Tuy nhiên, tình huống mới bất ngờ đã nảy sinh, mà như lời của Nguyễn Kỳ Nam miêu tả lại: “Đúng 2 giờ, ai ai cũng lắng tai nghe tiếng nói của đài phát thanh Hà Nội, bài diễn văn của Chủ tịch Chánh phủ trung ương là Hồ Chí Minh, nhưng… đã quá nửa giờ, máy ra-đi-ô không “bắt” được”. Mà phần đọc Tuyên ngôn độc lập, là phần quan trọng nhất của lễ Độc lập để tuyên bố về nền độc lập mới giành được, về một chính phủ mới ra đời…
Cố giáo sư Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ thời điểm 2-9-1945.
Hồi tưởng lại thời điểm lịch sử ấy, nhà cách mạng Ung Ngọc Ky vẫn còn nhớ bản Tuyên ngôn độc lập sẽ được tiếp sóng trên luồng điện 32 thước từ Hà Nội qua đài Bạch Mai (tên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy đặt tại Bạch Mai), tuy nhiên “máy móc hồi ấy còn thô sơ, cũ kỹ nên âm thanh nghe không rõ”. Đã có nghi ngờ đặt ra là sự phá hoại của địch, nhưng cũng có giả thiết do đài Bạch Mai sóng yếu, lại cũ và khoảng cách địa lý xa, thời tiết không tốt, trời âm u...
Phải làm sao trước tình huống này? Và đây chính là lúc bản lĩnh, tài lãnh đạo của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu được thể hiện. Không chuẩn bị văn bản giấy tờ, vị đại diện chính quyền bước lên lễ đài nói chuyện với đồng bào, Ung Ngọc Ky cho hay “tuy ứng khẩu (ông không chuẩn bị trước bài phát biểu) nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ”. Dẫu trời đổ mưa, nhưng quần chúng không bỏ hàng ngũ, trật tự nghe bài phát biểu.
Xem lại nguyên văn bài nói của Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu thời điểm ấy, trùng hợp làm sao, ta thấy nhiều điểm thể hiện tinh thần cơ bản, nhất quán với nội dung của Tuyên ngôn độc lập.
Mở đầu bài phát biểu, là lời khẳng định sự thay đổi vận mệnh của nước Việt trước đồng bào: “Việt Nam, từ một xứ thuộc địa, đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam, từ một đế quốc [theo nghĩa nước có chế độ quân chủ], đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu”.
Nếu như ở Hà Nội, Tuyên ngôn độc lập khẳng định quyền con người, quyền dân tộc, thì giờ phút ấy tại Sài Gòn, tinh thần đó cũng thể hiện trong bài phát biểu tức thời của ông Giàu: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập tự do. Độc lập tự do của chúng tôi không trái với độc lập tự do của bất cứ một dân tộc nào khác”.
Tuyên ngôn độc lập thể hiện tinh thần kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”; thì tại Sài Gòn, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu cũng một lòng “Tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”… “Thì chúng ta hãy thề cương quyết đứng cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”.
Không hẹn mà gặp, với nhãn quan chính trị sắc bén, nhãn quan một nhà khoa học tư tưởng, khoa học lịch sử tương lai, người đại diện đứng đầu chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Nam bộ, đã truyền lửa yêu nước, yêu độc lập trong lễ Độc lập thiêng liêng tại Sài Gòn. Bài phát biểu nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo quần chúng qua những tiếng hô “Muôn năm, muôn năm”.
Kẻ thù phá hoại
Hiện nay, ngày 23-9 được biết đến là ngày “Nam Bộ kháng chiến” chống sự trở lại xâm lược của thực dân Pháp. Nhưng sự chống phá của thực dân với nước Việt Nam non trẻ, đã bắt đầu ngay trong lễ Độc lập ở Sài Gòn, thể hiện dã tâm của kẻ thù trong việc tái chiếm nước Việt, những mong thiết lập lại nền đô hộ gần một thế kỷ vừa bị mất.
Trong hồi ký Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ kể lại, sau lời phát biểu của ông Trần Văn Giàu “bỗng nhiên người ta nghe thấy vài tiếng súng nổ phát ra tại một hãng ô tô Pháp gần đấy, thế rồi, giữa đám đông nhôn nhao, thốt lên những câu “Pháp bắn, Pháp bắn!!”. Rồi đoàn người như thác lũ, xông vào hãng ô tô, nhảy cả vào nhà thờ thành phố.
Sự phản trắc của người Pháp lúc ấy, được Ung Ngọc Ky miêu tả chi tiết hơn trong hồi ức của mình mà theo ông, ấy là khi các sư đoàn dân quân cách mạng đang diễu hành rầm rập qua lễ đài giữa tiếng quân nhạc, đoàn diễu hành vừa đi khuất đường Catinat “thì liền có những tiếng súng nổ, ban đầu còn lẻ tẻ rồi rộ lên ở nhiều nơi. Rõ ràng là tiếng súng phá hoại của bọn phản động thực dân Pháp”.
Khắp nơi tiếng loa vang lên kêu gọi đồng bào bình tĩnh. Đoàn người như nước vỡ bờ, nhào lại hàng rào sắt nhọn của hãng Jean Comte (khu vực Doamond Plaza hiện nay) là nơi vừa phát ra tiếng súng và khói súng còn bay phảng phất. Cuộc xung đột sau đó nổ ra nhiều nơi ở Sài Gòn và kéo dài đến 6 giờ chiều, tiếng súng mới im hơi.
Ngày hôm sau, trong thông cáo của Lâm ủy Hành chánh đã cho biết một số thông tin quan trọng, ấy là cuộc xung đột do người Pháp gây ra, kết quả là “phần ưu thắng tự nhiên về phe đi đúng với công lý và lịch sử, về chúng ta”.
Kẻ thù phá hoại lễ Độc lập, nhưng tiếng súng xung đột, cũng là lời nhắc nhở, cảnh báo quần chúng ngay từ buổi ban đầu, giành được độc lập đã khó, giữ được nền độc lập ấy, còn khó hơn gấp bội. Và Sài Gòn, và Nam Bộ anh dũng, lại đi trước về sau sau ngày 2-9 lịch sử năm ấy.