Sáng nay, ngày 30/11, với đa số đại biểu có mặt bấm nút tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, ngày 23/10/2024, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Ngay sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Theo đó, về các biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 36), có ý kiến đề nghị rà soát để bảo đảm tính khả thi của một số biện pháp xử lý chuyển hướng (XLCH).
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm tính khả thi của các biện pháp XLCH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng, chỉnh lý và quy định chặt chẽ về từng biện pháp XLCH từ Điều 40 đến Điều 51 của dự thảo Luật; quy định rõ hơn về nguyên tắc áp dụng biện pháp XLCH, cũng như yêu cầu đặt ra đối với một số biện pháp XLCH cụ thể nhằm bảo đảm việc triển khai trên thực tế được thuận lợi, hiệu quả, khả thi.
Quốc hội đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Về trường hợp không được áp dụng biện pháp XLCH (Điều 38), có ý kiến đề nghị mở rộng thêm một số tội danh và một số trường hợp không cho phép NCTN được áp dụng biện pháp XLCH.
UBTVQH xin báo cáo như sau: Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành quy định 14 tội không áp dụng XLCH đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 08 tội không áp dụng XLCH đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Khi xét xử NCTN về những tội này, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, Tòa án có 02 lựa chọn (hoặc là áp dụng hình phạt hoặc là áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng). Thể chế hóa Chỉ thị số 28-CT/TW của Bộ Chính trị về “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”, dự thảo Luật đã chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp XLCH. Theo đó, khi phạm vào những tội nêu trên, NCTN vẫn chỉ có thể bị áp dụng hoặc là giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc là hình phạt (giống như quy định BLHS hiện hành) và không được phép áp dụng XLCH ngoài cộng đồng nên không làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; nhưng nhân văn hơn hiện hành vì NCTN sẽ được áp dụng đưa vào trường giáo dưỡng sớm hơn ngay từ giai đoạn điều tra (thay vì phải chờ đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm mới được áp dụng như hiện nay), từ đó sẽ rút ngắn đáng kể thời hạn tạm giam, hạn chế tối đa việc gián đoạn quyền học tập, học nghề.
UBTVQH thấy rằng nếu bổ sung thêm các trường hợp không được phép áp dụng XLCH như ý kiến nêu trên thì sẽ làm tăng nặng hơn rất nhiều trách nhiệm hình sự của NCTN so với hiện hành. Như vậy, sẽ không phù hợp với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt đặt ra đối với quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý dự thảo Luật đó là căn bản không được làm tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với NCTN so với quy định hiện hành. Do đó, đề nghị Quốc hội cho giữ quan điểm chỉ đạo này, và không bổ sung các trường hợp không được phép XLCH mà gây bất lợi và làm nặng hơn trách nhiệm hình sự của NCTN so với quy định của hiện hành.
Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng (Điều 52), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, một số ý kiến đề nghị quy định đối với các vụ án có tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản thì phải chuyển hồ sơ đề nghị Tòa án xem xét, quyết định (cả biện pháp XLCH và bồi thường thiệt hại, tịch thu tài sản).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga
UBTVQH nhận thấy, trường hợp vụ án có liên quan đến bồi thường thiệt hại và các bên đồng thuận việc giải quyết bồi thường thì việc giao cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án quyết định áp dụng biện pháp XLCH (theo từng giai đoạn tố tụng tương ứng) sẽ bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời, giúp NCTN có đủ điều kiện luật định sớm được áp dụng biện pháp XLCH. Tuy nhiên, trường hợp có tranh chấp về bồi thường thiệt hại mà phải tách riêng phần bồi thường để giải quyết thành một vụ án dân sự độc lập sẽ rất phức tạp; đồng thời, theo quy định tại Điều 45 BLHS thì việc tịch thu tài sản chỉ thuộc thẩm quyền của Tòa án. Do đó, UBTVQH xin tiếp thu ý kiến của ĐBQH và đã chỉnh lý, thể hiện tại Điều 52 của dự thảo Luật.
Về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam (Điều 162), có ý kiến đề nghị chỉ quy định mô hình “phân trại hoặc khu giam giữ riêng trong trại giam cho NCTN là phạm nhân” để bảo đảm tính khả thi.
Vấn đề này, UBTVQH thông tin, hiện nay, số lượng NCTN chấp hành án tại các trại giam không lớn, nhưng được bố trí ở nhiều trại giam trên cả nước, đáng lưu ý có những trại giam chỉ có khoảng hơn 20 phạm nhân là NCTN, nên rất khó khăn cho việc bố trí dạy văn hóa, dạy nghề, cũng như khó đáp ứng được các yêu cầu riêng đặt ra đối với NCTN.
Các ĐBQH tại phiên họp
Do đó, để vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng đối với NCTN nhằm tạo thuận lợi cho công tác giáo dục, phục hồi; vừa có nhiều mô hình để lựa chọn; vừa bảo đảm tính ổn định của Luật, tạo cơ sở pháp lý để sau này khi bố trí được nguồn lực sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cơ sở giam giữ đối với NCTN; vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có, tiếp thu một phần ý kiến của Chính phủ và Bộ Công an, UBTVQH đề nghị chỉnh lý khoản 1 Điều 162 của dự thảo Luật theo hướng quy định 03 mô hình để lựa chọn: Trại giam riêng, phân trại hoặc khu giam giữ dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Việc lựa chọn mô hình nào đã được dự thảo Luật giao cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ tình hình thực tế để quyết định.
Ngoài những nội dung đã tiếp thu, giải trình trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để tiếp thu tối đa ý kiến của các vị ĐBQH, của TANDTC, các cơ quan, tổ chức hữu quan, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, trình Quốc hội thông qua có bố cục gồm 5 phần, 10 chương và 179 điều.