Quảng cáo trên mạng giúp người dân tiếp cận các sản phẩm nhanh chóng
Phát biểu điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, lĩnh vực quảng cáo được xác định là 1 trong 12 ngành công nghiệp văn hóa của nước ta, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển gắn liền với việc quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, góp phần bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập và hợp tác quốc tế. Trong giai đoạn hiện nay, hoạt động quảng cáo đang có sự dịch chuyển từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo trên báo chí sang quảng cáo trên không gian mạng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp
Sự phát triển mạnh mẽ của quảng cáo trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng; đồng thời cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý nhà nước.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Thanh cũng nhấn mạnh, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật Quảng cáo hiện hành, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã rất tâm huyết, trách nhiệm trong nghiên cứu, xây dựng và thẩm tra dự án luật. Chính phủ và Ủy ban Thường vụ QH cũng nhiều lần cho ý kiến về dự án luật...
Các đại biểu tại phiên họp
Cần có quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo với từng loại hình báo chí khác nhau
Phát biểu tại phiên họp, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) góp ý về quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, có 2 loại ý kiến khác nhau, ĐB Phạm Văn Hòa tán thành với Ban soạn thảo về loại ý kiến thứ nhất là bổ sung quy định yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt đã nêu trong dự thảo Luật. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh thêm các loại quảng cáo hàng hóa khác thì đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể nội dung này.
ĐBQH Phạm Văn Hòa
Về quảng cáo trên báo in, có 2 loại ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, ĐB đề xuất thêm ý kiến thứ 3 và cho rằng, hiện nay thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc thực hành tự chủ tài chính. Vì vậy, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị nghiên cứu phương án lược bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và nhu cầu của thị trường.
Đồng tình quan điểm, ĐBQH Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng đây là những vấn đề rất thiết thực nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập, góp phần xây dựng thị trường quảng cáo Việt Nam phát triển vì lợi ích chung của toàn xã hội.
Theo ĐB trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương phát biểu tại hội trường
Vì vậy, nữ ĐB đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.
Nâng mức phạt đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên 2-3 lần so với lợi ích thu được
Về xử lý hiệu quả vi phạm trong hoạt động quảng cáo ĐBQH Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) bày tỏ mong muốn việc sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Quảng cáo lần này quan tâm đến các quy định về quản lý và xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo…
ĐB cho biết, dự thảo Luật Quảng cáo 2012 chủ yếu điều chỉnh các hình thức quảng cáo truyền thống, chưa có quy định cụ thể về quảng cáo trực tuyến. Hiện nay, hơn 70% các trường hợp vi phạm quảng cáo trực tuyến bị xử lý chậm do thiếu quy định đồng bộ. Do vậy, ĐB đề nghị cần bổ sung điều khoản chuyên biệt về quảng cáo trực tuyến vào trong dự thảo Luật. Theo đó, xây dựng quy định quản lý các hình thức quảng cáo mới bao gồm quảng cáo trên mạng xã hội, quảng cáo ứng dụng trí tuệ nhân tạo…; đưa ra hướng dẫn rõ ràng về trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia quảng cáo; thành lập cơ chế phối hợp liên ngành, hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để xử lý các vi phạm hiệu quả hơn.
ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp
Quan tâm đến việc kiểm soát nội dung quảng cáo trực tuyến, ĐB đề nghị cần bổ sung quy định bắt buộc các nền tảng phải rà soát và kiểm duyệt nội dung quảng cáo trước khi hiển thị; thiết lập chế tài mạnh, yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm trong thời hạn 24 giờ. Đặc biệt, nâng mức phạt hành chính đối với hành vi quảng cáo sai sự thật lên đến 2-3 lần lợi ích thu được; công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm để răn đe…
Còn theo ĐBQH Chamaléa Thị Thủy (Đoàn Ninh Thuận) hiện nay, hoạt động quảng cáo hoặc những nội dung có thông điệp quảng cáo được đăng tải trên môi trường mạng theo dạng bài viết, video trên trang cá nhân như Facebook, Zalo, Tiktok rất đa dạng. Có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng nhưng được lan truyền trên không gian mạng một cách rộng rãi, công khai.
ĐBQH Chamaléa Thị Thủy phát biểu tại phiên họp
Mặc dù cơ quan chức năng cũng có các biện pháp để xử lý, ngăn chặn các hành vi quảng cáo không đúng với quy định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác này trong thực tế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nên trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo lần này, nữ ĐB mong muốn các quy định được bổ sung phải đảm bảo được tính hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước đối với quảng cáo.
Ngoài ra, Ban soạn thảo dự án Luật cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ để quy định phù hợp, khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu kỹ về quy định trình tự, thủ tục xác minh, xác định, kết luận các thông điệp mang tính quảng cáo và quy định, mức độ xử lý vi phạm cho tương xứng và phù hợp, ĐB nhấn mạnh.