Thành lập TP.Huế trực thuộc Trung ương, tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Hải Phòng

Thứ Bảy, 30/11/2024 09:39  | Thanh Hòa

|

(CAO) Thành phố Huế là TP trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế. Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Sáng 31/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Theo Nghị quyết, thành lập thành phố Huế là TP trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế giáp thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Trị; nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào và Biển Đông.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trình Quốc hội xem xét, thông qua

Quốc hội cũng giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quyết định việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc TP Huế bảo đảm có hiệu lực thi hành cùng thời điểm với Nghị quyết này.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh Thừa Thiên Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Quốc hội đã bấm nút thông qua việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương

Trường hợp Hội đồng nhân dân quận thuộc thành phố Huế không đủ hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 46 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân quận theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Huế chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân quận lâm thời và quyết định thành lập cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân quận lâm thời. Ủy ban nhân dân quận lâm thời thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận theo quy định của pháp luật và hoạt động cho đến khi Ủy ban nhân dân quận nhiệm kỳ 2026 - 2031 được thành lập.

Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, ngoài các chế độ, chính sách đối với thành phố trực thuộc trung ương, các cơ chế, chế độ, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn tiếp tục được thực hiện trên địa bàn thành phố Huế cho đến hết giai đoạn áp dụng hoặc đến khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025

Sáng 30/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 454/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

Trước khi tiến hành biểu quyết, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng.

Theo Nghị quyết, về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng: Chính quyền địa phương ở thành phố Hải Phòng (sau đây gọi là Thành phố), thành phố Thủy Nguyên, huyện, xã, thị trấn tại Thành phố là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở các quận tại Thành phố là Ủy ban nhân dân quận.

Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Chính quyền địa phương ở các phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên.

Về Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, quy định khác của pháp luật có liên quan và các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, trong đó bao gồm dự toán ngân sách của chính quyền địa phương cấp dưới; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết theo thẩm quyền; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; Giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố trên địa bàn quận, phường thuộc quận; giám sát hoạt động của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường thuộc quận, Tòa án nhân dân quận, Viện kiểm sát nhân dân quận;

Đồng thời, bầu Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm tại Tòa án nhân dân quận theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân Thành phố trên cơ sở đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân quận sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận; Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, Chánh án Tòa án nhân dân quận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận. Hội đồng nhân dân Thành phố xem xét việc trả lời chất vấn của người bị chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết

Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố sẽ gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 02 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân Thành phố. Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố gồm Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng ban là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố có 01 Ủy viên hoạt động chuyên trách. Ủy viên hoạt động chuyên trách được hưởng lương theo quy định hiện hành đối với cán bộ, công chức; được hưởng phụ cấp chức vụ bằng chức danh trưởng phòng cấp sở và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật...

Tại Nghị quyết cũng đã quy định cụ thể về: Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố; Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân quận; Hội đồng nhân dân thành phố Thủy Nguyên; Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủy Nguyên; Cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; quản lý cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn...

Nghị quyết Tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng theo mô hình quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.

Bình luận (0)

Lên đầu trang