(CATP) Khi bước chân xuống tàu La Touche Treville từ bến Nhà Rồng, nhà cách mạng trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành đã mang theo mình một hành trang lớn: chủ nghĩa yêu nước, ý chí quật khởi của dân tộc, hoài bão, khát vọng cứu nước của tuổi trẻ. Ngày nay, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đang tiếp bước sự nghiệp của Người, cũng chuẩn bị hành trang lớn đi vào kỷ nguyên mới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
TỪ TRONG GIAN KHÓ
Từ khi Đảng ta ra đời (năm 1930), Sài Gòn - Chợ lớn(địa danh thời Pháp thuộc) đã trở thành trung tâm của phong trào cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố thời đó, nhân dân Thành phố đã một lòng theo Đảng, vững bước trên con đường đấu tranh cách mạng mà Bác Hồ đã lựa chọn, giành lại độc lập dân tộc. Tuy nhiên, thực dân Pháp vẫn quyết tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Từ thành phố này, tiếng súng hiệu lệnh Toàn quốc Kháng chiến đã vang lên, hiệu triệu cả dân tộc lao vào cuộc trường chinh vĩ đại, chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Sau gần 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mùa xuân 1975, sự nghiệp giải phóng dân tộc đã hoàn thành; Bắc Nam thống nhất về một mối.
Lúc bấy giờ, tình hình Thành phố rất khó khăn; nguồn dự trữ nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất và phục vụ đời sống dần cạn kiệt; sản xuất, dịch vụ thu hẹp, giá cả thị trường tăng mỗi ngày; tình hình kinh tế sa sút nghiêm trọng. Những dấu hiệu khủng hoảng kinh tế - xã hội đã hiển hiện rõ. Người dân Thành phố lần đầu tiên biết đến ăn độn bo bo, khoai, củ mì thay cơm gạo.

Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lên tàu La Touche Treville từ Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước
Thế là vừa bước qua cuộc đấu tranh cam go chống xâm lược, Thành phố lại phải đối mặt với cuộc đấu tranh chống bảo thủ, trì trệ, để đổi mới cách nghĩ, cách làm. Lãnh đạo Thành phố bấy giờ như các đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng đã cùng Đảng bộ và nhân dân Thành phố trăn trở, tìm tòi tháo gỡ những ràng buộc của cơ chế bao cấp với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Bắt đầu từ những biện pháp đầy táo bạo như xóa bao cấp, thực hiện ba lợi ích, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, lương sản phẩm trong xí nghiệp, hợp doanh, khôi phục những ngành thủ công nghiệp, nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất... Thành phố đã vươn lên không ngừng, góp phần quan trọng trong việc thiết lập cơ chế quản lý mới cho cả nước, bãi bỏ tập trung quan liêu bao cấp, mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn nắm vững chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, phát huy sáng tạo nhằm giải quyết tình hình thực tiễn của Thành phố; kiên trì từng bước tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh gắn liền với giải quyết việc làm, chăm lo đời sống người dân, tìm tòi hướng đi đúng đắn; từ đó góp phần làm sáng tỏ con đường cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Có thể nói rằng, với cách làm mới cùng tư duy mới, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã có đóng góp quan trọng cho việc hình thành đường lối Đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay.
THÀNH PHỐ NGHĨA TÌNH
Từ đây Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước bước sang trang sử mới: rũ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa và cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp; tiến hành công cuộc Đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ III năm 1983 xác định: Thành phố Hồ Chí Minh “vì cả nước, cùng cả nước” xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật Đất nước trọn niềm vui tại Hội trường Thống Nhất, tháng 4/2025
Mang sẵn trong mình tinh thần năng động, sáng tạo, đội ngũ cán bộ, viên chức, người dân, doanh nghiệp Thành phố hăng hái lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước nâng cao đời sống. Theo thống kê, trong suốt thập niên 1990, kinh tế Thành phố tăng trưởng liên tục, bình quân khoảng 10% mỗi năm. Trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, tốc độ tăng trưởng GDP của Thành phố bình quân tăng 10,1% (so với mức giá năm 1994), đưa Thành phố trở thành một trong rất ít tỉnh thành đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong khoảng thời gian dài. Quy mô kinh tế Thành phố năm 2020 tăng gấp 2,7 lần so với năm 2010. Thành phố tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng. Tiềm lực kinh tế và sự đóng góp của Thành phố Hồ Chí Minh cho cả nước ngày càng lớn. Đến nay, Thành phố có quy mô kinh tế lớn hơn 20% quy mô kinh tế cả nước; đóng góp khoảng trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% kim ngạch xuất khẩu, 30% tổng thu ngân sách quốc gia.
Cùng với phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng việc xây dựng các phong trào văn hóa, xã hội, có sức lan tỏa lớn. Từ những năm 1988 - 1989, Thành phố phát động phong trào “Xây nhà tình nghĩa; vận động người dân đóng góp công sức, tiền của xây nhà tặng gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng... Tiếp đến các phong trào “Phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... đều đạt kết quả tốt. Các đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp Thành phố cũng hoạt động tích cực trong những đợt cứu trợ người dân vùng bão lũ ở miền Trung, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng các quỹ “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”; “Góp đá xây Trường Sa”; “Tấm lưới nghĩa tình” động viên đồng bào chiến sĩ đang ngày đêm giữ gìn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 lần thứ 5
Mảnh đất, con người Thành phố mang tên Bác vừa hội tụ ở đỉnh cao lịch sử hào hùng của dân tộc, vừa phát huy đầy đủ các giá trị tinh hoa của con người Việt Nam yêu nước, thương người, bản lĩnh, khát vọng, sáng tạo. Đảng bộ và Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lại tiếp tục hành trang lịch sử của mình, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên của một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, xã hội chủ nghĩa.