Kết thúc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV:

Thông qua 8 dự án Luật, giải quyết nhiều vấn đề "nóng"

Thứ Hai, 26/06/2023 12:30

|

(CATP) Diễn ra trong 23 ngày (chia làm 2 đợt họp), Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã bế mạc vào chiều 24/6. Đây là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khối lượng công việc lớn, xem xét, quyết định những nội dung "nóng", quan trọng về xây dựng pháp luật, giám sát cũng như quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

Vượt qua thách thức để tăng trưởng

Điểm đặc biệt của kỳ họp này là diễn ra trong 23 ngày, được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 22/5 đến ngày 10/6; đợt 2, từ ngày 19/6 đến ngày 24/6. Với cách thức này, Quốc hội (QH) có thời gian nghỉ giữa kỳ họp kéo dài 1 tuần để các cơ quan của QH, Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng cao khi được thống nhất thông qua và ban hành.

Phát biểu kết thúc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: "Với kết quả công tác lập pháp tại kỳ họp này, cho đến nay, QH, các cơ quan của QH, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024".

Kỳ họp lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của nước ta giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ... đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội nước ta.

Tăng trưởng GDP quý I năm 2023 (đạt 3,32%) thấp hơn cùng kỳ (5,03%); trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và khu vực doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống của ta bị thu hẹp; nhiều DN thiếu đơn hàng.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội chụp ảnh cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

GDP quý I là 3,32%, với mức thấp như vậy, để đạt được mục đích 6,5% cho cả năm là một thách thức lớn (yêu cầu mỗi quý còn lại phải đạt 7,5%). Riêng TPHCM lần đầu tiên trong lịch sử tăng trưởng âm 6,78% sau 35 năm, trong khi kế hoạch đề ra là tăng trưởng 6%.

Tình hình đó cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống DN. Những khó khăn hàng đầu mà DN gặp phải là tiếp cận tín dụng có nhiều trở ngại, bao gồm cả tín dụng, nguồn vốn, lãi suất ưu đãi của Chính phủ và nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa. DN khát vốn để phục hồi phát triển nhưng rất khó tiếp cận, kể cả gói tín dụng giảm lãi suất 2% cũng không thực sự hấp dẫn và rất rườm rà về thủ tục tiếp cận, trong khi đó lãi suất cho vay từ tháng 7/2022 trung bình 12% năm, thậm chí có nơi lên đến 14% năm, thời gian gần đây dù có giảm nhưng vẫn còn cao.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy 4 tháng đầu năm 2023, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã chủ trì 398 cuộc họp, 110 hội nghị và 78 cuộc tiếp khách quốc tế, đi công tác nước ngoài. Qua những cuộc làm việc, mục tiêu chính của Chính phủ, Thủ tướng là để chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và đưa ra các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, DN.

Năm tổ công tác đặc biệt được Thủ tướng thành lập nhằm quyết liệt thúc đẩy đầu tư công, vướng mắc dự án cũng như tháo gỡ khó khăn cho các thị trường trái phiếu DN, chứng khoán, bất động sản...

Dù vậy, DN mong muốn có thêm những động thái gỡ vướng, hỗ trợ khó khăn quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành.

Trong hàng loạt giải pháp đưa ra cho thời gian tới, Chính phủ đặt trọng tâm vào thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Điều hành tỉ giá, lãi suất linh hoạt, phù hợp và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cũng như bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng.

Với những cố gắng đó, cùng với nỗ lực giải ngân 30 tỷ USD đầu tư công trong năm nay, kinh tế nước ta sẽ tăng trưởng. Tin mừng là GRDP quý II của TPHCM ước đạt 5,87%; tính chung 6 tháng, con số ước đạt 3,55%. Dù tốc độ tăng trưởng này chưa hẳn đã cao, nhưng đó thực sự là một tin mừng với đầu tàu TPHCM khi đang lấy lại đà tăng trưởng. Khi kinh tế TPHCM tăng trưởng cao hơn sẽ tác động tới tăng trưởng GDP của cả nước.

Cơ chế đặc thù để TPHCM cất cánh

Kỳ họp Quốc hội lần này để lại dấu ấn lớn là thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Theo Nghị quyết, QH đồng ý 4 nhóm chính sách mới lần đầu được quy định áp dụng cho TPHCM gồm: Đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; tổ chức bộ máy. Theo đó, từng lĩnh vực được mở ra. Như phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, giúp phát triển đô thị và các dịch vụ liên quan như mô hình của một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., nhằm tạo các khu đất sạch để triển khai các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo sự đồng bộ trong phát triển đô thị và giao thông.

Có thể dùng ngân sách thanh toán dự án BT và được thanh toán bằng ngân sách. Đây là cơ chế nhằm đa dạng hóa hình thức đầu tư và tạo cơ sở pháp lý, huy động tối đa nguồn lực xã hội.

Về cơ chế, chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách nhà nước, trong đó, ngân sách TPHCM được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP. TPHCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Đối với dự án sử dụng đất trồng lúa vào các mục đích khác, HĐND TPHCM quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha phù hợp với quy hoạch. Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án nhà ở thương mại hoặc phê duyệt quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại.

Ngoài ra còn nhiều cơ chế khác, như hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, được miễn thuế thu nhập DN trong thời hạn 5 năm...

"TPHCM sẽ nỗ lực triển khai tốt nghị quyết. Cả nước đã vì TPHCM, TPHCM sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó” - Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu chiều 24/6, khi Quốc hội thông qua nghị quyết trên.

Thiếu điện và nhà ở xã hội: Hai vấn đề nóng

Trong thời gian diễn ra kỳ họp này, cũng là lúc ngành điện lao đao vì thiếu điện chưa từng có trong hơn thập kỷ qua, lịch cắt điện dày đặc ở miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều chỉ thị, công điện yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới, trong đó yêu cầu phải hoàn thành đàm phán giá điện với các dự án điện tái tạo chuyển tiếp (điện mặt trời, điện gió) trong tháng 6.

Từ đó các đại biểu thảo luận, tranh luận rất sôi nổi về cơ chế quản lý của ngành điện, giá điện bán buôn, bán lẻ, truyền tải, đặc biệt về điện tái tạo vì sao cho đến nay vẫn còn 4.600 MW điện sạch tồn đọng, không phát điện lên lưới... Đầu tư, hướng phát triển của điện tái tạo được nhiều ĐBQH rất quan tâm, khi mà những vướng mắc đầu tư đẩy nhiều DN vào tình thế hết sức khó khăn.

Tình hình khá căng thẳng, Chính phủ vào cuộc với Công điện số 517/CĐ-TTg, giao Bộ trưởng Bộ Công thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 01/01/2021 đến 01/6/2023. Sau đó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ việc thanh tra chuyên ngành.

Trong điều kiện cung ứng điện từ nay đến năm 2025 dự báo gặp nhiều khó khăn, Bộ Công thương vừa có dự thảo đề xuất về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà. Dù chậm nhưng động thái này của Bộ Công thương được hoan nghênh, hưởng ứng.

Vấn đề nhà ở xã hội cũng rất nóng bỏng khi mà gói tín dụng hỗ trợ trong lĩnh vực này có nguy cơ rất khó giải ngân vì lãi suất cho vay cao, khi mà những chính sách đi kèm chưa hoàn thiện, đặc biệt khi mà Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa được thông qua trong kỳ họp lần này. Các ĐBQH tán thành cao với sự cần thiết xây dựng luật và cho rằng cần mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội đối với công nhân các cụm doanh nghiệp, cả với công nhân, người lao động bên ngoài các khu công nghiệp.

Kỳ họp đã kết thúc thành công tốt đẹp, sau 23 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao; tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, với khối công việc rất lớn, đã giải quyết nhiều vấn đề lớn của đất nước, để vượt qua những thách thức, đặc biệt về kinh tế năm 2023, cũng với nhiều chính sách lớn được thông qua với nhiều kỳ vọng...

Quốc hội đã xem xét, thông qua 8 dự án Luật, 3 dự thảo Nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Quốc hội cho ý kiến đối với 9 dự án Luật, trong đó có ý kiến lần hai với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)...; đồng thời xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023...

Bình luận (0)

Lên đầu trang