(CAO) Sau khi bổ nhiệm thêm một thẩm phán, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao tăng lên 15 người.
Trong ngày làm việc cuối cùng diễn ra hôm nay (24/6), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Chánh án TAND Tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.
Tại Nghị quyết được thông qua, Quốc hội đồng ý phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Nam, thẩm phán cao cấp, Phó chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội làm thẩm phán TAND Tối cao.
Thẩm phán Nguyễn Hồng Nam
Như vậy, với việc bổ sung thêm ông Nguyễn Hồng Nam, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tăng lên 15 thành viên.
Cụ thể, các thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, gồm: Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; 5 Phó chánh án TAND Tối cao gồm các ông: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Tiến, Dương Văn Thăng, Phạm Quốc Hưng; các thẩm phán TAND Tối cao gồm các ông bà: Lương Ngọc Trâm, Ngô Hồng Phúc, Ngô Tiến Hùng, Lê Văn Minh, Nguyễn Văn Dũng, Trần Hồng Hà, Đào Thị Minh Thủy, Nguyễn Biên Thùy, Nguyễn Hồng Nam.
Ông Nguyễn Hồng Nam sinh năm 1968, quê quán Thường Tín (Hà Nội). Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, ông Nam là Chánh án TAND tỉnh Sơn La.
Luật Tổ chức TAND quy định, số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không dưới 13 người và không quá 17 người; gồm Chánh án, các Phó Chánh án TAND tối cao là thẩm phán TAND Tối cao và các thẩm phán TAND Tối cao.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nhiệm vụ, quyền hạn như giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.
Phiên họp của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị.
Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng có quyền ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất pháp luật; lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử…