Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin, văn hóa, dân sinh

Thứ Sáu, 23/06/2023 18:24  | Lê Ngân

|

(CATP) Ngày 22/6, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp Thành ủy TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học "Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TPHCM trên các lĩnh vực". Chủ trì Hội thảo có GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; GS.TS Nguyễn Quang Thuần - Trưởng Tiểu ban Kinh tế, Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.

Phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế

phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thông tin: tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, GRDP TPHCM tăng bình quân khoảng 2%. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022, kinh tế TPHCM chịu cú sốc lớn từ đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và ảnh hưởng nặng nề mọi mặt kinh tế - xã hội, bình quân GRDP chỉ tăng 1,58%. Sáu tháng đầu năm 2023, GRDP ước chỉ tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2022. TPHCM vẫn luôn nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước được giao. Ước thực hiện tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2023 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, đạt 109,18% so với dự toán và tăng 29,68% so với giai đoạn 2016 - 2018, tốc độ tăng thu bình quân là 26,42%...

Nửa nhiệm kì còn lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế bền vững. Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của TP; phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để đây thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; huy động có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển TP...

TPHCM sẽ phát triển văn hóa xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thí điểm cơ chế đặc thù phát triển TPHCM, đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai tổ chức chính quyền đô thị đồng bộ với chương trình Chuyển đổi số và đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung

trao đổi tại hội thảo, tiến sĩ Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế cho biết, để đánh giá kết quả chỉ tiêu kinh tế của cả nước, trong đó có TPHCM, cần đặt trong bối cảnh đặc biệt là tình hình dịch Covid-19 cùng sự bất ổn, suy giảm kinh tế toàn cầu. Tiến sĩ Trần Du lịch phân tích với vai trò hạt nhân của vùng Đông Nam bộ và vùng đô thị TPHCM, cần định hình cơ cấu kinh tế TPHCM trên phạm vi vùng và xây dựng thể chế kinh tế vùng theo tinh thần Nghị quyết 24-NQ/TW năm 2022. Cơ cấu kinh tế vùng chỉ có thể hình thành khi có cơ chế thực hiện 4 nội dung liên kết. Đó là quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung...

Đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của TP thời gian tới, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, đầu tư văn hóa con người TP phải là đầu tư lâu dài phục vụ phát triển bền vững không chỉ cho TP mà cho cả vùng. Cần chính sách cơ chế liên ngành, liên vùng, đồng thời thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư kinh doanh thông qua hợp tác công - tư, tận dụng xu hướng phát triển mới của thế giới như kinh tế số, kinh tế xanh...

Phát biểu kết luận, GS.TS Tạ Ngọc Tấn đánh giá việc thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng như nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng GRDP, thu ngân sách của TPHCM vẫn tăng. Qua đó nổi bật lên những mô hình mới, cách làm hay, bài học sinh động như phân cấp phân quyền cho các địa phương, đổi mới cơ chế quản lý, tăng cường kết cấu hạ tầng. Với vấn đề kết cấu hạ tầng, ông Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh phải khắc phục sự trì trệ trong việc thực hiện các công trình, các dự án xây dựng như giao thông, kinh tế, văn hóa. Nếu không giải quyết tốt cơ chế, không giải quyết tốt chính sách cụ thể thì không chỉ kết cấu hạ tầng bị ảnh hưởng mà một loạt vấn đề khác. Vì vậy các địa phương cần chú ý kết cấu hạ tầng về công nghệ thông tin, hạ tầng văn hóa, kết cấu hạ tầng dân sinh phục vụ cho con người.

Bình luận (0)

Lên đầu trang