Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, quá trình thảo luận về dự luật, có ý kiến cho rằng dự thảo Luật đã mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, đề nghị tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp và thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại Điều 23.
Việc này nhằm đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tránh việc áp dụng tùy tiện hoặc lách các quy định của pháp luật.
Có ý kiến đề nghị nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, chỉ định thầu nên có giảm giá.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Lê Quàng Mạnh báo cáo tiếp thu, giải trình
Tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, chỉnh lý theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, theo đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với “gói thầu xây dựng theo lệnh khẩn cấp”, “gói thầu tái định cư”, “gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn”.
Thường vụ Quốc hội cũng chỉnh lý bổ sung tại điểm k khoản 1, trong đó quy định rõ về “Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”. Đồng thời, rà soát, bổ sung Điều 23 của dự thảo Luật chỉnh lý, luật hóa một số trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đã được quy định tại Quyết định số 17/2019 của Thủ tướng Chính phủ được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
“Như vậy, sẽ tăng thêm một số trường hợp chỉ định thầu, nhưng giảm trường hợp lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để bảo đảm quy định chặt chẽ, minh bạch hơn” – ông Mạnh thông tin.
Cũng qua thảo luận, có ý kiến cho rằng, việc chỉ định thầu nên mở rộng thêm ngoài những trường hợp như trong quy định, đề nghị thực hiện phương pháp chỉ định thầu giảm giá vì có những trường hợp mang lại hiệu quả cao hơn…
Hồi âm, UBTVQH nêu rõ, ý nghĩa của hoạt động đấu thầu trong những năm qua một mặt mang lại lợi ích cho bên mời thầu, nhằm lựa chọn nhà thầu cạnh tranh về giá cả, chất lượng tốt; mặt khác, việc đấu thầu nhằm đảm bảo tính công khai, tính minh bạch, mang lại môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh.
Do đó, nếu tăng cường áp dụng chỉ định thầu, theo UBTVQH, trong một số trường hợp có thể dẫn đến tình trạng “xin - cho”, làm giảm tính cạnh tranh do nhà thầu không thân quen với chủ đầu tư sẽ không có cơ hội được tham dự thầu, doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội cạnh tranh.
“Chỉ định thầu tràn lan sẽ không còn bảo đảm ý nghĩa, mục tiêu của công tác đấu thầu là công bằng, minh bạch” – UBTVQH nhấn mạnh và khẳng định, thực tế cho thấy, nếu thực hiện công tác đấu thầu một cách công khai, minh bạch, công bằng luôn mang lại hiệu quả và tiết kiệm.
Cơ quan này cũng chỉ ra, hiện đấu thầu qua mạng đang được đẩy mạnh với thủ tục đơn giản, tiết kiệm thời gian nên việc mở rộng chỉ định thầu là không cần thiết.
Với Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để bảo đảm có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh.
Theo thông lệ quốc tế, mua sắm tập trung thường áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng lớn, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, do điều kiện đặc thù của Việt Nam, đối với các trường hợp thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít ở từng địa phương, đơn vị. Do đó, ông Mạnh phân tích, nếu tổ chức đấu thầu riêng biệt sẽ khó lựa chọn được nhà cung cấp (do số lượng ít, không hấp dẫn các nhà cung cấp).
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi)
“Dự thảo luật đã bổ sung trường hợp mua sắm tập trung đối với thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có nhu cầu sử dụng ở nhiều địa phương, bệnh viện để tạo thành gói thầu mua sắm với số lượng lớn nhằm bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp” – ông Mạnh cho hay.
Vẫn trong dự thảo thông qua, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã quy định đối với trường hợp hàng hóa thuộc danh mục tập trung nếu đáp ứng được điều kiện đàm phán giá thì được áp dụng hình thức đàm phán giá.
Ngoài ra, đối với việc mua thuốc không thuộc danh mục thuốc do quỹ bảo hiểm y tế chi trả, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, luật cho phép các bệnh viện được tự quyết định việc mua sắm trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.
Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của luật này đối với mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó chỉ được thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế theo đúng giá mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo đơn giá đã trúng thầu của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn.
Nếu không có giá trúng thầu của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập tuyến tỉnh, tuyến Trung ương hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng cấp chuyên môn kỹ thuật trên cùng địa bàn thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.