Hình dung một TPHCM tự chủ vì cả nước

Thứ Sáu, 23/06/2023 09:32

|

(CATP) Kinh nghiệm cho thấy, chính quyền địa phương tự chủ được rất nhiều nước coi là giải pháp cho bài toán thúc đẩy sự phát triển không chỉ của chính địa phương được trao quyền tự chủ mà còn của cả quốc gia nơi địa phương đó là một thành phần không tách rời.

Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đang ở giai đoạn chốt lại và chuẩn bị được thông qua. Không chỉ Đảng bộ, chính quyền và người dân TPHCM, mà nhân dân cả nước đang háo hức chờ đón tin từ Quốc hội liên quan đến văn bản được kỳ vọng là chìa khóa mở cánh cửa cho thành phố bay vào khung trời thịnh vượng, phồn vinh, đồng thời kéo cả nước cùng bay theo.

Kinh nghiệm cho thấy, chính quyền địa phương tự chủ được rất nhiều nước coi là giải pháp cho bài toán thúc đẩy sự phát triển không chỉ của chính địa phương được trao quyền tự chủ mà còn của cả quốc gia nơi địa phương đó là một thành phần không tách rời.

Toàn cảnh TPHCM nhìn từ trên cao

Trong điều kiện đất nước trải dài và rộng, đồng thời hệ thống hạ tầng giao thông, liên lạc còn ở trình độ phát triển chưa cao, chính quyền trung ương thường gặp khó khăn trong việc bảo đảm sự quán xuyến đối với toàn bộ lãnh thổ. Các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao tiếp trực tiếp trên nền tảng số giữa các chủ thể ở cách xa nhau về mặt địa lý, do đó cho phép thực hiện quản lý từ xa trong nhiều mảng công việc.

Tuy nhiên, rất nhiều hoạt động quản lý, do đặc điểm riêng về yêu cầu công việc, vẫn phải được thực hiện theo cách truyền thống, dựa trên sự giao tiếp trong không gian vật lý, mặt đối mặt giữa các chủ thể. Nói chung, việc chuyển đổi số không triệt tiêu được tất cả những thách thức đối với chính quyền Trung ương trong việ cthự chiện mục tiêu quản lý đất nước hiệu quả.

Có những phần lãnh thổ cách xa về mặt địa lý so với nơi đặt bộ máy chính quyền trung ương và có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế. Đối với những địa phương như thế, việc quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương sẽ khiến cho hệ thống quản trị địa phương trở nên nặng nề, phức tạp: quy trình xử lý công việc chậm chạp do cần phải thỉnh thị, xin phép, nhất là đối với những việc quan trọng; chi phí tương tác trong quá trình kiểm tra lớn do khoảng cách địa lý;... Hậu quả là sự phát triển của địa phương bị chậm và điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển chung của cả đất nước.

Bởi vậy, các nước đang phát triển có diện tích lãnh thổ tương đối lớn thường trao quyền tự chủ cho một số địa phương có tiềm năng, coi đó là một trong những giải pháp lớn đối với bài toán phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc trao quyền tự chủ cho TPHCM được cho là bước đi hợp lý, có căn cứ khoa học trong các nỗ lực hoàn thiện cơ chế thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nguyên tắc trao quyền tự chủ cho địa phương là bảo đảm tự lập, tự quản trong khuôn khổ hệ thống quản trị quốc gia thống nhất. Cả quốc gia có một chính sách quản trị công và một khung pháp lý duy nhất về quản trị công ở tầm vĩ mô. Trên cơ sở vận dụng chính sách và tôn trọng các chuẩn mực pháp lý về quản trị vĩ mô, chính quyền địa phương được nhìn nhận như một thực thể quản trị có sức sống riêng và đặc biệt là có sự nghiệp riêng ở góc nhìn phát triển kinh tế - xã hội.

Sức sống riêng của địa phương tự chủ thể hiện trước hết ở quyền được ra các quyết định về quản trị công. Địa phương gọi là tự chủ phải tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển địa phương trong trung hạn và dài hạn. Bức tranh phát triển địa phương do chính địa phương tự hoạch định bằng cảm xúc, tâm huyết và tính toán khoa học của những đại biểu được cử tri địa phương bầu ra và được hiện thực hóa bằng nỗ lực của cộng đồng cư dân dưới sự lãnh đạo của chính quyền hành chính địa phương.

Sự nghiệp riêng của địa phương tự chủ được gầy dựng và vun đắp trên cơ sở các quyền được thừa nhận cho chính quyền đối với tài sản. Chính quyền địa phương được hình dung như chủ sở hữu và có quyền sử dụng, khai thác thậm chí định đoạt tài sản trong khuôn khổ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được thông qua. Chẳng hạn, địa phương có quyền chủ động sử dụng quỹ đất; quyết định phương án đầu tư vốn; huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu được bảo đảm thanh toán bằng tài sản thuộc địa phương quản lý...

Cũng như tất cả chính quyền địa phương tự chủ ở các nước tiên tiến, chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri thành phố về hiệu quả hoạt động của mình, đặc biệt là hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản của địa phương. Sự đánh giá của cử tri bằng lá phiếu là phần thưởng hoặc chế tài đối với chính quyền tùy theo hiệu quả hoạt động.

Mặt khác, tự chủ của địa phương là tự chủ trong sự thống nhất đất nước. Chính quyền thành phố được trao quyền hạn rộng rãi trong quản trị địa phương, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trước chính quyền Trung ương trong khuôn khổ hậu kiểm. Việc kiểm tra, thanh tra, kiểm soát được thực hiện trên cơ sở áp dụng chế độ pháp lý chặt chẽ, tường minh với những quy định về tiêu chí đánh giá thật cụ thể, cho phép hiểu và áp dụng một cách nhất quán. Tất cả nhằm bảo đảm sự đánh giá khách quan, chính xác hiệu quả hoạt động của chính quyền thành phố, từ đó có cơ sở để khích lệ, khen thưởng hoặc chế tài tương thích theo pháp luật chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang