TPHCM bảo đảm an ninh con người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Thứ Bảy, 03/07/2021 13:45

|

(CAO) Lần đầu tiên, thuật ngữ “an ninh con người” đã xuất hiện trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng với tư cách là một nội dung lý luận mới và được sử dụng 11 lần nhằm xác lập định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030 và nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ đại hội, cũng như các nhiệm vụ, phương hướng, giải pháp cụ thể khác.

Tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân TPHCM. Ảnh: Hồ Trung

Đại hội xác định việc đảm bảo an ninh con người thực chất là việc phát huy nhân tố con người, đề cao nhân tố con người, đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội.

Kế thừa quan điểm trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011 - 2020, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã phát triển lên một tầm cao mới nhằm phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững”[1].

Đây thực chất là sự cụ thể hóa các tư tưởng lập hiến đã nêu trong Hiến pháp 2013 và trở thành các mục tiêu, định hướng phát triển đất nước từ năm 2021 đến 2025 (40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước), 2030 (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tầm soát virus SARS-CoV-2 cho người dân. Ảnh: Hồ Trung

Bên cạnh đó, Đại hội xác định bảo vệ an ninh con người nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của con người và xã hội: “Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người”[2].

Đây là sự tiếp nối nhất quán nhận thức của Đảng về vai trò, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trong của việc giải quyết các vấn đề xã hội như một nội dung đặc biệt quan trọng vì mục tiêu phát triển con người, thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội ta, chế độ của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, luôn lấy con người làm mục tiêu phát triển.

Đại hội xác định bảo vệ an ninh con người là bảo vệ an ninh quốc gia, coi an ninh con người là một bộ phận của an ninh quốc gia. Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (ngày 28/3/2021), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã khẳng định: “An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại; bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh”[3].

Tặng quà hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ảnh: Hồ Trung

Vấn đề an ninh con người được đề cập toàn diện trong nhiều nội dung, lĩnh vực, bao quát toàn bộ những vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, phát triển con người. Đại hội XIII của Đảng chỉ ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó có 2 định hướng đề cập đến đảm bảo “an ninh con người”, cụ thể: Định hướng thứ 5 là: “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh...”[4] và định hướng thứ 7 là “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương…”[5].

Nhiệm vụ thứ 4 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đảng xác lập trong nhiệm kỳ Đại hội XIII vạch rõ: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế…”[6]. Điều này không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc bảo đảm an ninh con người trong bối cảnh mới mà quan trọng hơn là từng bước làm cho vấn đề an ninh con người được thẩm thấu trong suy nghĩ và trong hành động của các cơ quan, nhân viên nhà nước, trong các cấp, các ngành và trong toàn xã hội, vì sự an toàn của mỗi cá nhân con người nói riêng và toàn xã hội nói chung trong bối cảnh mới hiện nay.

Có thể khẳng định, trong Văn kiện Đại hội XIII, an ninh con người là một trong những vấn đề trọng tâm, hàm chứa cách tiếp cận đa chiều, thể hiện tư duy lý luận mới của Đảng. Vì lẽ đó, việc chúng ta nhận thức được những điểm mới đó và quán triệt trong mọi hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn dân là nhu cầu bức thiết, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của con người, vì mục tiêu phát triển bền vững.

Trong tiến trình phát triển, hội nhập của đất nước, TPHCM trở thành một trong những trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tiến trình phát triển TP cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có những thách thức từ an ninh phi truyền thống, đặc biệt là dịch bệnh COVID-19 đã và đang có những diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh con người mà đối tượng bị tác động trực tiếp chính là cư dân TP.

Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã có những quyết sách chủ động, kịp thời. Từ 0 giờ ngày 31/5/2021, TPHCM thống nhất áp dụng giãn cách xã hội toàn địa bàn theo Chỉ thị 15 (riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc thuộc Quận 12 áp dụng Chỉ thị 16). Đây là động thái quyết liệt của TP sau khi 12 ngày qua trên địa bàn có đến 4 chuỗi lây nhiễm Covid-19. Tiếp đó, UBND TP ban hành văn bản khẩn về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 15 của Chính phủ. Theo đó, TP bắt đầu áp dụng Chỉ thị 15 thêm 14 ngày kể từ 00 giờ 00 ngày 15/6/2021 để chống dịch bệnh Covid-19.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, chính quyền TP yêu cầu người dân bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng, ủng hộ các biện pháp phòng, chống dịch, hợp tác với chính quyền, nghiêm túc chấp hành các yêu cầu, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn 5K của Bộ Y tế.

Việc kết nối để tìm nguồn vắc-xin và triển khai tiêm vắc-xin được lãnh đạo TP đặc biệt chú trọng. TP đã làm việc với các đơn vị sản xuất để mua vắc-xin, đặt ra mục tiêu 7,2 triệu người dân trên 18 tuổi được tiêm chủng trước khi bắt đầu năm 2022. Mặt khác, TP đã chính thức thành lập Tổ công tác mua và sử dụng vắc xin Covid-19 do Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đứng đầu. Tổ công tác có nhiệm vụ thay mặt UBND TP đàm phán tìm nguồn vắc-xin và xác định thứ tự ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đối với những người nằm ngoài nhóm đã được lên danh sách.

Tính đến nay, TP đã triển khai chiến dịch tiêm chủng 4 đợt, và bắt đầu từ ngày 21/6 đã triển khai tiêm chủng cho tổ Covid-19 cộng đồng tại 22 quận, huyện, Thành phố Thủ Đức và cho lực lượng người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Đặc biệt, trước tình hình “dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong những ngày gần đây lên đến 3 con số và có những ca bệnh chưa rõ nguồn lây, dự báo sẽ xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng”[7], ngày 19/6/2021, UBND TP đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, nhằm đưa cuộc sống sớm trở lại bình thường. Đồng thời, Thành ủy cũng chỉ đạo các ban, ngành có liên quan chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của các đối tượng chống phá khi cho rằng việc giản cách xã hội hay cách ly người bệnh là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do đi lại của người dân…

Có thể khẳng định, những biện pháp chống dịch quyết liệt, hiệu quả đó đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, tạo được sự nhất trí, đồng thuận cao trong xã hội, được Nhân dân TP tin tưởng, hưởng ứng. Bởi hơn ai hết, Nhân dân TP hiểu rõ mục đích của việc giãn cách xã hội, cách ly người bệnh và thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trên vì sự an toàn, an ninh của chính họ. Đó là tiền đề quan trong góp phần đảm bảo an ninh con người, vì mục tiêu phát triển bền vững của TP và cả nước.

 

---------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, t.1, Hà Nội, tr.202.

(2) Sđd, t1, tr.148.

(3) Tô Lâm (2021), Đề cương chuyên đề Những nhận thức mới, tư duy mới về an ninh quốc gia trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Hà Nội, tr.2.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, tập 1, Hà Nội, tr.116.

(5) Sđd, t1, tr.156.

(6) Sđd, tr.202.

(7) UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Chỉ thị số 10/CT-UBND về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.1.

Bình luận (0)

Lên đầu trang